Trình Quốc hội 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần

Lê Hiệp
Lê Hiệp
20/09/2023 14:59 GMT+7

Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến trình Quốc hội sẽ có 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần.

Sáng 20.9, tiếp tục phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về dự án luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Theo tờ trình  gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất 2 phương án rút BHXH một lần.

Trình Quốc hội 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo thẩm tra dự án luật BHXH sửa đổi sáng 20.9

GIA HÂN

Phương án 1, người lao động đã tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực (dự kiến 1.7.2025), sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được rút BHXH một lần.

Người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi thì không được rút BHXH một lần. 

Quy định này không áp dụng với các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của luật.

Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần. Tuy nhiên, dự thảo quy định chỉ được rút tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết có ý kiến đề nghị kết hợp 2 phương án Chính phủ trình thành 1 phương án thống nhất và nghiên cứu nên có lộ trình giảm phần trăm mức hưởng khi nhận BHXH một lần.

“Việc này để vừa tuyên truyền, vừa áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi để giữ chân người tham gia BHXH. Nếu thực hiện ngay và giảm mức hưởng xuống 50% sẽ có thể gây ra phản ứng chính sách”, bà Thúy Anh nói.

Cho rằng đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động, cơ quan thẩm tra cho rằng, cần tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng, tham vấn rộng rãi hơn về các phương án dự kiến sửa đổi, bổ sung.

"Không nên gút lại là phương án nào"

Trình Quốc hội 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần - Ảnh 2.

Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung báo cáo tại phiên họp

GIA HÂN

Giải trình sau đó, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung nhìn nhận, quy định rút BHXH một lần là vấn đề hệ trọng, rất lớn, nếu công bố sớm các phương án có thể tạo hiệu ứng nhất định với tâm lý xã hội. 

Theo nguyên tắc của Chính phủ thì khi có những thay đổi chính sách lớn phải báo cáo Chính phủ để xin ý kiến các thành viên. Do đó, ông Dung cho biết, Thủ tướng và Thường trực Chính phủ đề xuất lắng nghe thêm ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp để có định hướng.

Nhắc lại việc tại phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu tính toán tích hợp 2 phương án trên để có phương án tối ưu, ông Dung cho biết, nếu đặt ra phương án thứ 3 thì chắc chắn những người mới tham gia sau khi luật có hiệu lực sẽ không thực hiện theo chính sách hưởng BHXH một lần hiện hành (quy định tại Nghị định 93 năm 2015 của Quốc hội).

Với những người được hưởng chính sách theo Nghị quyết 93 thì có thể chỉ dừng lại ở mức 50%. 

"Nếu như Thường vụ Quốc hội hôm nay cho ý kiến thì chúng tôi báo cáo lại với Chính phủ, đây cũng là phương án thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 28, tức là khuyến khích những người tiếp tục bảo lưu và thực hiện, giảm chính sách đối với những người rút một lần", ông Dung nói.

Trình Quốc hội 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp

GIA HÂN

Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhìn nhận rút BHXH một lần là vấn đề lớn nhất trong sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội lần này. 

Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội cho biết, để hạn chế tình trạng này thì có nhiều cách. Trong đó, biện pháp lớn nhất là giảm thời gian đóng hưởng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm và tới đây sẽ có lộ trình để giảm xuống còn 10 năm.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là yếu tố quan trọng nhất về kinh tế để giảm việc rút BHXH một lần. Còn quyền rút hay không vẫn là quyền của người lao động. "Chúng ta xử lý trong luật vẫn đảm bảo quyền này", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về phương án đối với rút BHXH một lần, Chủ tịch Quốc hội cho hay, có nhiều phương án, song cho rằng có thể trình Quốc hội trên cơ sở Chính phủ đang tiếp thu. Còn cơ quan thẩm tra vẫn có quyền đưa ra các ý kiến, Chính phủ tiếp thu được đến đâu là quyền của Chính phủ chứ không nên "gút lại" là phương án nào.

"Thường vụ Quốc hội bây giờ không nói được cụ thể là thế nào mà chỉ nói gợi ý nghiên cứu để đưa ra thảo luận thôi. Chúng ta phải tuân thủ quy trình xây dựng pháp luật. Cho nên đừng có nóng ruột gì chuyện đấy cả", Chủ tịch Quốc hội nói, và cho biết, dự thảo luật trình ra Quốc hội còn tọa đàm, thảo luận, nghiên cứu lấy ý kiến cả năm trời, nên có thể tiếp tục lắng nghe, hoàn thiện.

Dự thảo luật BHXH sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 6 vào tháng 10 tới và thông qua tại kỳ họp 7 giữa năm 2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.