Trở lại mặt trăng

19/03/2006 22:30 GMT+7

Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã tiết lộ kế hoạch chi tiết trong chương trình Trở lại mặt trăng của mình, trong đó đặt trọng tâm vào việc đưa các nhà du hành vũ trụ đến các cực bắc, cực nam của chị Hằng.

Đây là những nơi chưa từng được biết đến. Quy mô của chương trình này lớn hơn nhiều so với 6 chuyến thám hiểm mặt trăng của tàu Apollo (Mỹ) trong khoảng thời gian từ 1969 đến 1972. Các chuyến thám hiểm này được coi là thành công, tuy nhiên những hạn chế về kỹ thuật cũng như sự thiếu hiểu biết về bề mặt mặt trăng đã dẫn đến việc cả 6 lần đáp xuống hành tinh này đều nằm ở các khu vực bằng phẳng. Vì vậy, các mẫu đất đá mang về mặt đất đều tương tự nhau và được xem là ít tuổi hơn đất đá ở khu vực đồi núi ở các cực của mặt trăng, vốn xa trái đất hơn. Hồi năm 1959, tàu thám hiểm của Nga đã lần đầu tiên chụp được hình từ các cực của chị Hằng, cho thấy đa số bề mặt đều bị bao phủ bởi hằng hà sa số miệng núi lửa với địa hình rất lởm chởm, vốn là một thách thức thực sự cho bất kỳ chuyến tàu nào muốn đáp xuống đây. Ngoài ra, ở các khu vực này, mọi liên lạc về mặt đất sẽ bị cắt đứt.

Đến nay, NASA cho rằng họ có thể vượt qua những cản trở vừa nêu. Dự kiến sẽ có hàng loạt chuyến thám hiểm mặt trăng bằng robot ở các khu vực địa hình hiểm trở trước khi con người quay lại thăm chị Hằng. Chuyến tàu không người lái đầu tiên sẽ diễn ra vào năm 2008 với nhiệm vụ chính là vẽ bản đồ mặt trăng một cách chi tiết. Đến 2010, sẽ có thêm nhiều tàu không gian khác tìm kiếm những địa điểm hạ cánh thích hợp cho con người. Ngoài ra, một hệ thống liên lạc qua vệ tinh sẽ được phủ sóng trên khắp mặt trăng để các nhà du hành vũ trụ trong tương lai có thể liên lạc về mặt đất từ bất kỳ địa điểm nào. Khi tất cả những nhiệm vụ này đã hoàn thành, NASA dự định sẽ đưa khoảng 10 nhà thám hiểm lên mặt trăng trong 5 chuyến tàu, bắt đầu từ 2015 hoặc chậm nhất là 2018. Họ sẽ thu thập các mẫu đất đá ở nhiều khu vực khác nhau, trong đó có các địa cực; tiến hành các cuộc thí nghiệm và tìm kiếm dấu hiệu của nước để đặt tiền đề cho việc thiết lập một trạm mặt trăng trong tương lai. Kế hoạch gây không ít tranh cãi vì nó ngốn xấp xỉ 100 tỉ USD. (Times)

Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.