Tại các chợ truyền thống, tiểu thương dọn hàng ra bán cầm chừng. Thu nhập giảm sút, có người còn phải chuyển nghề khác để kinh doanh, nhưng họ vẫn trong tâm thế lạc quan, thích nghi sau dịch.
Dù đã mở bán trở lại, nhưng sạp hàng của bà Trần Thị Hằng (chợ Sơn Kỳ, Q.Tân Phú, TP.HCM) vẫn ít khách ghé mua |
ĐÀO NGUYÊN |
Tập thích nghi dần
Ngày 2.7, khu vực Vườn Chuối - Nguyễn Thượng Hiền (P.4, Q.3, TP.HCM) phong tỏa do có 37 ca nhiễm Covid-19. Chợ Vườn Chuối nằm trong khu vực này cũng tạm ngừng hoạt động. Đến đầu tháng 10, khu chợ này được phép mở bán trở lại.
Chiều 24.10, chúng tôi ghé lại chợ Vườn Chuối ngay giờ họp chợ, trong nhà lồng chợ chỉ có vài tiểu thương mở sạp buôn bán. Gian hàng các loại đồ khô, gia dụng của chị Nguyễn Thị Lưu (39 tuổi) là một trong số ít tiểu thương đang mở bán lại tại chợ Vườn Chuối. Tầm 4 giờ chiều, vẫn đang là giờ họp chợ nhưng chị Lưu đã dọn dần cửa hàng để đóng cửa. “Thường thì tối muộn tôi mới đóng cửa để ráng bán thêm cho khách. Nhưng giờ có ở tới khuya cũng không bán được thêm mấy món, sau dịch khách ít vào chợ mua hàng lắm. Dọn về sớm chắc đỡ nhọc hơn”, chị Lưu nói.
Gia đình chị Lưu có 4 người, 2 vợ chồng và 2 con nhỏ. Thời gian giãn cách xã hội, chợ đóng cửa, gia đình chị về nhà riêng ở. Giãn cách chừng 1 tháng, khu nhà chị Lưu ở bùng dịch, cả gia đình chị dương tính Covid-19, nhưng may mắn cả nhà đã được điều trị khỏi bệnh. Suốt thời gian đó, tất cả đồ đạc, thực phẩm chị đều để lại ở cửa hàng trong chợ, nên gia đình chị phải gửi mua. Mấy tháng giãn cách, không kiếm được đồng nào, chi tiêu gia đình thâm hụt.
0:00 |
Doanh nghiệp ở TP.HCM không phải dừng hoạt động khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 |
Khoảng đầu tháng 10, khi có thông báo chợ Vườn Chuối mở bán lại, chị Lưu ra chợ để dọn dẹp lại sạp, chuẩn bị mua bán. Chợ mở lại sau 4 tháng đóng cửa, bụi bặm bám đầy sạp, hàng hóa ở kho hư hỏng gần phân nửa, hơn 200 kg gạo bị mốc không thể bán được, đành phải bỏ. Chị bấm bụng vay mượn tiền để có vốn nhập hàng mới về bán để giữ chân khách.
Chị Lưu nhẩm tính, trước dịch chị bán ít nhất một ngày 5 triệu tiền hàng, nhưng sau dịch bán 1 ngày chưa được vài trăm ngàn. “Ngày dọn hàng ra, tôi bàng hoàng vì không có khách đến chợ. Buôn bán gần chục năm gặp khó khăn không ít, nhưng tình cảnh này đành phải chịu, bán cầm chừng trước đã”, chị Lưu nói.
Cách đó vài sạp, bà Nguyễn Thị Phụng (61 tuổi, chủ sạp bán rau muống bào) cho biết bà mở bán lại hơn 1 tuần nay. Bà Phụng kể bà sinh ra và lớn lên sát chợ Vườn Chuối, chứng kiến sự thay đổi từng ngày của khu chợ. Trước đây, khu vực Vườn Chuối tấp nập, từ 3 - 4 giờ sáng đã có xe chạy qua các con hẻm để vào chợ mua đồ. Nhưng từ lúc giãn cách, chợ ngừng bán khiến khu vực này vắng tanh, giờ mở lại cũng ít ai ra vào. Khoảng thời gian có ca nhiễm, khu chợ phong tỏa, hàng rào kẽm gai giăng ở các lối ra vào.
“Tôi bây giờ nhìn mấy hàng rào kẽm gai còn thấy ám ảnh, cứ nhớ về thời gian lúc có dịch ở khu Vườn Chuối, một ngày hơn chục ca, gia đình tôi cũng nhiễm bệnh nhưng may mắn là mọi người đều vượt qua”, bà Phụng nói.
Suốt 4 tháng chợ dừng bán, bà Phụng chỉ ở trong nhà tự cách ly điều trị, còn nhu yếu phẩm đều nhờ đội tình nguyện viên vận chuyển vào bên trong. Trò chuyện với chúng tôi, chốc chốc bà Phụng lại ngó nghiêng nhìn ra lối đi ở chợ để tìm khách rồi thở dài ngao ngán. Ở nhà tránh dịch suốt 4 tháng, bà Phụng chỉ chờ ngày chợ mở bán trở lại, mong kiếm được đồng ra đồng vào; nhưng bà chưa bao giờ nghĩ đến cảnh họp chợ thưa thớt như hiện tại, khi cả ngày chỉ vài người dân vào bên trong nhà lồng chợ mua đồ.
Bà Phụng kể bà theo nghề bào rau muống từ khi mới mười mấy tuổi. Hằng ngày, bà nhận rau muống đã được vặt sạch lá về để bào rồi bán chung với rau các loại. Khoảng 4 giờ sáng mỗi ngày, bà Phụng kê mâm, dọn ghế ra ngồi gọn một góc ở lối người dân đi chợ để bán, hôm nào đắt khách thì được hơn 200.000 đồng. Nhưng sau dịch, khách đến chợ thưa thớt, bà chỉ bào rau muống rồi bỏ mối cho quán ăn, nhận được mỗi ngày chừng 100.000 đồng tiền công.
“Hồi nào đến giờ làm cái này quen rồi, tôi cũng không định làm nghề khác mà tập thích nghi dần. Buôn bán để kiếm được chén cơm ăn là mừng lắm rồi”, bà Phụng tự an ủi.
Cầm tiền ít, vẫn thấy vui
7 giờ sáng 21.10, tại chợ Sơn Kỳ (Q.Tân Phú), bà Trần Thị Hằng (52 tuổi, quê Thanh Hóa) dọn mặt hàng phụ kiện tóc như dây thun cột tóc, lược, kẹp tóc… ra sạp để bán. Bà Hằng nhẩm tính từ khi chợ tạm ngừng hoạt động do có ca nhiễm Covid-19 vào cuối tháng 6, đến nay đã hơn 4 tháng bà mới được buôn bán trở lại.
Vào cuối tháng 6.2021, chợ Sơn Kỳ phong tỏa do có nhiều ca nhiễm Covid-19 liên quan chuỗi ca nhiễm ở chợ đầu mối Hóc Môn (H.Hóc Môn). Bà Hằng tất tả dọn hàng hóa mang đi gửi, rồi đi lấy mẫu xét nghiệm và về khu trọ tránh dịch. “Hôm dọn hàng hóa nghỉ bán, gấp quá tôi bỏ quên túi mắt kính hơn 1 triệu đồng, giờ ra bán lại, tìm mà không thấy đâu, chắc lạc mất rồi”, bà Hằng nói.
Bà Hằng kể bà vào Sài Gòn mưu sinh, buôn bán ở chợ để nuôi các con ăn học cũng gần 20 năm. Suốt mấy tháng nghỉ dịch, bà được chủ trọ giảm 4 tháng tiền phòng và cho thêm gạo, rau củ. Nhớ việc buôn bán, thèm được đếm tiền, bán hàng cho khách như ở chợ, bà Hằng lên mạng học cách bán hàng online, vừa có thu nhập vừa đỡ nhớ nghề.
Theo lời bà Hằng, khu chợ này tấp nập, đông vào cuối tuần vì gần các khu công nghiệp nên công nhân ra mua hàng nhiều. Ban ngày, chợ bán quần áo, thực phẩm tươi sống, rau củ…, còn buổi tối phía trước chợ bán thêm đồ ăn vặt. Nhưng từ khi mở cửa lại sau dịch, chợ vắng và đìu hiu, chủ sạp cũng chưa mở bán lại hết, phía bên trong nhà lồng nhiều sạp bỏ trống, treo bảng chờ người mới đến thuê.
Suốt mấy ngày nay, bà Hằng dọn hàng ra bán hầu như chỉ ngồi không rồi chờ cho hết ngày. Thỉnh thoảng chỉ có vài người khách lẻ ghé sạp của bà mua vài món hàng. Mỗi món đồ như kẹp tóc, dây thun cột tóc, lược chải đầu…, bà Hằng bán lẻ từ 2.000 - 10.000 đồng. Bán lẻ không lời bao nhiêu, nên nguồn thu chủ yếu của bà chỉ từ các mối lấy hàng sỉ. Nhưng dịch giã, mối lấy sỉ hàng hóa cũng bỏ về quê hoặc nghỉ bán, thành ra bà Hằng mất hơn phân nửa nguồn thu nhập.
Chợ vắng khách nên tầm 5 giờ chiều bà Hằng dọn hàng ra về. Nhẩm tính một ngày trước đây, bà Hằng thu nhập được 250.000 đồng, nhưng giờ chỉ được tầm 100.000 đồng. Ngồi soạn lại hàng hóa, bà không quên đếm lại xấp tiền lẻ thu vào một ngày, rồi cười nói: “Mình ra ngồi để cho khách biết mình bán lại, cầm được ít tiền cũng thấy vui”.
Ông Lâm Văn Tú bán dừa để kiếm sống |
SONG MAI |
Tại khu vực bán rau củ, ông Lâm Văn Tú (50 tuổi) đang chặt dừa để bán cho khách. Chợ mở lại được hơn 1 tuần lễ, nhưng ông Tú vẫn còn nhớ đến khoảng thời gian chợ phải phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19. “Khu tôi ở có nhiều ca nhiễm lắm, lúc đó xe cấp cứu ra vào liên tục. Giờ nghĩ tới vẫn còn ám ảnh”, ông Tú nói.
Ông Tú kể trước đây ông cho thuê ô che để tiểu thương buôn bán ở chợ, nhưng từ khi chợ mở bán lại sau khi bớt dịch, người dân đến chợ giảm hơn một nửa. Để tuân thủ quy định phòng chống dịch, tiểu thương phải bố trí các vách ngăn giữa người mua và người bán, nên lượng người thuê ô che, gửi xe vào chợ buôn bán cũng giảm dần, khiến việc kinh doanh của ông trở nên ế ẩm. Để có nguồn thu nhập lo cho gia đình, ông Tú đổi nghề, đi lấy dừa ở H.Bình Chánh (TP.HCM) về bán lại.
(còn tiếp)
Bình luận