Là một nhà văn cựu chiến binh, Wayne Karlin đã khẳng định thành quả nghệ thuật của mình qua nhiều tiểu thuyết (Đường cắt, Cho chúng ta, Những đội quân đã mất, Vai phụ, Những người tù, Tiếng đồn và bia mộ...) và một số giải thưởng văn học của nước Mỹ, mới nhất là giải thưởng năm 2003 do Hội đồng Nghệ thuật quốc gia trao cho tiểu thuyết Xứ sở ao ước. Ông đã cùng chủ biên, dịch, hiệu đính bộ sách Những tiếng nói từ Việt Nam, hợp tuyển truyện ngắn hậu chiến của các nhà văn Việt Nam và Mỹ Phía bên kia góc trời, một số tập sách của Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái..., và gần đây nhất là tuyển tập truyện ngắn Việt Nam Tình yêu sau chiến tranh - Văn xuôi Việt Nam đương đại cùng với nhà văn Hồ Anh Thái. Lần đến Việt Nam này, ông đi cùng một số nhà thơ, nhà báo Mỹ...
* Điều gì đã khiến ông dành nhiều thời gian của mình cho những hoạt động về Việt Nam ?
- Đó là vì bài học rút ra từ chiến tranh thật kinh khủng: trong chiến tranh, chúng ta chỉ nhìn thấy kẻ thù. Lần đầu tiên, khi tôi gặp một nhà văn Việt Nam ở Boston, lần đầu tiên nhìn thấy một gương mặt bằng xương bằng thịt, có thể sờ mó và cảm nhận bằng con tim chứ không bằng lý trí, cảm giác đó thật kỳ lạ. Bởi tôi biết rõ chúng tôi từng ở hai chiến tuyến khác nhau, và trong chiến tranh chỉ tìm cách bắn vào nhau. Còn bây giờ, tôi đọc được trong các tác phẩm văn học Việt Nam những chuyển tải không gian - thời gian, phản ảnh cuộc sống xã hội, cuộc sống tâm hồn hết sức phong phú.
* Ngoài những nhà văn như ông, những độc giả người Mỹ khác tìm thấy gì trong những tác phẩm văn học Việt Nam đã được giới thiệu ?
- Mười năm qua, chúng tôi đã xuất bản được một số tác phẩm văn học Việt Nam. Ngoài việc có mặt ở nhà sách, chúng đã được giảng dạy ở các trường đại học. Sinh viên Mỹ rất cảm động và thích thú được nhìn thấy hình ảnh thật sự của người Việt Nam, với những nội tâm phức tạp, không hề giống với hình ảnh giản lược trong những phim chiến tranh của Mỹ.
* Có rất nhiều người Việt đang sống ở Mỹ, và như một công dân Mỹ, ông cảm nhận gì về những hoạt động của họ ?
"Việt Nam không phải là chiến tranh, một tiếng kêu đau đớn với cả nước Mỹ rằng không được định nghĩa và hạ thấp một nền văn hóa, một dân tộc, một lịch sử, một ngôn ngữ cổ và đa dạng xuống chỉ còn là cái thập kỷ chết chóc và bạo lực đánh dấu mối quan hệ chính với nước Mỹ... Chúng tôi hy vọng nó có thể nối người đọc trở về sự cần thiết phải có tình yêu sau chiến tranh, và tình yêu chống lại chiến tranh, chống lại tất cả những gì bóp méo và tiêu hủy thể xác cùng linh hồn con người".
(Trích bài viết của Wayne Karlin giới thiệu tuyển tập Việt Nam Tình yêu sau chiến tranh - cuốn sách được Báo Biên niên sử San Francisco xếp vào 100 quyển sách hay của Mỹ năm 2003). |
* Ông suy nghĩ gì về cuộc sống của chính mình?
- Tôi là một nhà văn, và tôi đã làm những gì mà một nhà văn có thể làm. Nhưng tôi còn nhiều bạn bè cũng muốn làm điều gì đó cho Việt Nam theo cách của họ. Trong chuyến đi Việt Nam lần này, chúng tôi sẽ chuyển số tiền của một số cựu chiến binh Mỹ tặng cho một làng quê nghèo nhất tỉnh Quảng Trị để xây trường học cho trẻ em. Tôi cảm thấy cuộc sống của mình rất có ý nghĩa, từ những việc làm này.
Ngô Thị Kim Cúc (thực hiện)
Bình luận (0)