Cao nguyên mùa xoay chín

31/10/2021 06:08 GMT+7

Vùng rừng thuộc cao nguyên Kon Hà Nừng nằm trên địa giới hành chính các huyện K’Bang, Mang Yang, thị xã An Khê, vừa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9 vừa qua là nơi tập trung quần thể cây xoay lớn nhất Gia Lai.

Loài cây mọc tự nhiên ấy cứ mỗi năm lại cho thứ quả ngon đặc trưng khiến nhiều người tìm kiếm, thưởng thức.

Gõ Google tìm trái xoay, có liền 250 triệu kết quả trong vòng 0,56 giây. Rõ ràng thứ quả màu đen mịn hình bầu dục chỉ to chừng đầu ngón tay út có hấp lực riêng của nó mà thiên nhiên ban tặng cho người dân ở vùng rừng một số khu vực trung Trung bộ và Tây nguyên. Đây cũng là nguồn sinh kế đáng kể của người dân cao nguyên hằng năm. Mùa xoay chín, khắp nơi rần rần vào rừng!

Lộc trời nơi ngàn xanh

Vào khoảng tháng 8 đến tháng 11 hằng năm, vùng rừng của H.K’bang lại rộn ràng mùa xoay chín. Cũng lạ, chỉ ngớt mưa, thứ trái rừng từ màu xanh đen chuyển sang màu đen nhung là dịp để thu hái. Hàng ngàn lượt người bản địa cơm đùm gạo bới vào rừng tìm lộc rừng.

Năm nay xoay được mùa nhưng rớt giá

TRẦN HIẾU

Anh Đinh Vanh, một cư dân bản địa người Ba Na ở K’bang, kể: “Cả nhà mình 5 người đều vào rừng hái xoay. Năm nay xoay sai trái nhưng giá hơi thấp do ảnh hưởng dịch bệnh. Nhà mình kiếm được chừng 300.000 đồng/người/ngày. Vậy là ổn rồi, có tiền mua thức ăn, dư chút ít để may áo quần mới, mua sách vở cho con đến trường. Vợ mình sắp đến ngày sinh. Mình cũng cần thêm tiền để lo”.

Những cung đường vào rừng vừa dứt mưa trơn trượt. Dẫu vậy từng nhóm, từng nhóm vẫn lặn lội tiến vào rừng sâu. Đi xe máy đến chừng nào không đi được nữa thì dừng. Cứ bỏ xe lại ven rừng rồi đi. Chả lo trộm cắp gì cả. Hành trình tìm xoay cứ vậy ngày qua ngày trong những tháng rộ mùa. Có nhóm may, đi chừng một đến hai giờ đồng hồ đã gặp vài cây. Có nhóm thì phải đi xa hơn.

Năm nay xoay được mùa. Anh Nguyễn Văn Hai, một người dân xã Krong, H.K’Bang vào rừng hái xoay, cho biết: “Cây xoay thì năm nào cũng có quả. Nhưng để rộ thì khoảng 3 năm mới một lần. Cây cao độ hơn 30 m, nếu sai thì hái được chừng 100 - 120 kg. Càng ngày càng nhiều người vào rừng hái. Lộc trời cho mà, bất tận hưởng!”.

Từ sáng sớm, dọc theo vùng rừng thuộc cung đường Trường Sơn Đông đoạn qua địa phận xã Sơ Pai, H.K’bang có nhiều nhóm người tiến vào rừng. Hành trang là vài cây dao đi rừng sắc lẹm, gùi, ít bao tải dùng đựng xoay và lương thực trong ngày. Đến chiều muộn, những đoàn xe ấy chở ra những bao xoay chín bán cho thương lái đã chờ sẵn nơi bìa rừng. Vị chua thanh của những trái xoay ấy còn vương cả mặn mòi, vất vả của cư dân sau một ngày mưu sinh, đối mặt với hiểm nguy.

Người đi hái chặt nhánh xoay xuống sau đó nhặt trái

Đắng đót với xoay

Đinh Man, một thanh niên bản địa thoăn thoắt trèo lên một thân cây xoay có đường kính to hơn cả người ôm, cao chừng 30 m. Nhìn từ xa, Man lẫn giữa những tán lá rừng. Leo dần ra các cành có quả nhiều, Man lấy con dao đi rừng cầm sẵn chặt cành cho rơi xuống đất. Ở dưới có nhóm người trải bạt đợi sẵn, kéo những cành xoay trĩu quả vừa được chặt xuống nhặt quả cho vào bao. Hơn một giờ đồng hồ sau, Man mới xong phần việc của mình, tụt xuống đất. Rừng sâu mát lạnh nhưng cả người cậu mồ hôi ướt sũng áo quần, mỏi mệt ngồi bệt xuống gốc cây thở dốc.

Nói dại, chỉ chút sơ sểnh hay xui rủi, cuộc mưu sinh ấy khéo là tai họa! Bởi tất cả mọi người trèo hái xoay đều không trang bị cho mình phương tiện bảo hộ nào. Man kể: “Bọn em đi hái xoay từ khi còn nhỏ cho đến giờ đã 27 tuổi. Lúc nhỏ thì đi theo bố mẹ, anh chị và mấy người lớn trong xã. Lớn hơn chút thì cả đám thanh niên tự lập nhóm chừng 4 - 5 người đi với nhau. Năm nay, xoay được mùa nhưng chín muộn nên mỗi ngày chỉ hái được khoảng 2 - 3 tạ. Mấy người buôn xoay nói hàng không đưa được nhiều đi các nơi nên giá rớt xuống khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg. Không như những năm trước giá lên đến 60.000 - 100.000 đồng/kg”.

Trái xoay (một số nơi gọi là trái xay, say hoặc trái nhung vì vỏ quả mượt như nhung) khi chín có vị chua thanh, có thể bóc vỏ ăn ngay hoặc rim với đường, muối ớt. Có người còn lấy thịt quả ngâm rượu. Một số tài liệu cho rằng trái hoặc vỏ cây còn có tác dụng chữa bệnh, được sử dụng trong đông y.

Cách chỗ cây mà Man vừa hái không xa là một nhóm người khác đang chinh phục một cây xoay to hơn. Do cây quá to, không thể leo được nên cả nhóm hì hục làm cành bắc từ một cây rừng khác rồi leo qua. Một thanh niên trong nhóm là Trần Văn Hoàng (25 tuổi) nhận nhiệm vụ trèo cây. Rất nhanh nhẹn và thành thạo, thoáng chốc Hoàng đã trèo lên ngọn một cây rừng mọc sát một cành to của cây xoay đại thụ rồi thả dây thòng xuống đất cho mọi người chuyển dây rợ lên để buộc chặt các cành cây với nhau.

Sau đó, Hoàng dùng một dụng cụ tự chế gọi là cù nèo móc vào cành cây lớn rồi đu người qua cây xoay để trèo tiếp lên cao tiếp cận các cành trĩu quả. Hết thảy mọi người dưới đất luôn nhắc cẩn thận khi Hoàng ở trên cây xoay cao hơn 40 m.

Ông Bình, một người trong nhóm nói: “Tôi mưu sinh mấy chục năm với cây xoay, dạn dày kinh nghiệm leo trèo nhưng vẫn phải rất cẩn trọng. Xui rủi ngã từ trên ấy xuống, khó toàn mạng lắm. Tôi đã tận mắt thấy trường hợp tử nạn khi hái xoay rồi đấy. Còn chuyện xước da, trầy thịt do ngã xe, vướng cây khi đi hái xoay là thường tình”.

Thương lái đã đợi sẵn để đón những người hái xoay vừa từ rừng về

Giữ gìn mùa quả chín

Hễ đến thời điểm này là thương lái buôn xoay từ các nơi tấp nập về H.K’bang. Khắp nơi rộn ràng kẻ bán người mua. Cứ tầm khoảng 3 - 5 giờ chiều, từng nhóm người di chuyển bằng mô tô, trên xe lặc lè những bao tải đầy quả xoay từ rừng về. Thương lái đã chuẩn bị cân, xe tải. Những chợ xoay tự phát cứ vậy mọc lên. Tất cả huyên náo trong thời gian tầm 2 giờ với sự ồn ào, náo nhiệt đúng nghĩa một khu chợ.

Bà Nguyễn Thị Lý, một tiểu thương đến từ Bình Định, cho biết: “Năm nay, xoay được mùa lớn mà giá thấp quá, tội bà con đi hái. Có những năm đạt giá từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, nhưng năm nay rớt giá thảm hại chỉ còn 15.000 - 20.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ lớn nhất là TP.HCM không còn, chỉ bán được ở các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng hay một vài tỉnh phía bắc. Chúng tôi chỉ dám thu mua lượng hàng theo đúng nhu cầu. Một phần là do tiền cước xe quá cao, một phần là việc lưu thông chưa thuận lợi nên không thể mạo hiểm mua số lượng nhiều”.

Ngành chức năng H.K’bang trong những năm gần đây đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực đối với việc thu hái xoay nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài. Ông Nguyễn Văn Hợi, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơ Pai (Gia Lai), cho biết: “Công ty quản lý hơn 7.000 ha rừng tự nhiên và có rất nhiều cây xoay trên lâm phần của chúng tôi. Để quản lý tốt diện tích rừng nói chung, cây xoay nói riêng, chúng tôi đã giao khoán rừng cho dân một số làng trong xã để họ quản lý, phụ thu hái lâm sản đúng quy định. Công ty còn tuyên truyền, vận động người dân chỉ chặt cành nhánh nhỏ, không được chặt cành to hoặc cưa cây để có nguồn thu nhập từ các năm tiếp theo và tránh vi phạm pháp luật”.

Ông Trương Thanh Hà, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.K’bang, nói rằng hạt đã tham mưu cho UBND H.K’bang chỉ đạo các đơn vị chủ rừng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng người dân cưa cây lấy trái; khuyến cáo người dân không tranh chấp cây xoay với nhau khi thu hái gây mất an ninh trật tự và có biện pháp tự đảm bảo an toàn tính mạng khi leo trèo.

Một mùa xoay nữa lại đến và món quà từ ngàn xanh khi đến được tay người thưởng thức còn có cả vị mặn mòi của oằn gánh mưu sinh từ thung sâu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.