Những tháng ngày khốn khó
Sang là một trong số 11 gia đình ngư dân trẻ ở Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên nhận hỗ trợ đợt 1 của chương trình ngày 26.7 vừa qua với tổng số tiền 640 triệu đồng, riêng Sang được nhận 80 triệu đồng. Với Sang, đi biển là nghề cha truyền con nối. Từ lúc mới bước qua tuổi niên thiếu, Sang đã theo cha mình (ông Nguyễn Quang) lênh đênh trên biển hành nghề đánh bắt hải sản. Khi thì ở vùng biển gần bờ các tỉnh duyên hải miền Trung, khi thì cùng cha ra Trường Sa hành nghề lưới giã cào vào những lúc biển êm.
|
Số phận nghiệt ngã không may đã ập xuống gia đình chàng thanh niên đam mê biển cả này. Ông Nguyễn Quang gần cả đời lăn lộn sóng gió đã mất vì bệnh ung thư phổi. Ông để lại chiếc tàu cá BĐ-10672TS giao cho Sang và 2 em trai: Nguyễn Văn Trọng (26 tuổi) và Nguyễn Duy Thành (14 tuổi) tiếp tục hành nghề. Trong một chuyến đi biển vào cuối mùa mưa bão năm 2010, chiếc tàu trị giá hàng trăm triệu đồng, là phương tiện mưu sinh duy nhất của cả nhà bị sóng lớn đánh chìm hoàn toàn ở biển Vũng Rô (Phú Yên). Chỉ có Sang may mắn sống sót, Trọng và Thành vĩnh viễn ra đi trong nỗi đau tột cùng của người thân.
Tôi đã có lại tàu cá rồi! Chiếc BĐ-10345TS, công suất gần 50 CV, có thể ra xa bờ trong vòng 100 hải lý |
||
Ngư dân trẻ Nguyễn Văn Sang |
||
Lại được ra khơi
Ngay từ những ngày đầu tháng 7, khi Báo Thanh Niên thông báo Sang sẽ được hỗ trợ từ chương trình “Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi” bằng nguồn tài trợ của Ngân hàng HDBank, chàng ngư dân trẻ này khấp khởi mừng vui đến rơi nước mắt. Giấc mơ biển cả đã sống lại trong tâm trí Sang. Dù trước đó vẫn luôn khao khát trở lại biển khơi nhưng Sang bảo đã không dám nghĩ đến vì điều kiện kinh tế gia đình quá ngặt nghèo. Mưu sinh qua ngày đã khó huống gì nói đến chuyện dư dả tiền bạc để mua sắm tàu, ngư lưới cụ…
|
Sáng qua, Sang gọi điện khoe với chúng tôi: “Tôi đã có lại tàu cá rồi! Chiếc BĐ-10345TS với công suất gần 50 CV, có thể ra xa bờ trong vòng 100 hải lý”. Sang trực tiếp chèo thúng đưa chúng tôi ra biển “tham quan” tàu mới. Gọi là tàu mới vì đây là chiếc đầu tiên Sang cùng sở hữu sau một năm xảy ra sự cố chìm tàu BĐ-10672TS của gia đình. Có lẽ niềm vui đến quá đỗi bất ngờ nên khi bước lên tàu, đôi mắt Sang dường như bừng sáng hẳn lên. Quăng gàu múc nước biển xối rửa sạch sàn tàu, tay Sang lại thoăn thoắt dồn kéo lại đống lưới chồng lên nhau cho ngăn nắp. Bước xuống buồng máy, tôi thấy Sang mới quay mấy tua mà máy tàu đã phát nổ. Tiếng cười của chàng ngư dân trẻ hòa lẫn tiếng máy nổ rền vang một góc biển Quy Nhơn.
“Nhận được 80 triệu đồng của Báo Thanh Niên và Ngân hàng HDBank, tôi dự tính mua riêng một chiếc công suất nhỏ để tự đi biển nhưng tìm mãi vẫn không có. Nếu đóng mới thì sẽ mất nhiều thời gian trong khi cái máu đi biển cứ thôi thúc mình từng ngày. Ông chú ruột (ngư dân Nguyễn Ngọc Khương, 39 tuổi) là chủ tàu BĐ-10345TS có vợ đang lâm trọng bệnh cần tiền lo chạy chữa nên đã nhượng một nửa chiếc với giá 90 triệu đồng. Tôi bàn với gia đình đồng ý và đã sang lại để cùng với ông chú đi biển, chứ ra khơi mà đi một mình thì không thể tự xoay xở đánh bắt được. Dẫu còn thiếu 10 triệu nhưng tôi không lo lắm. Siêng ra biển vài chuyến bắt được cá sẽ đủ trả hết tiền nợ”, Sang kể.
Tàu BĐ-10345TS lâu nay cũng hành nghề lưới giã cào nên rất hợp với sở trường của Sang. Sang bảo mùa này hay xảy ra giông gió bất thường nên sẽ đi đánh bắt gần bờ. Lấy thúng đưa chúng tôi vào bờ, Sang lại quay ngay ra tàu nhổ neo hướng ra phía biển.
Đứng trên bờ nhìn con trai chuyến đầu trở lại biển khơi, bà Bạo bất chợt nở nụ cười mãn nguyện.
Đình Phú
Bình luận (0)