Quy hoạch Kon Tum thành cực phát triển của kinh tế vùng Tây nguyên

16/01/2024 18:42 GMT+7

Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm và phát triển đột phá để đưa tỉnh này thành một cực phát triển quan trọng của kinh tế vùng Tây nguyên.

Ngày 16.1, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các Bộ VH-TT-DL, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT cùng lãnh đạo các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Quy hoạch Kon Tum thành cực phát triển của kinh tế vùng Tây nguyên- Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định phê duyệt quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Kon Tum

ĐỨC NHẬT

Vùng du lịch, dược liệu trọng điểm quốc gia

Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh này trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Phấn đấu đưa Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước, đặc biệt là sâm Ngọc Linh; là trọng điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực gắn với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Ykhu du lịch Măng Đen.

Tỉnh Kon Tum cũng sẽ được kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, các nước láng giềng và ASEAN.

Đến năm 2030, Kon Tum phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt trên 9,5%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng trên 110 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 3% - 4%/năm.

Quy hoạch Kon Tum thành cực phát triển của kinh tế vùng Tây nguyên- Ảnh 2.

Phấn đấu đến năm 2030, Kon Tum thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh

ĐỨC NHẬT

Về đột phá ở các ngành, lĩnh vực kinh tế, tỉnh Kon Tum ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến; phát triển du lịch với nhiều loại hình theo định hướng "ba quốc gia, một điểm đến"; tập trung phát triển hạ tầng Khu du lịch sinh thái Măng Đen đạt các tiêu chí của khu du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc gia và là điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu của khu vực Tây nguyên, trong nước và quốc tế...

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Kon Tum phấn đấu trở thành một cực phát triển quan trọng của kinh tế vùng Tây nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây với các nước tiểu vùng sông Mê Kông, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; có nền tảng kinh tế đủ sức cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế.

Quy hoạch Kon Tum thành cực phát triển của kinh tế vùng Tây nguyên- Ảnh 3.

Kon Tum phấn đấu trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước, đặc biệt là sâm Ngọc Linh

ĐỨC NHẬT

Phát triển 3 trung tâm, 3 hành lang

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Kon Tum phải thực các nhiệm vụ trọng tâm như: xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối trung tâm vùng, đường giao thông trọng điểm. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Khu du lịch Măng Đen, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…; hoàn thiện hệ thống hạ tầng các đô thị theo hướng hình thành các đô thị lớn, có mối liên kết mạnh với nhau nhằm đẩy mạnh đô thị hóa…

Kon Tum cần đột phá phát triển 3 trung tâm đô thị động lực, gồm: đô thị trung tâm là TP.Kon Tum và các đô thị vệ tinh, cửa ngõ; trung tâm đô thị phía bắc là H.Ngọc Hồi - Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y; trung tâm đô thị phía đông thị trấn Măng Đen và Khu du lịch sinh thái Măng Đen.

Phát triển 3 hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị động lực chủ đạo gồm: hành lang đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam; Hành lang QL24 và cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum; Hành lang QL40B.

Quy hoạch Kon Tum thành cực phát triển của kinh tế vùng Tây nguyên- Ảnh 4.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, phát biểu

ĐỨC NHẬT

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, khẳng định quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo; là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện việc sắp xếp, phân bố lại không gian, thu hút đầu tư, huy động nguồn lực, nhằm khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật, đáng tự hào mà tỉnh Kon Tum đã đạt được trong suốt chặng đường hình thành và phát triển vừa qua.

Quy hoạch Kon Tum thành cực phát triển của kinh tế vùng Tây nguyên- Ảnh 5.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật, đáng tự hào mà tỉnh Kon Tum đã đạt được

ĐỨC NHẬT

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, ngoài quy hoạch chung đã được Chính phủ phê duyệt, tỉnh Kon Tum cần có những quy hoạch chi tiết. Tỉnh Kon Tum cũng cần tận dụng lợi thế "trời ban" để phát triển thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế và công nghiệp thủy điện, phát triển năng lượng tái tạo…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.