Vì họ cùng là những người trẻ, rất trẻ. Họ nói về nhau đầy ngập ngừng và đơn giản. Họ tranh luận với nhau câu chuyện mà có lẽ, chỉ những người trẻ nhiệt huyết như họ mới... quan tâm.
Phạm Anh Khoa (P.A.K ): Tôi nghĩ làm phim đỡ mệt hơn làm nhạc. Làm phim có cả một ê kíp hỗ trợ, và phim làm ra được xem là sản phẩm lao động của cả một tập thể, không giống làm nhạc, đặc biệt là con đường âm nhạc tôi theo đuổi bấy lâu. Thật khó để tìm được người hiểu mình.
|
Nguyễn Khắc Huy (N.K.H): Không đúng, làm phim muốn có được ê kíp hiểu mình cũng phải đi tìm vậy, chưa kể khi ra hiện trường có những xung đột lớn. Mà xét về mặt kinh tế, điện ảnh rõ ràng khó khăn hơn âm nhạc.
P.A.K: Sản phẩm âm nhạc cũng cần huy động tiền và phụ thuộc vào nhiều thứ. Chỉ cần một móc xích gãy là mọi kế hoạch dừng lại. Đó là lý do tôi đã phải thay đổi liên tục trong nhiều năm qua
N.K.H: Sao anh biết đường ra của phim không phụ thuộc vào nhiều thứ! Làm nhạc, anh có thể lên ý tưởng, thử nghiệm rồi anh kiếm ê kíp để hoàn thành sản phẩm. Mọi hình dung đều rất rõ ràng. Còn điện ảnh, từ kịch bản đưa lên phim, nó là cả một quá trình. Quan trọng, tôi không có tiền để thử nghiệm như khi anh chơi nhạc.
P.A.K: So sánh vậy thì khập khiễng quá!
N.K.H: Không đúng sao? Anh có thể chơi với nhạc, hằng ngày anh cầm guitar lên gảy, buồn buồn thì hát. Còn tôi, tôi không thể chơi với phim. Tôi chỉ có thể coi phim thôi. Đừng nói đến một tác phẩm hoành tráng, muốn làm phim ngắn hoặc phim tài liệu cũng rất tốn kém.
P.A.K: Như thế chỉ là tự sướng ở nhà thôi, đâu có làm được gì nữa.
|
NKH: Người đạo diễn cũng cần tự sướng kiểu anh vậy, nhưng tự sướng thôi cũng không có điều kiện nữa là...
P.A.K: Rồi, tôi thua anh.
Cà phê hôm nay tạm gác lại chuyện âm nhạc, chỉ nói về điện ảnh thôi nhé! Sau khi làm việc với P.A.K xong, N.K.H có khuyên P.A.K nên tiếp tục qua lại với điện ảnh không?
NKH: Ở phương diện bạn bè, tôi nghĩ thích thì Khoa làm, không thích thì ngưng. Song nếu đánh giá về chuyên môn, tôi thấy Khoa có khả năng làm diễn viên.
P.A.K: Tôi không ý kiến gì về vấn đề này. Điện ảnh, nó còn quá mới mẻ với tôi. Kể cả khi tôi đi xem phim ở ngoài rạp như bao nhiêu khán giả khác, tôi vẫn ngạc nhiên vì sản phẩm điện ảnh mà mình được thưởng thức. Thậm chí nghe mọi người đánh giá khả năng diễn xuất của mình, tôi vẫn chưa nhìn ra được mình ở vai trò diễn viên. Tôi phải vay mượn những đánh giá đó để biết rằng mình có đang làm tốt hay không. Nói về việc theo đuổi nghề diễn, hiện tại tôi chưa có câu trả lời. Giá như tôi biết phim trước nhạc thì chắc đam mê của tôi sẽ đi theo hướng khác. Tôi luôn nghĩ mình chọn lựa mảng nào rồi là mình sẽ làm tốt nhất có thể. Giờ chả lẽ thấy làm nhạc không ổn lắm, tôi lại bỏ theo phim? Nhiều người khuyên tôi rằng, âm nhạc và điện ảnh hoàn toàn có thể đi chung. Khi đóng phim, tôi vẫn xách đàn theo tập và mỗi lần quay xong trở về nhà, tôi cố gắng tìm sống trong âm nhạc, nhưng tôi chẳng làm được gì cho âm nhạc cả. Bản thân tôi tự biết, sự tập trung của mình không tốt.
Ở tác phẩm đầu tay này, phim được đánh giá tốt, nhưng doanh thu thì chưa như mong đợi. Đạo diễn và diễn viên chính có cảm giác thế nào?
|
P.A.K: Tôi không kỳ vọng, thất vọng cũng không. Cho tới ngày phim ra mắt, tôi chỉ lo cho Huy.
NKH: Diễn viên làm tốt công việc diễn xuất của họ là điều đạo diễn cần nhất. Và tôi cũng đặt mục tiêu làm tốt công việc đạo diễn của tôi. Kiếm tiền là chuyện của nhà sản xuất. Điều làm tôi buồn là có ít khán giả xem phim của mình chứ tôi không nghĩ nhiều đến tiền bạc. Vì thế, tôi chỉ loay hoay tìm hiểu tại sao phim của tôi lại ít người coi. Sau đó, tôi nhận thấy mình đã thiếu sự tương tác với một bộ phận khán giả, à, không, là số đông khán giả, mà theo tôi nghĩ, họ là đối tượng chính chịu chi tiền cho điện ảnh Việt Nam. Tôi làm ra một tấm gương mà khi soi vô, nhiều người không thấy mình ở trong ấy.
Nhưng nếu chiều được lòng số đông khán giả đó mà bắt buộc ở những phim sau, Huy không được phép giữ là mình nữa, anh đồng ý chứ?
N.K.H: Tôi muốn làm ra loại gương ai cũng có thể soi được. Nhiều người nói với tôi, ở Việt Nam hiện nay, phim hài mang lại doanh thu cao nhất cho điện ảnh, trường hợp như Cánh đồng bất tận là vô cùng hiếm hoi. Không riêng gì Việt Nam, trên toàn thế giới, làm phim vốn dĩ may rủi. Ở các nước phương Tây cũng vậy, phần lớn phim hài và phim bom tấn đều thu về doanh số cao hơn những phim độc lập được giới phê bình đánh giá tốt. Nhưng tôi còn nhớ thời điểm khủng hoảng kinh tế, đời sống phương Tây cũng gặp khó khăn. Ngay lúc ấy, The Dark Knight và District 9 ra rạp. Cả hai phim đó không hài hước gì, nói đúng hơn là quá nặng nề, vậy mà doanh thu vẫn rất cao. Tôi nghĩ, do phim phản ánh được thực trạng xã hội của các nước phương Tây, và người dân họ soi thấy mình trong hai phim này.
P.A.K: Theo tôi, tóm gọn vầy cho dễ hình dung. Sẽ đến một lúc người ta bớt lo lắng cơm áo gạo tiền, người ta sẽ có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật nhiều hơn bây giờ.
|
Tức là, cả hai anh cùng nhất trí với thỏa hiệp để “hợp thời”?
P.A.K: m nhạc của tôi có bao giờ hợp thời đâu. Nếu hợp thời thì mọi thứ chắc chắn đã khác rồi.
N.K.H: Tôi xem tất cả các thể loại loại phim. Giả sử một lúc nào đó, tôi viết được kịch bản hài ứng ý, tôi sẽ làm phim hài. Thời điểm này, tôi chưa viết được kịch bản hài, mà giờ tôi đang chỉ muốn làm phim dựa trên kịch bản tôi viết. Tôi có cái cực đoan đó.
Thế thì hơi tham lam, anh ạ!
N.K.H: Tôi tôn trọng cảm xúc của mình ở hiện tại.
P.A.K: Tôn trọng cảm xúc là thứ mà người ta luôn dùng để ngụy biện cho sự tham lam của mình. Nhưng mấy ai không tham lam? Ai cũng muốn khi khởi nghiệp, mình có thể làm được tất tần tật những thứ người đi trước chưa làm được. Tại sao không đặt mục tiêu cao? Đặt ra 3, làm tới 3 là hết, giỏi mấy cũng chỉ tới 3. Đặt ra 10, làm được 7 thôi cũng đủ tốt rồi. Chúng tôi còn quá trẻ. Cứ thử, rồi sẽ tìm được cái đúng nhất dành cho mình.
Quay trở lại chuyện Đường đua. Làm thế nào mà hai con người xa lạ có thể tin tưởng nhau để cùng nhau lần đầu tiên thử nghiệm lĩnh vực điện ảnh?
NKH: Là tôi tin Khoa trước. Khoa rất hợp tác với tôi. Tôi là một đạo diễn trẻ, tiếng nói không đủ mạnh, nhưng Khoa đã đặt niềm tin vào tôi, mặc dù từng có những cái tôi không tin Khoa làm được. Tôi luôn lo lắng. Việc duy nhất khiến tôi an tâm là với điện ảnh, Khoa giống một tờ giấy trắng, điều đó giúp tôi dễ dàng xây dựng nhân vật.
PAK: Nhận lời đóng Đường đua và Mỹ nhân kế là khoảng thời gian tôi đang gặp trục trặc trong âm nhạc. Tôi có thói quen dừng lại để xem xét mọi thứ. Phim ảnh lúc đó, với tôi, giống như một hành động ngoại tình. Tôi thích tham gia Đường đua hơn, vì khi đọc kịch bản Đường đua, tôi thấy mình hợp với tính cách nhân vật Lộc. Nói như thế không có nghĩa tôi phủ nhận những gì mình đã làm ở Mỹ nhân kế, song quả thật khi lên casting với Huy, tôi biết mình “bị” thích Huy. Tôi bị thuyết phục rất nhiều bởi Huy. Nói một cách hoa mỹ là tôi trao mình cho Huy (cười). Tôi thấy được niềm tin trong Huy, và tôi đặt lòng tin của mình theo niềm tin ấy. Tôi hỏi Huy có thể dùng tôi làm được gì với kiến thức Huy học được không? Huy xác nhận có, chỉ cần tôi hợp tác. Sau mỗi ngày học diễn xuất với Huy, tôi nhìn thấy hướng mở cho mình. Có thể tôi là người cứng đầu khó tiếp nhận cái mới, nhưng cái mới nào hợp với mình, tôi sẽ chấp nhận.
Khoa là người cứng đầu thật hay chính anh đang tự tạo cho mình tính cách cứng đầu ấy?
P.A.K: Tôi chắc thuộc dạng người thứ hai mà bạn nói. Cũng đúng nếu nghĩ tôi không đủ mạnh mẽ nên cần phải đặt ra một số nguyên tắc riêng. Vì hơn ai hết, tôi hiểu mình khó lòng tập trung được một lúc hai công việc. Sau Đường đua, tôi nhận được khá nhiều kịch bản phim. Tôi vẫn hỏi ý kiến Huy về việc tôi có nên tham gia phim này phim kia hay không? Giả sử làm tiếp, tôi có khả năng không? Ở điện ảnh, tôi hoàn toàn chưa hiểu mình. Đọc một số bài báo, nhiều người chắc chắn rằng tôi sẽ khó thoát ra được cái bóng của Đường đua. Tôi tự hỏi, liệu người ta nói đúng? Vì biết đâu, Đường đua là tất cả vốn liếng tôi có, vai diễn đầu tiên cũng là cuối cùng được lời khen. Tôi sợ lập lại cái vốn đó.
Vậy có yếu bóng vía quá?
N.K.H: Nghệ thuật là mọ mẫm và khám phá. Nếu Khoa cộng tác phim sắp tới với tôi, nhân vật tôi giao cho Khoa sẽ không giống Lộc nữa. Tôi sẽ nỗ lực phát triển những nét Khoa còn thiếu ở Đường đua. Giờ làm việc cùng Khoa, tôi vẫn có một lợi thế lớn. Khoa vẫn là tờ giấy “hơi” trắng (cười).
Đây có phải lời mời công khai của N.K.H gửi đến P.A.K cho dự án điện ảnh tiếp theo không nhỉ?
N.K.H: Cứ xem là vậy đi.
Cám ơn hai anh về cuộc trò chuyện này!
Nguyễn Khắc Ngân Vi
Ảnh: Đại Ngô
>> Phạm Anh Khoa cùng Ngọc Diễm góp sách cho trẻ em nghèo
>> Chờ xem Phạm Anh Khoa đấu võ nghẹt thở trong Đường đua
>> Phạm Anh Khoa: "Mấy ai để yên cho "lính mới tò te" như mình
>> Phạm Anh Khoa ngại "cảnh nóng" với Diễm My 9x
Bình luận (0)