Trò chơi của lính

28/04/2012 03:14 GMT+7

Chơi bowling bằng chai nước, hứng bóng bằng ghế… là những trò chơi thú vị mà chỉ có lính mới nghĩ ra.

Cứ đến thứ bảy và chủ nhật, khuôn viên của Trung đoàn Gia Định lại nhộn nhịp tiếng reo hò cổ vũ của các chiến sĩ trẻ với những trò chơi mới. Đặc biệt, các trò này được chính những người lính trẻ sáng tạo từ các trò chơi dân gian, trò chơi quân sự, nhưng độc đáo hơn, mang tính “bộ đội” hơn.

Nếu như môn bowling được xem là trò chơi tốn kém, thì ở Trung đoàn Gia Định, trò này được xem là khởi động thể lực và chẳng tốn gì. Các chiến sĩ đã thay các “Ki” bằng những chai nước bỏ đi ở các thao trường. Quả bóng cũng được thay bằng những quả tạ sắt trong phòng tập thể hình, hoặc những quả bóng chuyền khi chơi ở nơi có nhiều người. Còn “đường băng” là sân bóng chuyền vẽ hai đường biên để giới hạn đường bóng khi chơi.

Hay đối với bộ môn bóng rổ thuần túy, các lính trẻ đã sáng tạo ra kiểu chơi rất bộ đội của mình “cầu môn rổ người”. Thay vì dùng rổ cố định trên cao, thì mỗi đội chơi cử một thành viên cầm rổ hứng bóng bên sân đối phương. Và thú vị hơn nữa, vì không có loại rổ chuyên nghiệp, nên các chiến sĩ dùng ghế quay ngược giơ bốn chân lên cao làm rổ bóng. Thiếu tá Phạm Thanh Tùng - Trợ lý thanh niên của Trung đoàn Gia Định, tâm sự: Các trò chơi này trông thế nhưng rất thực tế trong quân đội. Nếu tạm đóng quân ở nơi khó khăn về cơ sở vật chất, thì làm sao có rổ thật để chơi bóng. Lúc ấy chỉ cần hai người làm “rổ” là cả đơn vị có thể chơi một trận thú vị.

Một sáng tạo mà các chiến sĩ thích dùng trong các trò chơi liên hoàn là thử thách thần kinh, bằng cách quay “ly tâm” như phi công học bay, sau đó mới thực hiện các nội dung đơn giản. Chẳng hạn trò “đập bóng nước”, người chơi phải chỉ tay xuống đất và chạy quanh vị trí đó 10 vòng cho chóng mặt, rồi đập sao cho trúng quả bóng nước. Hoặc trò chơi khác, người chơi sau khi quay vòng xong mới vác thùng đạn đi theo các đường zíc zắc. Một chiến sĩ trẻ chia sẻ lúc đầu chưa quen nên dễ ngã, thậm chí đi nhầm lại điểm xuất phát. Nhưng sau đó anh em biết giữ thăng bằng, nên vẫn hoàn tất được trò chơi và không khí rất vui. Trung úy Đào Anh Việt - Chi đoàn 16 súng máy 12 ly 7, cho biết một trong các tiêu chí để các chiến sĩ sáng tạo, là trò chơi phải có tính rèn luyện sức khỏe và tinh thần để hỗ trợ cho các cuộc hành quân đêm hoặc mang vác đồ nặng. Chính vì vậy, những trò chơi này chắc chỉ có lính mới chơi nổi.

Bên cạnh việc giải trí, các trò chơi ít nhiều phải mang tính quân sự và ứng dụng được trong giờ giải lao giữa thao trường. Thiếu tá Hà Văn Tiến - Phó chủ nhiệm chính trị Trung đoàn, chia sẻ: “Các trò chơi này thường liên quan đến tính đồng đội, đòi hỏi sự phối hợp ăn ý và sử dụng đạo cụ sẵn có”. Chẳng hạn trò “không thầy đố mày làm nên”, hai chiến sĩ cõng nhau đi đến điểm cuối để người được cõng cắn vào những tờ giấy treo phất phơ là thành công. Sự hợp đồng tác chiến ở đây là người cõng bị bịt mắt và theo hướng dẫn của người trên lưng đi qua các chướng ngại vật. Trò chơi này mô phỏng tình huống cõng thương binh đi trong đêm tối. Bản thân các tờ giấy treo lơ lửng cũng do 4 chiến sĩ đứng căng dây giơ lên cao, chứ không sử dụng các điểm tựa nào để cột. Ngoài ra, còn có các trò chơi ứng dụng quân sự khác như “bịt mắt vận chuyển vũ khí”, “tải đạn”, “giải cứu con tin”, “bắn nhanh bắn trúng”. Mỗi trò chơi đều ứng dụng các bộ môn quân sự, nên mục đích xây dựng các trò chơi cũng để học là chính.

Hạ Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.