Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM (Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM), trong 2 tháng đầu năm nay số lượng người đăng ký thất nghiệp tăng 138% (6.438 người) so với cùng kỳ năm ngoái.
Và con số tổng của năm nay được dự đoán tiếp tục tăng cao so với hai năm trước.
Tại sao như vậy trong khi nhiều doanh nghiệp hiện nay tuyển không ra lao động? Có hay không tình trạng thất nghiệp ảo và một bộ phận người lao động đăng ký thất nghiệp giả để hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN)?
Đăng ký thất nghiệp tăng
Phòng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM từ sau tết đến nay lúc nào cũng đông người đến làm thủ tục hưởng TCTN. Ông Nguyễn Cao Thắng, trưởng phòng BHTN TP.HCM, cho biết trung bình mỗi ngày có 400-500 người đến làm thủ tục hưởng TCTN tại sáu điểm đăng ký ở các quận 7, Bình Thạnh, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn.
“Năm qua doanh nghiệp gặp khó khăn nên diễn ra tình trạng cơ cấu lại lao động, lượng người đến đăng ký thất nghiệp vì vậy tăng lên. Hơn nữa người lao động ngày càng biết rõ chính sách này nên đến đăng ký khi thất nghiệp để hưởng quyền lợi” - ông Thắng nhận định.
|
Ông Trần Dũng Hà, trưởng phòng chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, cho biết năm 2010 BHXH TP.HCM chi trợ cấp cho 53.003 người với số tiền trên 179 tỉ đồng, con số trong năm 2011 là 88.326 người với trên 410 tỉ đồng. Ông Cao Văn Sang, giám đốc BHXH TP.HCM, cho hay thị trường lao động TP.HCM phong phú về chỗ làm, dễ tìm việc làm nên việc dịch chuyển lao động từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác là đương nhiên và kéo theo tình trạng thất nghiệp tạm thời. Bên cạnh đó, người lao động hiểu về chính sách này nên khi mất việc, chuyển việc họ sẽ đăng ký hưởng TCTN vì quyền lợi của mình.
Tại Hà Nội, nếu như con số đăng ký thất nghiệp trong năm 2010 chỉ gần 4.200 thì năm 2011 là trên 16.000. Tại các tỉnh sử dụng nhiều lao động khác như Đồng Nai, Bình Dương, con số đăng ký thất nghiệp cũng ở mức cao, do một số doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả đã giải thể hoặc sáp nhập và xảy ra tình trạng cắt giảm lao động. Theo Thanh tra Bộ Lao động - thương binh và xã hội, việc gia tăng lượng người đăng ký hưởng TCTN thời gian vừa qua trên cả nước phản ánh đúng thực trạng thị trường lao động VN hiện nay. Hàng ngàn doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh năm vừa rồi đã rơi vào tình trạng đình đốn sản xuất, thậm chí giải thể, số người thất nghiệp được tính sơ bộ khoảng 1 triệu người.
Bất cập trong khâu quản lý
Lượng người đăng ký hưởng TCTN tăng cao đặt ra vấn đề: liệu cơ quan quản lý lao động làm thế nào để xác định được tình trạng việc làm thực tế của người lao động khi họ đến đăng ký thất nghiệp để hưởng TCTN. Câu trả lời chung của các cơ quan quản lý là “không thể kiểm soát và còn lâu mới có thể cải thiện được việc này”.
|
Ông Cao Văn Sang cho hay về mặt phân công trách nhiệm thì BHXH TP.HCM thu tiền, Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM tiếp nhận đăng ký hưởng TCTN rồi ra quyết định hưởng cũng như ra quyết định cắt. BHXH chỉ kiểm tra dữ liệu người lao động có tham gia BHTN 12 tháng hay không rồi chi hưởng TCTN theo quyết định được ban hành của cơ quan quản lý lao động. “Quy định là phải đăng ký thất nghiệp trong thời hạn bảy ngày kể từ khi mất việc làm, nhưng nếu có trường hợp là 10 ngày thì BHXH cũng không thể biết và cũng không có quyền can thiệp vào quá trình xét này. Chúng tôi làm hai đầu là thu và chi, còn cơ quan quản lý lao động làm khúc giữa là xét và ra quyết định hưởng” - ông Sang nói.
Nhìn về khía cạnh quản lý, ông Sang cho hay với tình hình và công cụ quản lý hiện nay thì quá khó để xác minh được tình trạng việc làm thật sự của người lao động vì không thể cập nhật được tình trạng sử dụng lao động của các doanh nghiệp và cũng không thể xử phạt nếu phát hiện có sai phạm trong quá trình người lao động đăng ký hưởng TCTN.
Ông Nguyễn Cao Thắng cho biết đến bây giờ chưa thể nói được có trường hợp người lao động nào gian lận để hưởng TCTN vì BHTN mới triển khai và không có công cụ nào để xác định được tình trạng việc làm thực chất của người lao động. “Mỗi tháng có 9.000-10.000 người đến đăng ký, làm sao trung tâm có thể đi kiểm tra. Điều này cần đòi hỏi tính tự giác của người lao động khi đăng ký, còn con số lợi dụng nếu có cũng chỉ là số rất nhỏ. Chúng tôi cũng kiến nghị với Nhà nước làm sao xác định tình trạng việc làm thật sự để kiểm soát chuyện này” - ông Thắng nói.
Quy trình đăng ký hưởng TCTN Theo quy định hiện nay, người lao động đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời hạn bảy ngày từ khi mất việc làm phải đến đăng ký thất nghiệp tại các trung tâm và hoàn thành hồ sơ đề nghị hưởng TCTN trong vòng 15 ngày kể từ khi đăng ký thất nghiệp (chưa tìm được việc làm trong 15 ngày đó). Sau khi nhận hồ sơ đầy đủ, phía trung tâm sẽ nhập dữ liệu để làm thẻ bảo hiểm y tế và ATM cho người lao động. Mức TCTN là 60% tiền lương của sáu tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Người lao động được hưởng 3 tháng TCTN nếu đóng BHTN đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng, 6 tháng (đóng 36 tháng đến dưới 72 tháng), 9 tháng (đóng 72 tháng đến dưới 144 tháng), 12 tháng (đóng 144 tháng trở lên). |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)