(TNO) Nghề trợ giảng hiện là lựa chọn của nhiều sinh viên muốn có thu nhập ổn định từ công việc bán thời gian.
Lê Thu Nhi (phải) cho biết khả năng Anh ngữ của bạn lưu loát hơn từ khi làm trợ giảng
|
“Có mặt” khá lâu trong danh sách những công việc có mức lương cao dành cho sinh viên, nghề trợ giảng được nhiều bạn săn đón. Dịp hè này, ngoài các công việc tình nguyện hay phục vụ đồ ăn, thức uống, kiểm soát vé tại các rạp phim,... việc trợ giảng tại các trung tâm Anh ngữ là “mảnh đất” đầy hứa hẹn cho các bạn sinh viên. Tuy vậy, vẫn khá nhiều sinh viên tự ti hoặc không nắm rõ thông tin về công việc hấp dẫn này.
Trong dễ có khó
Đúng với tên gọi của nó, công việc trợ giảng là hỗ trợ những giáo viên bản xứ quản lý các học viên. Việc làm cụ thể của công việc này tùy thuộc vào yêu cầu của từng trung tâm. Các bạn sinh viên thường làm những việc cơ bản như ổn định lớp, cập nhật sổ liên lạc hằng ngày, kiểm tra lại kiến thức cũ, giải đáp thắc mắc về bài giảng hay dịch lời của giáo viên nếu học viên chưa hiểu, quản lý học sinh nơi phụ huynh đưa đón…
Ngoài giờ trên lớp, các bạn sẽ phải tiếp phụ huynh khi cần như một buổi họp định kỳ và trao đổi qua điện thoại để nắm tình hình học viên. Đặc biệt, ở một số trung tâm còn có các buổi Outdoor Activities (hoạt động ngoại khóa) như đi sở thú, xem phim… yêu cầu trợ giảng phải có mặt và hỗ trợ quản lý, bao quát lớp.
Bạn Nguyễn Đình Vân Anh (sinh viên năm 2, Trường ĐH Luật TP.HCM, trợ giảng tại Trung tâm Anh ngữ ILA) chia sẻ công việc của mình như “cầu nối giữa phụ huynh và nhà trường”. Dù vậy, bạn cũng gặp không ít khó khăn trong việc trao đổi với phụ huynh, như khi gọi điện thoại thông báo học viên không đạt yêu cầu kỳ thi, phải học lại, Vân Anh gặp nhiều phụ huynh gây khó dễ, hỏi cắt cớ. “Nhớ nhất là lần bố của một học viên gọi điện thoại lên văn phòng phàn nàn tại sao mình không gọi trao đổi với phụ huynh. Thật ra, mình đã gọi cho mẹ, còn bố thì không biết, Vân Anh kể.
Theo bạn Vân Anh, công việc trợ giảng gặp không ít khó khăn khi trao đổi với phụ huynh học sinh
|
Bạn Lê Thu Nhi (sinh viên năm 2, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, trợ giảng tại Major English Center, hiện làm việc tại ILA), cho biết sau khi làm việc được vài tuần, tiếp xúc liên tục với người nước ngoài, và đọc nhiều sách tiếng Anh, khả năng Anh ngữ của bạn lưu loát hơn. Bên cạnh đó, tính kiên nhẫn cũng là điều mà bạn học được nhiều nhất: “Quản lý trẻ em chưa bao giờ là việc dễ dàng, trẻ từ 7-8 tuổi có cái khó khác với từ 11-13 tuổi nên mình phải linh hoạt và kiên nhẫn, không những với học sinh mà phải với phụ huynh nữa”.
Mức lương hiện tại của Nhi là 30.000 đồng/giờ, so với lương của một nhân viên phục vụ nước hay kiểm soát vé là từ 10.000-16.000 đồng/giờ. Đây cũng là mức lương trung bình của một trợ giảng viên ở hầu hết các trung tâm, do vậy các bạn sinh viên khá yên tâm với mức thu nhập này.
Tham gia hoạt động ngoại khóa là lợi thế
Các bạn sinh viên có kinh nghiệm tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện, team building sẽ là một lợi thế khi nộp đơn xin việc, bởi các bạn sẽ phải quản lý từ 10-20 học sinh. Bên cạnh đó, các bạn yêu thích trẻ em, năng động, sôi nổi cũng rất thích hợp với công việc này.
Bạn cũng cần có khả năng tiếng Anh nhất định để hỗ trợ cho các giáo viên bản xứ. Một giấy chứng nhận các kỳ thi chuẩn hóa tiếng Anh IELTS hay TOEFL sẽ là điểm cộng cho bộ hồ sơ xin việc của bạn.
Ngoài đơn xin việc, bộ hồ sơ của bạn cần có một thư giới thiệu, giải thích lý do tại sao bạn phù hợp với công việc này. Qua lá thư này, ban tuyển dụng sẽ đánh giá được khả năng cũng như cá tính của ứng viên. Nếu phù hợp, bạn sẽ được mời đến phỏng vấn trực tiếp. Bạn nên hỏi các ứng cử viên đi trước những trường hợp khó xử hay câu hỏi hóc búa và tự tin thể hiện bản thân. Tiếng Anh có yếu một chút cũng không là vấn đề, nhưng quan trọng là năng lực quản lý, kinh nghiệm và tính tình của bạn thông qua câu trả lời.
Bạn Nguyễn Hoàng Bảo Nghi (sinh viên năm 2, Trường ĐH Quốc tế, trợ giảng tại CitySmart) cho rằng tố chất của một người trợ giảng là yêu nghề. “Vì mình dạy những bé 3 tuổi nên chỉ khi yêu thương con nít thì mình mới cố sức mà giúp đỡ các em. Cùng với đó là sự nhẫn nại, chịu khó, cũng như nói năng lịch sự, thuyết phục khi trao đổi với phụ huynh” Nghi nói. Còn bạn Nguyễn Đình Vân Anh thường làm việc với những học viên lớn hơn như 16, 17 tuổi nên cần có khả năng ăn nói khéo léo để khuyến khích các bạn đi học và làm bài tập đầy đủ. Bạn cũng chia sẻ những tình huống dở khóc dở cười khi quản lý những lớp nhỏ như một học viên thưòng chạy lên ôm giảng viên giữa giờ học hay một vài học viên còn khóc và ói trong lớp, buộc bạn phải dổ và dọn dẹp không gây ảnh hưởng tiết học. |
Bình luận (0)