Trở lại Pờ Yầu trong dịp đầu năm 2024 và chứng kiến những đổi thay chưa từng thấy ở làng, chúng tôi chợt nhớ đến câu nói của già làng khi trước: "Ơn Yàng! Từ nhỏ đến lớn mọi người mới có được ngày vui như hôm nay". Đêm trước ngày khánh thành con đường bê tông từ trung tâm xã Lơ Pang, dù không phải là dịp lễ hội nhưng làng Pờ Yầu vẫn quyết định tổ chức ngày hội rình rang. Nói là vậy nhưng vì làng nghèo nên chỉ làm 2 con heo và mấy chục ghè rượu. Vậy là quá vui rồi!
Lơ Pang, một trong 5 xã của vùng đông sông Ayun còn nhiều khó khăn đã vơi đi nhiều mối lo khi con đường nói trên thành hình nhờ quyết tâm của ông Dương Văn Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai (nay là Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum) cùng tập thể lãnh đạo tỉnh này.
Một thời khiêng xe qua núi
Làng Pờ Yầu nằm lọt thỏm giữa những rặng núi cao. Để vào làng chỉ có cách lội bộ. Còn nhớ nhiều năm trước, chúng tôi phải di chuyển từ hơn 7 giờ sáng đến 1 giờ chiều mới đến nơi. Dù đã được mấy thanh niên đi cùng mang giùm đồ đạc nhưng lúc đó cầm cái gì trên tay cũng cảm thấy nặng. Đường đi hết xuống rồi lại vượt dốc cao, trơn trượt. Cứ từng bước ngắn mà tiến. Mồ hôi đầm đìa với những tiếng thở hụt hơi.
Qua hết con dốc cao, chợt nghe người dẫn đường nói: "Đến rồi!". Trên cao nhìn xuống, chúng tôi thấy vài chục nóc nhà cũ nát, quần cư nơi thung sâu.
Tối hôm đó ngủ lại làng, chúng tôi càng cảm nhận thêm nỗi khổ của người dân nơi đây. Ngôi nhà chúng tôi ở nhờ là của một già làng, người từng phục vụ ở các chiến trường và cũng xem là khá giả nhất làng. Đấy là căn nhà đã cũ kỹ, không có đồ vật gì đáng giá. Tối đến, ánh đèn dầu được khơi lên cho sáng hơn, leo lét giữa đêm lạnh, thâm u núi rừng. Làm con gà xong, mọi người mới phát hiện không có nước mắm. Trong làng cũng không có tiệm tạp hóa, đi xin thì mọi người cũng lắc đầu, nói hết từ mấy hôm nay. Vậy là phải lấy muối thay nước mắm để kho thịt gà ăn tối.
Chúng tôi còn nhớ Đinh Vênh, một thanh niên trong làng, kể: "Ra xã, ra huyện, thấy người ta đi xe máy mê quá. Vậy là thanh niên trong làng gom góp tiền bạc trong 2 năm trời mới được hơn chục triệu, ra mua một cái xe máy cũ về. Cả đám phải thay nhau khiêng xe qua núi. Mọi người xúm lại xem chiếc xe mới mua về, trầm trồ, chỉ trỏ thích thú. Xe chạy đến đâu là đám trẻ chạy theo, hò reo như có hội lớn. Được mấy hôm thì hết xăng, lại phải vượt núi ra trung tâm xã mua xăng. Được ít lâu thì xe bị hư, không cách gì sửa được. Vậy là để lăn lóc dưới nhà sàn!".
Làng buồn quá! Tối đến mọi người hầu như chỉ im lặng. Vọng lại chỉ là tiếng côn trùng, tiếng một vài con thú trong rừng gọi nhau trong đêm lạnh. Cái khổ, cái đói và thiếu đủ thứ trong điều kiện sinh kế khó khăn hằn in trên những gương mặt người lớn, khiến ai cũng già đi cả hơn chục tuổi.
Ông Lê Lợi, Bí thư Đảng ủy xã Lơ Pang, cho biết: "Đã từng có không ít trường hợp bị bệnh nặng, thanh niên trong làng phải vượt núi, băng rừng cáng ra trung tâm y tế xã hay để ra huyện nhưng khi ra đến nơi thì đã muộn. Dân khổ trăm bề. Thầy cô cắm làng, bám lớp phải ở cả tuần, cả tháng mới về được. Làng không điện, không sóng điện thoại, không… đủ thứ!".
Thắp lên những hy vọng
Nhiều năm trước đã từng có 2 đơn vị vào làng Pờ Yầu lắp hệ thống pin mặt trời nhưng cũng chỉ sử dụng được vài năm và cũng chỉ được vài hộ có điện thắp sáng. Một hôm, ông Dương Văn Trang, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, cùng đoàn công tác đến thăm làng, ở lại qua đêm. Tận mắt thấy cảnh quá khổ nơi đây, ông tìm hiểu, đồng thời chia sẻ với người dân mong muốn của họ là định cư nơi vùng đất mà bao đời nay ông bà tổ tiên đã gắn bó, không muốn di dời ra bên ngoài.
Trở về sau chuyến công tác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai họp và đi đến quyết định tìm nguồn kinh phí, bố trí làm con đường nối trung tâm xã Lơ Pang đến làng Pờ Yầu. Con đường bê tông chỉ một làn xe, dài 7,4 km nhưng vốn đầu tư đến 20 tỉ đồng do phải xẻ núi, băng rừng, mở rộng con đường mòn lâu nay nên rất tốn công, tốn sức.
Cuối năm 2020, con đường được khánh thành trong niềm vui khôn tả của cộng đồng Ba Na làng Pờ Yầu. Trong thời gian này, Điện lực Gia Lai cũng xây dựng đường điện dài khoảng 20 km nối từ xã Hà Ra, H.Mang Yang vào. Nhà mạng Viettel cũng triển khai dịch vụ đến đây. Ông Lê Lợi nói: "Chủ yếu là làm để phục vụ nhu cầu của bà con đồng bào chứ về kinh doanh thì họ lỗ lớn. Tiền điện cả xã mỗi tháng có vài triệu đồng".
Trao đổi với PV Thanh Niên trong cuộc gặp gỡ mới đây, ông Teo, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng làng Pờ Yầu, vui mừng: "Từ ngày có con đường, trong làng có nhiều hộ thu nhập 70 - 80 triệu đồng/năm. Nhà mình cũng thế. So với trước đây, cuộc sống bà con đỡ khổ hơn rất nhiều. Trẻ con được đi học, hưởng chế độ đãi ngộ của nhà nước. Đám trẻ không lo thất học. Các cháu học bậc THCS, đầu tuần được phụ huynh chở xuống núi ở nội trú, cuối tuần đón về. Trong làng hiện đã có 3 cháu học lên bậc THPT".
Theo ông Teo, vui mừng nhất là khi con đường giao thông nối từ trung tâm xã lên tận làng. Việc đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn, không còn bị cảnh ép giá hay mua hàng hóa giá cao. "Chúng tôi mong thêm sự trợ giúp của chính quyền. Cần thêm đất cho hơn 10 hộ dân muốn tách hộ. Mong mở thêm các lớp dạy nghề nông thôn như trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa máy móc để có thêm điều kiện cải thiện đời sống", ông Teo nói.
Mong ngày thung sâu tươi sáng hơn
Các cô giáo ở bậc mầm non và tiểu học được phân công luân phiên mỗi năm lên dạy ở làng. Cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Chi đang dạy lớp mầm non ở làng Pờ Yầu quê ở tận H.Bù Đăng (Bình Phước), lập gia đình ở H.Mang Yang, kể: "Mỗi ngày em phải di chuyển tầm 30 km mới đến được làng, dạy xong cuối ngày lại về vì nhà đang có con nhỏ. Em thích dạy trên này vì thấy mọi người thân thiện, các cháu ngoan, tự giác đến lớp, khí hậu mát mẻ, trong lành khiến mình cảm giác yêu đời hơn. Lúc mới lên, người làng còn đem gạo tới, nói là góp gạo cho các cô giáo nhưng mấy cô nhất quyết từ chối, phải nói khéo chớ không bà con lại giận. Em muốn sang năm học mới lại được dạy các cháu ở làng, chưa muốn chuyển đi nơi khác".
Có đường, có điện và nhiều sự tiện lợi, Pờ Yầu được nhiều người trong và ngoài tỉnh tìm đến vì có nhiều thắng cảnh, đặc biệt là dòng thác rất đẹp, nước chảy quanh năm. Xung quanh là rừng với nhiều cây cổ thụ, dáng đá khá lạ mắt…
Mùa này, việc làm không xuể. Ngoài chuyện đồng áng, người làng còn đi thu hoạch bạch đàn cho một công ty lâm nghiệp có lâm phần ở đây với công nhật 300.000 đồng/ngày. Nhiều lao động khác ở tận xã Pờ Ê, H.Kon Plông (Kon Tum), cách xa làng Pờ Yầu hơn 200 km, cũng tìm tới thu hoạch bạch đàn thuê. "Đoàn mình qua đây hơn 30 người, làm nửa tháng rồi. Công nữ thì được trả 250.000 đồng/ngày, nam thì 300.000 đồng/ngày. Tranh thủ lúc nông nhàn, kiếm được một khoản phụ thêm gia đình", ông Đinh Thái (48 tuổi, ở xã Pờ Ê) nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Huỳnh Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Lơ Pang, chia sẻ: "Pờ Yầu là làng cách mạng, hiện có 133 hộ với 550 khẩu, hầu hết là người Ba Na. Cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng không thể một sớm một chiều được. Hiện vẫn còn 62 hộ nghèo. Diện tích đất canh tác khá lớn với gần 240 ha nên dư địa cho việc phát triển các loại cây nông nghiệp, trồng rừng, chăn nuôi còn rất lớn. Chúng tôi mong có thêm những chương trình hỗ trợ cho người dân phát triển kinh tế để cuộc sống người dân có những đổi thay nhanh hơn".
Bình luận (0)