Trở lại “cây dương thần”

05/07/2007 13:35 GMT+7

Xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) ba lần được nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng, thường được ví như “một cánh buồm căng phồng trong gió biển, một hạt cát trắng chịu chung bảy ngàn tấn đạn bom…” (Thơ Lý Hoài Xuân).

Một lần đến đây, nhà thơ Ý Nhi đã tự thấy mình gắn bó với những bãi cát trắng, những rừng dương xanh nơi này như một số phận. Khi đứng trước cây dương thần (một biểu tượng của sự gan dạ và sức sống mãnh liệt của người dân nơi đây trong chiến tranh) chị đã viết: Đơn độc và kiêu hãnh/cây dương vút cao trên đất đai nóng giẫy/sau hàng nghìn nhà cháy/sau hàng nghìn căn hầm bị bật tung/sau hàng nghìn tấn đạn bom… Nhà văn Nguyên Ngọc lại khái quát: (Cây dương thần) như một huyền thoại, nó đứng đó, sừng sững, ngang ngạnh, kỳ lạ, suốt cuộc chiến tranh, bất chấp tất cả…

Cây dương thần - không phải là một, mà là hai - hơn ba mươi năm sau chiến tranh vẫn còn đó trên đất Bình Dương như một nhân chứng của chiến tranh và hòa bình. Ông Phan Thanh Bốn, nguyên xã đội trưởng hồi chiến tranh, bây giờ đã ngoại lục tuần, dẫn tôi đến bên gốc hai cây dương và kể: “Hồi đó, dưới những gốc dương này là hàng trăm hầm bí mật có thể cùng một lúc chở che cho 600 bộ đội, du kích một cách an toàn… Hồi đó tôi là lính, bây giờ tôi về làm dân. Có một hôm tình cờ tôi nói lái "dương thần" ngày xưa là "dân thường" hôm nay, tôi thấy cả người sướng rân lên. Mà đúng vậy, bao nhiêu trận càn, trận bom chúng tôi vẫn an toàn giữ được đất vùng Đông này không phải do lòng dân đó sao! Rồi năm 1979, từ một vùng cát trắng, dân quay về làng cũ khổ đến nỗi không có một đôi đũa để ăn cơm vậy mà Bình Dương đã trở thành một mô hình trồng hàng chục triệu cây xanh cho vùng cát để trở thành xã Anh hùng trong xây dựng. Những rừng dương xanh mới trồng bao quanh hai cây dương thần có một ý nghĩa rất to lớn cũng là từ lòng dân vậy, phải không anh!”.

Du khách chụp ảnh lưu niệm trước hai cây "dương thần”

Hai cây dương thần, một cây là dương cha, một cây là dương mẹ; người dân ở đây bao năm rồi đã ví như vậy. Dưới hai gốc dương liễu có tuổi thọ hơn 70 năm này, là hai cái bàn thờ nhỏ bằng gạch. Những ngày cuối và giữa tháng, dân chúng đã đến đây nhang khói để tưởng nhớ những người đã hy sinh. Nhà văn nữ Dương Thị Xuân Quý trước khi hy sinh ở Duy Xuyên cũng đã từng trú dưới các công sự bên những gốc dương già này khi đi thực tế xuống Bình Dương.

Nhiều trang trong Nhật ký chiến tranh, nhà văn Chu Cẩm Phong đã mô tả khá cặn kẽ những gương mặt người dân Bình Dương. Có một đoạn anh tả lớp học dưới gốc dương: “Lớp vỡ lòng, cấp 1 đi học ban ngày. Cấp 2 đi học từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối. Các em đi học vác theo ván, các tấm liếp đan bằng tre, các đoạn cây dương để đến lớp ngồi, tan học lại vác về… sách vở gói trong bao ny lon mang ở nách, tay xách một cái đèn dầu lửa có ống ngăn gió. Lớp học lợp bằng rạ, núp dưới bóng cây dương, bên một cái mương. Hai đầu lớp có hai cái hầm tránh phi pháo khá vững chắc”. Những học sinh gian khổ đi tìm cái chữ lúc đó bây giờ đã có nhiều người thành đạt. Có người là kỹ sư, đại biểu quốc hội. Có người ở lại địa phương làm cán bộ xã, huyện…

Ông Phan Thanh Bốn nói: Hai cây dương thần này sắp tới sẽ được gắn bảng di tích lịch sử và là di tích lịch sử thứ 11của xã Bình Dương. Cây cầu có vốn đầu tư đến cả ngàn tỉ sẽ nối liền Hội An với vùng Đông Thăng Bình trong vài năm nữa, nối đô thị cổ với các khu du lịch sinh thái ở các xã ven biển. Du khách thăm đô thị cổ qua đến hai cây dương thần này lúc đó chỉ còn 15 phút đi xe. Dân Bình Dương chúng tôi sẽ giàu hơn là cái chắc…

T.Đ.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.