Lần đầu tôi đến Sydney của nước Úc cách nay đã 16 năm, một khoảng thời gian đủ dài để chiêm nghiệm những đổi thay của thành phố này trong lần trở lại.
Trải nghiệm hàng không giá rẻ
Lần đầu tiên trong những chuyến công tác và du lịch nước ngoài, tôi bay cùng một hãng hàng không giá rẻ: Air Asia của Malaysia, khai trương tuyến Kuala Lumpur - Sydney và ngược lại vào ngày 1.4.2012. Trong số 300 hành khách có 20 nhà báo của các nước Đông Nam Á: Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam tháp tùng, theo lời mời của lãnh đạo Air Asia.
Nếu bạn đã quen bay thẳng từ Việt Nam qua Úc bằng phi cơ của Vietnam Airlines, Qantas (Úc) hoặc bất kỳ hãng hàng không nào của các nước trong khu vực (không phải giá rẻ) thì rất dễ bị “sốc” nếu sử dụng hàng không giá rẻ. Tại sao? Câu trả lời không phải ở thành ngữ “tiền nào của nấy”, mà ở chỗ giá vé rẻ ấy chỉ cung cấp chỗ ngồi trên máy bay, mọi chuyện ăn uống đều phải trả tiền. Mà chuyện ăn uống thì lại rất cần thiết cho những chuyến bay đường dài. Vì là khách mời, đoàn nhà báo chúng tôi được hãng Air Asia đặt trước suất ăn kèm nước uống cho cả lượt đi và về. Nếu bạn muốn nhâm nhi 1 cốc cà phê, giá của nó quy ra tiền Việt khoảng 30.000 đồng, 1 lon Coca Cola khoảng 35.000đ, 1 lon bia 70.000đ, 1 suất cơm tương đương 150.000đ… Mức giá này so với thu nhập của người Việt Nam nói chung không phải rẻ, nhưng nếu so với mặt bằng giá của quốc tế thì có thể chấp nhận được. Hoạt động mua bán trên máy bay diễn ra khá sôi động trong sự vui vẻ và trật tự, tiếp viên xinh đẹp và hòa nhã.
|
Sở dĩ Air Asia quyết định mở thêm chuyến bay đến Sydney là do có khoảng hơn 60% người dân Malaysia đi du lịch nước ngoài hằng năm là đến nước Úc. Còn đối với du khách Việt Nam, đây là cơ hội để chúng ta tiết kiệm chi phí mua vé máy bay so với các hãng hàng không thông thường khác vốn đắt đỏ, nhất là vào mùa cao điểm. Với việc khai trương đường bay này của Air Asia, hàng trăm ngàn Việt kiều đang định cư ở Úc có thêm cơ hội chọn lựa cho mỗi lần về thăm quê hương. Có điều, bạn phải chịu khó quá cảnh ở Kuala Lumpur, từ TP.HCM qua Sydney cũng y như vậy. Không tính thời gian chờ transit, tổng giờ bay cho cả hai chặng là 8 tiếng đồng hồ bằng máy bay Airbus A330-300 còn mới.
Sydney có gì mới?
Khi dùng bữa trưa trên chiếc du thuyền Magestic Cruisers màu trắng sang trọng chạy tà tà trên vịnh Sydney, cô hướng dẫn viên người Úc hỏi tôi có thấy Sydney thay đổi gì không? Tôi trả lời có vẻ như không có gì thay đổi. Sở dĩ tôi nói như vậy vì khu trung tâm vẫn những tòa nhà chọc trời ấy, vẫn tháp Tower Sydney cao chót vót hơn 300m mà tôi đã có dịp ngồi trên ấy dùng bữa tối, vẫn còn đó Nhà hát Con sò (The Opera House) - biểu tượng cho Sydney và nước Úc, vẫn những công trình kiến trúc cổ hơn trăm năm tuổi ẩn mình trong những tòa nhà cao tầng hiện đại… Thoáng nhìn qua chẳng có gì thay đổi cả. Hình như không chấp nhận câu trả lời của tôi, cô hướng dẫn viên nói tiếp: nhưng anh phải thấy một chút đổi thay gì đó chứ!
Suốt 1 tuần lưu trú, tôi mới phát hiện ra rằng mình đã nhầm khi nói Sydney không có gì thay đổi. Điều dễ thấy nhất là số lượng du khách tham quan thành phố này đông hơn trước. Du khách đến từ các nước châu Á hiện diện khắp nơi. Các dịch vụ dành cho du khách cũng phong phú và đa dạng hơn, ví dụ như chuyện leo lên đỉnh cầu Harbour Bridge. Chiếc cầu này, cùng với Nhà hát Con sò, cùng được xem là biểu tượng của Sydney. Ngày trước, chính quyền thành phố cấm người đi bộ qua cầu Harbour Bridge, vì đã có những kẻ chán đời tản bộ lững thững ra đến giữa cầu rồi… nhảy xuống biển kết liễu đời mình. Ngày nay khách bộ hành và người đi xe đạp được phép di chuyển trên mặt cầu, để phòng ngừa những vụ tự tử, người ta đã rào chắn kỹ lưỡng lối đi. Điều đặc biệt là, ngành du lịch của Sydney mở dịch vụ có tên gọi “Leo lên cầu” cho những du khách thích độ cao và mạo hiểm. Đoàn nhà báo chúng tôi cũng được trải nghiệm chuyện leo trèo này, lên đến đỉnh của cây cầu. Một số công ty lữ hành của Việt Nam mở tour đến Úc cũng có thiết kế tiết mục leo lên cầu cảng Sydney cho du khách, ngắm toàn cảnh thành phố khá thú vị.
Không chỉ là những điều vừa kể, sự thay đổi của Sydney đã làm thay đổi hoàn toàn cảm nghĩ của tôi khi trở lại khu Việt kiều Cabramatta, một quận ngoại thành cách trung tâm Sydney khoảng 30 km.
|
“Và con tim đã vui trở lại”
16 năm về trước, trái tim tôi đã một lần “tan nát” không phải vì chuyện tình cảm “yêu thương mong manh” hay “em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé”, mà tại vì… chai nước mắm! Số là lần ấy, khi dùng bữa trưa trong một tiệm cơm ở Cabramatta, tôi như muốn đứng tim khi nhìn thấy trên bàn ăn có chai nước mắm ghi bằng tiếng Việt: Nước mắm Phú Quốc. Thế nhưng khi nhìn vào nhãn hàng hóa, tôi thấy dòng chữ Product of Thailand (sản phẩm của Thái Lan). Hỏi ra mới biết không chỉ chai nước mắm, mà tất cả những thực phẩm phục vụ cho kiều bào của ta ở nước Úc đều do người Thái đảm trách. Vào thời điểm ấy, bà con Việt kiều ở Mỹ và châu Âu cũng đều dùng hàng Thái Lan như ở Úc. Trái tim tôi tan nát là vì vậy.
Câu chuyện lo cho ẩm thực của người Việt ở Cabramatta nói riêng và toàn nước Úc nói chung ngày nay đã thay đổi khá nhiều. Ngoài nước mắm, khi tiếp cận nhiều tiệm tạp hóa ở đây, tôi thấy có rất nhiều chủng loại hàng hóa mang dòng chữ Product of Vietnam. Dừng chân tại nhiều tiệm tạp hóa, chúng ta có thể thấy sản phẩm của: cà phê Trung Nguyên, cà phê hòa tan G7, các loại bánh - kẹo - mứt, hạt điều, hàng mỹ nghệ…; thậm chí ở khu chợ này còn có hải sản, rau quả và cả khoai mì hấp trong bao bì rút chân không xuất xứ từ Việt Nam. Có điều, sản phẩm của Việt Nam chưa thực sự chiếm lĩnh thị trường như người Thái đã làm. Tuy nhiên, sản phẩm của các nước châu Á khác cũng không còn “làm mưa làm gió” như trước nữa. Đứng giữa khu chợ Việt kiều vào thời điểm hiện nay, không biết bạn nghĩ gì, nói thực riêng tôi thấy tràn ngập niềm vui, con tim rộn rã trở lại chứ không “tan nát cõi lòng” vì chai nước mắm Phú Quốc như lần đầu đến đây. Nếu có điều gì còn trăn trở, thì đó chính là hạt gạo.
Ai cũng biết Việt Nam là xứ lúa gạo đứng hàng thứ hai và đang toan tính vươn lên hàng đầu thế giới trong việc xuất khẩu loại lương thực cơ bản này. Ấy vậy mà, theo lời một Việt kiều sống 24 năm ở Sydney cho biết, chưa bao giờ kiều bào của ta được ăn gạo Việt Nam, chỉ toàn xơi gạo Thái. Nhằm kiểm tra lời ta thán này, tôi tìm đến một cửa hàng chuyên bán gạo để rõ thực hư. Trong hàng đống gạo được bày bán ở Cabramatta, chúng tôi dễ dàng bắt gặp gạo 5 chữ A, gạo thơm thượng hảo hạng AAA có hình con sư tử, gạo nàng hương 3 Bông Mai… loại bao 25 kg ghi trên bao bì bằng tiếng Việt hẳn hoi, nhưng bên dưới lại có dòng chữ Product of Thailand! Tương tự tình cảnh chai nước mắm Phú Quốc năm xưa tôi đã gặp.
Thôi, hãy tạm gác “nỗi sầu hạt gạo” sang một bên để con tim thổn thức về những gì mắt thấy tai nghe cho lần trở lại Sydney. Ở đó, bạn sẽ chứng kiến một thành phố văn minh, hiện đại, sạch sẽ vốn có với những người bản địa tận tình, hiếu khách. Không cần biết bạn đến từ đâu trên quả đất này, người Úc luôn đối xử tử tế như nhau. Và nếu có thời gian, bạn hãy đến tham quan Cabramatta để hòa mình vào cuộc sống rất ư Việt Nam trên đất khách. Nếu còn điều gì ưu tư cho chuyến du lịch đến Sydney thì đó chính là giá cả sinh hoạt. 16 năm trước, 100 đô la Úc (AUD) chỉ bằng 80 đô la Mỹ (USD). Ngày nay tình thế đã đổi thay, AUD cao giá hơn USD, khiến cho mọi sự chi tiêu của du khách cần tính toán cẩn thận hơn. Uống 2 chai bia Heineken ở Sydney bằng 1 thùng Heineken lon ở Việt Nam, vậy đó!
Đoàn Xuân Hải
Bình luận