Trình Bộ Chính trị chính sách cho cán bộ, công chức sau sắp xếp bộ máy

Mai Hà
Mai Hà
30/12/2024 06:28 GMT+7

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiếp tục lắng nghe, tiếp thu, hoàn thiện và xin ý kiến Bộ Chính trị để sớm ban hành chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy.

Sáng 29.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 6 Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết Nghị quyết 18 về sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo T.Ư về sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, Ban Cán sự Đảng Chính phủ hoàn thành, gửi báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 trước ngày 31.12.

Trình Bộ Chính trị chính sách cho cán bộ, công chức sau sắp xếp bộ máy- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu sớm hoàn thiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy

ẢNH: NHẬT BẮC

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tổ chức bộ máy "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả", tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm không bỏ sót, không chồng chéo và hoàn thiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan. Giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, giảm thủ tục hành chính, ai làm tốt nhất thì giao. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; có chính sách chung, chính sách đặc thù bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp; bố trí nhân sự phù hợp trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiếp tục lắng nghe, tiếp thu, hoàn thiện và xin ý kiến Bộ Chính trị để sớm ban hành chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy. Trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy thì các nhiệm vụ vẫn phải thúc đẩy, triển khai và hoàn thành và sau khi hoàn thành thì phải bắt tay ngay vào công việc. Đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình sắp xếp, tinh gọn; bảo đảm phân công rõ công việc trong thời gian quá độ.

Bỏ tư duy không quản được thì cấm

Chiều 29.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật.

Theo Bộ Tư pháp, qua rà soát có hơn 5.000 văn bản chịu tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Trong đó, có hơn 2.800 văn bản liên quan đến thay đổi tên gọi của cơ quan, tổ chức, đơn vị; gần 1.900 văn bản có nội dung cần xử lý ngay và hơn 300 văn bản có nội dung cần xử lý nhưng chưa cấp thiết.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo sớm trình Chính phủ dự án luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để trình Quốc hội theo quy trình rút gọn.

Thủ tướng nhấn mạnh phải từ bỏ tư duy không quản được thì cấm, không biết vẫn quản. Đồng thời quán triệt tư duy ai quản lý tốt nhất thì giao, việc gì người dân, doanh nghiệp làm tốt thì nhà nước không làm. Nhà nước chỉ tập trung quản lý nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch, thúc đẩy kiến tạo phát triển và thiết kế công cụ để kiểm tra, giám sát; cái gì cấm thì đưa vào luật, cái gì không cấm thì tạo không gian cho sáng tạo... Bên cạnh đó, phải phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi.

Dự kiến cần 130.000 tỉ đồng

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trong đó nêu rõ chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi; chính sách với cán bộ được kéo dài thời gian công tác; chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức; chính sách nghỉ thôi việc đối với viên chức và người lao động (trừ viên chức và người lao động làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập khác). Cùng với đó là chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tăng cường đi công tác ở cơ sở; chính sách trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp.

Theo Bộ Nội vụ, dự kiến cần 130.000 tỉ đồng để thực hiện các chính sách, chế độ nêu trên do ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập. Mặt khác, "việc thực hiện tinh giản biên chế sẽ làm giảm chi thường xuyên và giảm kinh phí từ ngân sách nhà nước để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc (22%); 10% quỹ tiền thưởng", Bộ Nội vụ cho hay. Trong 5 năm, ngân sách nhà nước dự kiến tiết kiệm chi khoảng 113.000 tỉ đồng.

TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.