(TNO) Bị Trung Quốc đâm chìm tàu, nhưng những ngư dân Việt vẫn tiếp tục đóng tàu mới trở lại ngư trường Hoàng Sa.
Con tàu mới được đóng theo kiểu tàu Thái Lan |
Hôm qua (21.1), chiếc tàu cá ĐNa 90657 (thay thế con tàu ĐNa 90152 bị tàu vỏ sắt 11209 của Trung Quốc đâm chìm vào chiều 26.5.2014) của gia đình bà Huỳnh Thị Như Hoa, đã chính thức hạ thủy.
"Không thể phụ lòng bà con"
Trung tuần tháng 1.2015, Hợp tác xã trục vớt, đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An, (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) tất bật hơn. Nơi đây không chỉ đông đúc tàu cá sửa chữa chuẩn bị cho năm đánh bắt mới, mà còn có một con tàu đặc biệt đang hoàn thiện lớp sơn phủ cuối cùng. Đó là con tàu công suất 944 CV thuộc loại “khủng” của vợ chồng bà Huỳnh Thị Như Hoa và ông Trần Văn Vốn. Đây là gia đình ngư phủ mà tháng 5.2014, hàng triệu trái tim người Việt đã hướng về khi tàu cá ĐNa 90152 của ông bà bị tàu Trung Quốc truy đuổi và đâm chìm ngay trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ông Trần Văn Vốn sẽ trực tiếp cầm lái con tàu mới
|
Sau gần 6 tháng ăn ngủ, lăn lộn ngay tại triền đà cùng anh em, ông Vốn đen sạm, nhưng phấn chấn hẳn lên khi con tàu đã thành hình. Trong nhiều hạng mục, ông Vốn lưu ý thợ phải để ông tự tay sơn lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc trên nóc tàu. Con tàu mới này là 1 trong 3 chiếc được thiết kế theo kiểu tàu Thái Lan của ngư dân Đà Nẵng.
|
Ông nhẩm tính, con tàu cùng ngư lưới cụ trị giá đến 7,3 tỉ đồng, nếu tính cả chi phí phát sinh thì phải 8 tỉ, là con tàu tốn kém nhất của gia đình ông. Đó là lắp máy cũ, chứ nếu máy mới thì chi phí còn đội lên cao hơn.
“Hồi đó mọi người khuyên chờ Nghị định 67 của Chính phủ có hiệu lực để được vay vốn ưu đãi, nhưng tui nghĩ, ngư dân ai cũng chờ Nhà nước hỗ trợ rồi mới đóng tàu thì lấy ai mà ra Hoàng Sa, nhà tui 3 đời ngư dân rồi, có chờ đâu, mình cứ bám biển thì biển không phụ đâu”, bà Hoa quả quyết. Cũng do con tàu sử dụng máy cũ nên nên không thuộc diện xét cho vay theo Nghị định 67, tuy nhiên bà Hoa nói là làm, và tháng 8.2014 vợ chồng bà bắt tay đóng tàu.
Điều vợ chồng ông Vốn, bà Hoa hạnh phúc nhất, là tuy vốn liếng của gia đình chỉ có 3 tỉ đồng, nhưng nhận được tấm lòng, sự hỗ trợ của đông đảo người dân trong và ngoài nước. Vừa qua UBND TP.Đà Nẵng cũng đã cho bà vay vốn ưu đãi 4,3 tỉ đồng, nên đôi vợ chồng này có thể lo được cho con tàu mới ra khơi.
“Hồi tàu ĐNa 90152 bị đâm chìm, vợ chồng tui được rất nhiều người động viên, có người ở nước ngoài cũng gọi điện chia sẻ. Mình không thể phụ tấm lòng của bà con nên phải sớm đóng tàu trở lại Hoàng Sa. Tui đóng trước, xin sau là vì đó”, bà Hoa nói.
"Bây chừ đi biển là để khẳng định..."
|
“Sau khi được tàu ĐNa 90508 của anh Nguyễn Đình Sinh cứu lên, bọn tui không sợ mà uất ức tràn trong lòng. Về bờ, vợ con ôm tui khóc, tui nạt “nín”, vài bữa sau tui dọt lên tàu anh Sinh tiếp tục trở lại Hoàng Sa đánh bắt coi tụi tàu Trung Quốc làm được chi”, ông Pháp tức giận.
Còn thuyền trưởng ĐNa 90152 Đặng Văn Nhân cũng chỉ nằm nhà 3 tháng, “máu biển” sục sôi nên ông chấp nhận làm thuê cho một tàu cá để trở lại Hoàng Sa.
Mấy ngày qua, anh em tàu ĐNa 90152 í ới a lô nhau bàn chuyện gặp mặt một bữa rồi theo ông Vốn đi con tàu mới ra lại ngư trường cũ. Ngư dân Lê Văn Hà từng đi tàu ĐNa 90152 đang đi bạn với một tàu cá khác, cũng đã trở về để xin đi tàu ông Vốn khi biết tàu sắp hạ thủy.
Ông Vốn hồ hởi khoe với mọi người con tàu dài 22 mét, rộng 6,2 mét, cabin cao 3,5 mét, tuy không phải thuộc dạng to nhất như các tàu vỏ thép dài đến 25 – 30 mét, nhưng con tàu này được thiết kế chắc chắn với nhiều lớp gỗ sến dày cui tổng cộng gần 120 m3, riêng tiền gỗ bay đứt gần 2 tỉ bạc, lớp thân vỏ chắc nịch này có thể cho tàu tuổi thọ đến 40 năm, “chấp” sóng gió cấp 10 - 11 mà không “xi nhê” gì.
“Nếu được phép, tôi sẽ lấy lại số hiệu ĐNa 90152 cho con tàu mới này, mặc dù biết điều đó là rất khó trong đăng kiểm. Số hiệu đó đã trở thành một phần lịch sử của đất nước, đặc biệt là anh em ngư dân từng thoát chết sau vụ bị tàu Trung Quốc đâm chìm, đều sẽ trở lại đi với tôi trên con tàu này”, ông Vốn nói.
Ông Trần Văn Vốn sẽ trực tiếp cầm lái con tàu mới
|
Đặc biệt hơn nữa, ông Vốn - từng lấy bằng thuyền trưởng từ tuổi 19 - sẽ đích thân cầm lái con tàu sau 2 năm không đi biển. “Anh em đi trên con tàu của mình đã suýt bỏ mạng bởi sự bất nhơn của tàu Trung Quốc, thì mình không có lý do chi để không sát cánh với bạn chài ở ngư trường Hoàng Sa. Từ nay mình phải trực tiếp cầm lái, cũng giống như là để trả nợ bạn tàu, vì họ từng bất chấp sống chết để bảo vệ tàu của vợ chồng tui”, ông Vốn khẳng định.
“Ngày xưa cả 5 anh em nhà tui đều đi biển vì nghèo quá, nhưng bây chừ đi biển là để khẳng định sự có mặt của bọn tui tại ngư trường Hoàng Sa của nước ta”, ông Vốn kiên quyết.
Trong ngày hạ thủy tàu, bà Hoa chia sẻ trong niềm vui: “Ban đầu gia đình tui quyết đóng tàu trong thời gian ngắn hơn chứ không phải 6 tháng như bây chừ, nhưng kẹt vốn nên kéo dài, điều hơi tiếc là không kịp ra khơi trước Tết. Khi đóng tàu bọn tui cũng không trông chờ vào việc vay vốn ưu đãi của Nghị định 67 hay nguồn vốn vừa được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt, vì trước nay gia đình cũng đã làm và tui tin nếu bám biển thì biển không phụ người”.
“Việc đưa tàu ĐNa 90657 trở lại Hoàng Sa không chỉ giải quyết việc làm cho 10 anh em bạn tàu từng đi tàu ĐNa 90152 thất nghiệp suốt nửa năm qua. Vì gia đình tui ý thức rằng, con tàu không chỉ của bọn tui, không chỉ đại diện cho ngư dân Đà Nẵng mà đại diện cho ngư dân Việt Nam ở bất cứ đâu. Để mọi người thấy là dù từng bị Trung Quốc đâm chìm tàu nhưng bọn tui không sợ, bọn tui vẫn đóng tàu mới để ra biển trở lại. Nếu không trở lại Hoàng Sa sớm thì Trung Quốc nghĩ ngư dân mình sợ, từ đó sẽ làm tới”, bà Hoa khẳng định.
Từ cuối tháng 5.2014, đến âu thuyền Thọ Quang hỏi “tàu bà Hoa” thì không ai không biết. Tên gọi này đã trở nên quen thuộc bên triền đà khi rất nhiều người dân, du khách, tổ chức, đoàn thể tìm đến thăm hỏi, động viên...
Tên gọi đó từ lâu đã không còn là của riêng tàu cá ĐNa 90152, mà trở thành tên chung cho những con tàu thẳng tiến ra Hoàng Sa, minh chứng cho quyết tâm của ngư dân Việt bao đời vẫn quyết bám giữ để đòi lại ngư trường của cha ông.
Hiến tặng tàu làm bằng chứng
Sau khi tàu cá ĐNa 90152 được lai dắt về bờ trong tình trạng nửa chìm nửa nổi, bà Hoa đã không chần chừ, quyết định hiến tặng con tàu cho UBND huyện Hoàng Sa, mặc dù trước đó UBND huyện Hoàng Sa đã có ý đề xuất thành phố trích ngân sách mua lại tàu. UBND huyện Hoàng Sa cũng đã quyết định sẽ trưng bày con tàu lịch sử này tại Nhà trưng bày Hoàng Sa, công trình sẽ được khởi công vào 30.4 tới đây, để làm bằng chứng tố cáo tội ác của Trung Quốc.
Tàu ĐNa 90152 được đưa vào bờ trong tình trạng "nửa chìm, nửa nổi" vào tháng 6.2014
|
Bình luận (0)