Kết hợp nhiều máy bay không người lái
Chủ mô hình khởi nghiệp là: Dương Diễm Trinh, Huỳnh Nguyễn Minh Anh, Nguyễn Xuân Thành Đạt. Các bạn trẻ này đều có nhiều năm kinh nghiệm về kỹ thuật hàng không, sáng chế, vận hành máy bay không người lái.
Diễm Trinh chia sẻ sở dĩ chọn mô hình trình diễn ánh sáng nghệ thuật để khởi nghiệp vì nhận thấy đây là một lĩnh vực mới, ít người khai phá, tạo được sự chú ý của rất nhiều người khi trình diễn. Đồng thời, đây là dự án có tính nghệ thuật áp dụng hệ thống công nghệ mới. Các thành viên trong nhóm đều có tính "bay bổng", kèm tinh thần khởi nghiệp và đam mê công nghệ nên từ đó đã thôi thúc họ lao mình vào nghiên cứu.
Cuối năm 2021, nhóm đã bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu sản phẩm từng công đoạn, từ bo mạch đến các bộ phận khác nhau của thiết bị bay không người lái. Sau 2 năm, thiết bị bay này cũng hoàn thiện và thử nghiệm thành công. Nhóm trưởng Diễm Trinh cho biết nhận thấy sản phẩm khả thi, tiềm năng để phát triển kinh doanh, nên Công ty SMT Dronelightshow đã ra đời với 3 thành viên chủ chốt.
"Sản phẩm mẫu đầu tiên đạt tiêu chí và thử nghiệm thành công ở cả phần cứng và phần mềm. Trong phần cứng của máy bay không người lái là hệ thống trạm điều khiển mặt đất, đồng thời phần mềm là hệ điều hành tự lái và quản lý trình diễn. Từ nền tảng sản phẩm mẫu đầu tiên thành công thì tháng 7.2023, chúng tôi dành khoảng 4 tháng nữa để phát triển và hoàn thiện thêm sản phẩm máy bay không người lái mang tính thương mại khác có tên là Starlight V2", Minh Anh cho biết.
Theo Minh Anh, đặc điểm nổi bật của sản phẩm là sự kết hợp của máy bay Starlight V2 và Smart case (va li thông minh chứa máy bay), tức là tối ưu ở khâu vận hành, giúp giảm chi phí nhân công, sai sót do con người, tối đa thời gian ở khâu thiết lập, chuẩn bị trước và sau mỗi buổi trình diễn. Để đạt được điều đó, Starlight V2 có khả năng cất và hạ cánh chính xác vào từng ô chứa của mỗi máy bay trong va li. Về khía cạnh mô hình kinh doanh, do làm chủ công nghệ toàn bộ hệ thống, nhóm có khả năng tự sản xuất, từ đó lợi thế về chi phí, khả năng thu hồi vốn nhanh, dễ dàng nhân rộng số lượng máy bay trong đội bay.
Diễm Trinh nói rằng mô hình khởi nghiệp này có tên đúng hơn là: "Trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng máy bay không người lái". Mô hình này sẽ cung cấp trọn gói dịch vụ biểu diễn từ máy bay không người lái, do chính tay các bạn trẻ tự chế tạo và sản xuất. Nguyên lý hoạt động gồm hàng trăm hoặc ngàn máy bay không người lái có trang bị đèn LED, hệ thống định vị kết hợp lại giống như một "màn hình bay", tạo ra các hình ảnh 3D được lập trình sẵn.
"Màn hình bay" này có nhiệm vụ bay chính xác theo tọa độ tại từng thời điểm khác nhau, đồng thời điều khiển đèn LED để thể hiện các chấm sáng trên nền trời đêm. Hình ảnh có thể là dòng chữ, tên thương hiệu, logo, đồ vật, con vật... hoặc có thêm hiệu ứng chuyển động nhiều màu sắc, tạo nên những trải nghiệm mới lạ, để lại những thông điệp đầy ý nghĩa mà các đơn vị tổ chức sự kiện muốn gửi gắm tới khán giả trong buổi trình diễn.
Áp dụng công nghệ cao
Nói thêm về mô hình khởi nghiệp, Thành Đạt cho biết mô hình không những mang lại lợi ích cho cả nhóm mà còn của cộng đồng. Mô hình đã làm thỏa mãn đam mê của những người trẻ đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ cao trong việc phát triển và cải tiến sản phẩm thật để đưa ra thị trường, đem lại thu nhập cho các thành viên tham gia dự án.
Cũng theo Thành Đạt, sản phẩm mang lại cho thị trường một dịch vụ giải trí công cộng mới, độc đáo, có thể thay thế hoặc kết hợp với pháo hoa truyền thống. Bên cạnh đó, sản phẩm còn tạo ra hình thức quảng bá thương hiệu mới, thu hút số lượng lớn khán giả tại một thời điểm, đồng thời để lại nhiều thông điệp ý nghĩa, cộng hưởng tính giải trí, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến văn hóa dân tộc, lịch sử trong mỗi buổi diễn.
Thời gian đầu, sự thuận lợi của nhóm bạn trẻ này đến từ tích lũy kinh nghiệm và kiến thức nên việc phát triển sản phẩm mẫu diễn ra rất nhanh. Việc định hình hoàn thiện sản phẩm và xác định mô hình kinh doanh cũng không gặp nhiều khó khăn. Bởi mỗi thành viên trong nhóm đều có những kinh nghiệm riêng trong nhiều lĩnh vực cộng với việc vận hành công ty khởi nghiệp. Nhờ sự kết hợp đó nên các bạn trẻ này cũng có một vài hợp đồng biểu diễn đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp.
Theo các bạn trẻ trong nhóm, để có được nền tảng công nghệ và ứng dụng vào sản phẩm, nhóm đã may mắn nhận được sự hỗ trợ bởi các cố vấn.
Diễm Trinh nói: "Từ kinh nghiệm đó, giúp tụi mình có góc nhìn thực tế, cách tiếp cận, xử lý vấn đề và liên tục học hỏi, thay đổi mỗi ngày. Đến thời điểm này, nhóm đã hoàn thiện sản phẩm thương mại, với chức năng được định hình đầy đủ để gia nhập thị trường, đồng thời đã chuẩn bị sẵn mọi quy trình để đạt số lượng lớn máy bay không người lái, bổ sung vào đội bay".
"Bên cạnh đó chúng tôi cũng gặp khó trong gọi vốn đầu tư. Do sản phẩm trên thị trường VN khá mới, nên nhóm mất nhiều thời gian để thử nghiệm sản phẩm và thuyết phục mọi người về tiềm năng kinh tế của mô hình", Diễm Trinh chia sẻ.
Diễm Trinh cho biết hiện tại nhóm đã có các hợp đồng dịch vụ, nguyên tắc với nhiều khách hàng, nhận được sự quan tâm từ chính quyền TP.Thủ Đức (TP.HCM). Ngoài ra, dự án cũng đạt giải nhì cuộc thi chuyển đổi số cho thành phố thông minh Digitrans 2023.
Bình luận (0)