Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự lễ công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi

24/12/2023 13:36 GMT+7

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự lễ công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Sáng 24.12, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ công bố Quyết định số 1456/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự lễ công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi- Ảnh 1.

Lễ công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050

HẢI PHONG

Theo quy hoạch này, tỉnh Quảng Ngãi sẽ xây dựng 10 khu công nghiệp (KCN) hiện đại, là trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia.

Hình thành 10 khu công nghiệp

Quyết định số 1456/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký vào ngày 22.11.

Quyết định nêu rõ, định hướng phát triển của Quảng Ngãi phù hợp, đồng bộ với định hướng, tầm nhìn phát triển của đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các chiến lược quốc gia, các quy hoạch cấp quốc gia.

Theo đó, ranh giới quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi có diện tích tự nhiên hơn 5.155 km2, bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền và phần không gian biển được xác định theo luật Biển Việt Nam ngày 21.6.2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15.5.2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự lễ công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi- Ảnh 2.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi

HẢI PHONG

Theo quy hoạch nói trên, định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Ngãi sẽ phát triển 10 KCN. Tại Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi xác định xây dựng 6 KCN, trong đó có 4 KCN đã và đang có gồm: KCN phía tây, KCN đông Dung Quất, KCN Bình Hòa - Bình Phước, KCN Tịnh Phong; 2 KCN đang xúc tiến thành lập mới: KCN Dung Quất 2, KCN Bình Thanh.

Ngoài ra, hiện có 2 KCN đang hoạt động ngoài Khu kinh tế Dung Quất (KCN Phổ Phong, KCN Quảng Phú) và thành lập thêm 2 KCN mới cũng ngoài Khu kinh tế Dung Quất (KCN Bình Long và KCN An Phú).

Diện tích để xây dựng 10 KCN nói trên là 6.648 ha, trong đó diện tích đất KCN đã được phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ là 3.157 ha; phần diện tích còn lại đang được điều chỉnh, bổ sung.

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ngãi phấn đấu duy trì là một tỉnh phát triển khá của cả nước, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, điểm đến du lịch nổi bật và là đầu mối kết nối kinh tế với khu vực Tây nguyên và khu vực duyên hải miền Trung.

Hình thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia

Ngoài ra, theo quy hoạch, Quảng Ngãi từng bước hình thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất, phát triển H.Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự lễ công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi- Ảnh 3.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trao quyết định chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư

HẢI PHONG

Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,25 - 8,25%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt từ 7.700 - 7.900 USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho thời kỳ 2021 - 2030 khoảng 410.000 tỉ đồng...

Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Quảng Ngãi phát triển hệ thống đô thị bao gồm: Đô thị đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại I là TP.Quảng Ngãi; 2 đô thị loại 3 là TX.Bình Sơn và TX.Đức Phổ; 1 đô thị loại 4 là H.Lý Sơn; 14 đô thị loại 5.

Đến năm 2050, Quảng Ngãi phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, điểm đến du lịch nổi bật, là đầu mối kết nối kinh tế với khu vực Tây nguyên và khu vực duyên hải miền Trung.

Phát triển hài hòa ba trụ cột "kinh tế - xã hội - môi trường"

Theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đây là thành quả của cả một quá trình nỗ lực, đầu tư rất nhiều công sức, tâm huyết, trí tuệ tập thể trong hơn 3 năm (tính từ lúc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh) để hình thành một sản phẩm quy hoạch tỉnh bài bản, khoa học và chất lượng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự lễ công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi- Ảnh 4.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại lễ công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050

HẢI PHONG

Ông Minh cho biết, Quảng Ngãi lựa chọn phát triển hài hòa ba trụ cột "kinh tế - xã hội - môi trường". Theo đó, Quảng Ngãi đặt doanh nghiệp và con người là trung tâm và là động lực chính của sự phát triển; xem đầu tư, phát triển giáo dục - đào tạo là nền tảng góp phần quan trọng trong việc nâng cao và đảm bảo chất lượng lao động cho nhu cầu phát triển bền vững, lâu dài.

"Việc phê duyệt quy hoạch chỉ mới là kết quả bước đầu. Để cụ thể hóa, hiện thực hóa quy hoạch thì còn rất nhiều việc phải làm và cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa", ông Minh nói.

Phát biểu tại lễ công bố quy hoạch, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, Quảng Ngãi thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có vị trí chiến lược quan trọng và hệ thống giao thông đồng bộ kết nối bắc - nam và đông - tây với các tỉnh Tây nguyên, Nam Lào. Với gần 130 km bờ biển, Quảng Ngãi có tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế biển trong đó khu kinh tế gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trung tâm lọc hóa dầu, năng lượng quốc gia, cơ khí - luyện kim và trung tâm logistics lớn.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự lễ công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi- Ảnh 5.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại lễ công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi

HẢI PHONG

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi là một bước cụ thể hóa Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị; được xây dựng với triết lý, quan điểm: "Đa sắc - Hiệp đồng - Khác biệt"; với tầm nhìn chiến lược, không gian lãnh thổ đảm bảo tính kết nối đồng bộ; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Quảng Ngãi tăng tốc phát triển trong giai đoạn mới…

Phó thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cần phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, hài hòa với những bước đi vững chắc, từng bước lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp; hình thành hệ sinh thái kinh tế đô thị - công nghiệp - dịch vụ. Quan tâm phát triển nông thôn hiện đại, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghệ cao. Chú trọng phát triển dịch vụ du lịch dựa trên lợi thế về những giá trị văn hóa, di sản đặc sắc; về biển đảo, hệ sinh thái tự nhiên đa dạng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự lễ công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi- Ảnh 6.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu phát lệnh khởi công Dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi

HẢI PHONG

Khởi công đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi

Cũng trong sáng 24.12, sau lễ công bố quy hoạch, tỉnh Quảng Ngãi chính thức khởi công đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi. Dự án này có kinh phí đầu tư 3.500 tỉ đồng, dài 26,88 km, đi ngang qua 11 xã, thị trấn của hai huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và TP.Quảng Ngãi.

Trong đó, chi phí xây dựng 2.352 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 700 tỉ đồng; còn lại là các chi phí khác và dự phòng phí khoảng 441 tỉ đồng. Bề mặt đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi là 46 m, giai đoạn đến 2025, mặt đường được bê tông là 16 m, hè đường 6 m/bên và dải phân cách ở giữa là 18 m.

Trên tuyến đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi còn xây dựng 9 cây cầu bê tông, trong đó có cầu vượt qua sông Trà Bồng. Công trình đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi được xem là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.