'Nghị quyết thực hiện trong 2 năm thì mất đúng 1 năm để ban hành văn bản'

25/05/2024 12:25 GMT+7

Đề cập tới những nguyên nhân khiến kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 chưa đạt như kỳ vọng, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm.

Sáng 25.5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV thảo luận về báo cáo giám sát thực hiện Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 43 được Quốc hội ban hành trong bối cảnh đặc biệt, khi dịch Covid-19 với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, gây tác động tiêu cực nặng nề đến đời sống người dân và tình hình kinh tế - xã hội đất nước.

Đến nay, ngoài những kết quả đạt được, việc tổ chức thực hiện nghị quyết vẫn còn hạn chế, tiến độ giải ngân vốn nhiều dự án không bảo đảm thời hạn; các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin có tiến độ rất chậm nên phải kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện…

'Nghị quyết thực hiện trong 2 năm thì mất đúng 1 năm để ban hành văn bản'- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

GIA HÂN

"Vừa làm vừa lo hậu kiểm liệu có sai không"

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM), nhấn mạnh đại dịch Covid-19 để lại hậu quả rất nặng nề, không chỉ 1 năm mà kéo dài trong nhiều năm. Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nhất, TP.HCM rất quan tâm, rất mong muốn có một gói hỗ trợ chính sách để phục hồi kinh tế.

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 43, các mục tiêu kiểm soát đại dịch, phục hồi tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội cơ bản đã đạt được. Tuy vậy, còn đó một số tồn tại cần nhận diện nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.

Ông Ngân chỉ ra 3 nguyên nhân. Thứ nhất, đây là việc chưa có tiền lệ, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, chúng ta rất lúng túng, vừa kiểm soát dịch bệnh lại vừa phải phục hồi kinh tế.

Thứ hai là thể chế, rất quan trọng. Thời điểm đó, các cơ quan vừa làm vừa lo sợ, vừa cấp bách cứu dân nhưng cũng vừa phải hỗ trợ doanh nghiệp, "phải làm mọi thứ hết, nhưng lại sợ hậu kiểm liệu có sai không". Chính điều này đã khiến khó khăn xảy ra.

Điển hình như gói hỗ trợ vay vốn lãi suất 2%, doanh nghiệp cũng rất muốn nhưng cũng sợ hậu kiểm, quy định ra sao, có an toàn không? Chưa kể, dấu hiệu phục hồi chưa rõ nét, cơ hội đầu tư chưa sáng nên doanh nghiệp cũng chưa dám vay vốn.

Thứ ba là sự đứt gãy chuỗi cung ứng do chịu ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, khiến giá xăng dầu, sắt thép, lạm phát… đều tăng.

'Nghị quyết thực hiện trong 2 năm thì mất đúng 1 năm để ban hành văn bản'- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga

GIA HÂN

Đề cập nhiều nhưng chưa thấy chuyển biến rõ rệt

Phân tích nguyên nhân khiến việc triển khai Nghị quyết số 43 chưa như kỳ vọng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề cập đến tình trạng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn nghị quyết hầu hết là chậm.

Bà Nga dẫn chứng, trong 21 văn bản được thống kê, chỉ có 1 văn bản được ban hành đúng thời hạn, 20 văn bản còn lại chậm và muộn. Trong 20 văn bản đó, 4 văn bản tuy không có thời hạn cụ thể nhưng cũng ban hành rất muộn.

"Nghị quyết 43 có thời hạn thực hiện trong 2 năm thì mất đúng 1 năm cho công tác ban hành văn bản. Trong những văn bản ban hành muộn, chỉ có 2 văn bản thời gian chậm tính bằng ngày, còn lại chậm từ 2 - 7 tháng", bà Nga nói.

Theo nữ đại biểu, tình trạng chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được đề cập nhiều lần, nhưng đến nay chưa thấy thực sự có chuyển biến rõ rệt. Nghị quyết 43 ra đời trong tình thế cấp bách để giải quyết những vấn đề cấp bách, thế nhưng vẫn chậm như thời gian trước.

Chính việc này là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân thấp, một số mục tiêu đề ra không đạt được như kỳ vọng.

Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) nhận định việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, văn bản hướng dẫn cụ thể một số chính sách tại nghị quyết có quy định chưa rõ, chưa thống nhất. Điều này dẫn đến chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp; có chính sách chưa đạt mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nghị quyết.

Từ những hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 43, đại biểu Tuấn đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn các luật mới được Quốc hội thông qua trong thời gian sớm nhất.

Ông lấy ví dụ, Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định, chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, được thông qua tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành T.Ư sớm nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi bổ sung để thu hút, giữ chân các nhà đầu tư chiến lược.

"Nếu chúng ta trả bù chậm chạp, nhà đầu tư sẽ bỏ ra đi. Mặt khác, khi hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh sẽ khắc phục được tình trạng một bộ phận cán bộ có tâm lý né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ hiện nay", ông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.