TNO

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói về quan hệ Việt - Mỹ: ‘Ăn quả nhớ kẻ trồng cây’

24/01/2015 13:41 GMT+7

(Tin Nóng) Phát biểu tại Học viện Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội ngày 23.1, ông Puneet Talwar, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị và quân sự đã trích câu tục ngữ Việt Nam “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” khi nói về 20 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ.

(Tin Nóng) Phát biểu tại Học viện Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội ngày 23.1, ông Puneet Talwar, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị và quân sự đã trích câu tục ngữ Việt Nam “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” khi nói về 20 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ.


Ông Puneet Talwar, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị và quân sự đã trích dẫn câu tục ngữ Việt Nam "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" khi nói về tiến trình 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ. Trong ảnh: Tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius ghé thăm chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP.HCM ngày 18.1.2015 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo bài diễn văn đăng trên website Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Talwar cho biết ông dẫn đầu phái đoàn Mỹ dự Đối thoại thường niên Việt Nam - Mỹ lần 7 về chính trị, an ninh, quốc phòng (từ 22 - 23.1) tại Hà Nội. Phái đoàn Mỹ gồm các đại diện của Bộ Thương mại, Quốc phòng, Tư pháp, An ninh nội địa, Tuần duyên, và bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương. Về phía chủ nhà Việt Nam có đại diện Bộ Ngoại giao, Quốc phòng và Công an.

Nhắc đến việc năm 2015 là kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ, ông Talwar trích câu tục ngữ Việt Nam “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và nhắc lại những người đã gieo những hạt giống về hữu nghị và đối tác thời kỳ đó. Đó là nguyên Chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cùng các thượng nghị sĩ như John McCain và John Kerry đã mở ra chương hợp tác mới giữa hai nước từ năm 1995. Và từ nền tảng này mà các ngoại trưởng Mỹ như Colin Powell và Hillary Clinton kế thừa đến ngày nay.

Ông Talwar cũng nói thêm rằng những thay đổi không chỉ xảy ra ở cấp lãnh đạo mà cũng xảy ra ở cấp độ người dân, với hàng ngàn sinh viên Mỹ và Việt Nam được du học ở nước ngoài, củng cố thêm tình bạn, trao đổi ý tưởng và văn hóa, cùng mơ về tương lai.

Nhắc lại quan hệ đối tác toàn diện do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra năm 2013, ông Talwar nêu ra 3 vấn đề hợp tác chủ yếu mà theo ông là củng cố quan hệ song phương và củng cố chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Đó là: Hợp tác nhân đạo, Hợp tác kinh tế - thương mại, Hợp tác an ninh – quốc phòng.

Về Hợp tác nhân đạo, Mỹ đang cùng Việt Nam tháo gỡ bom mìn ở nhiều địa phương như Quảng Trị, xử lý hậu quả chất độc da cam, và việc tìm kiếm hài cốt người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Ông Talwar nói rằng ngay từ năm 1993 khi chưa bình thường hoá quan hệ ngoại giao, Mỹ đã thông qua các tổ chức phi chính phủ vào Việt Nam tham gia rà phá vật liệu nổ sót lại thời chiến tranh.


Chị Lương Thị Phượng đang làm nhiệm vụ rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh - Ảnh: Nguyễn Phúc

Từ 2004 Mỹ đã viện trợ 700 triệu USD cho Việt Nam qua chương trình giảm thiểu dịch bệnh HIV/AIDS.

Mỹ hoan nghênh Việt Nam lần đầu tiên tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hiệp Quốc từ năm 2014 và tin rằng sự chuyên nghiệp của các sĩ quan Việt Nam sẽ giúp củng cố tính hiệu quả của phái đoàn Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan. Mỹ đang hợp tác xây trung tâm huấn luyện gìn giữ hoà bình tại Việt Nam, triển khai một bệnh viện quân sự và một đơn vị kỹ thuật.

Về Hợp tác kinh tế - thương mại, theo ông Talwar, 20 năm trước khi hai nước bắt đầu bình thường hoá quan hệ ngoại giao, kim ngạch song phương mới đạt 451 triệu USD, còn năm 2014 đã đạt 35 tỉ USD. Ngày nay Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ nhiều hơn vào các nước khác. Quan hệ kinh tế Việt - Mỹ giúp tạo ra hàng ngàn việc làm ở hai nước. Từ năm 1995, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trên 4%/năm và từ năm 2000 là trên 5%/năm. “Đi bộ trên các đường phố Hà Nội, có thể cảm nhận sức trẻ, năng lượng và sự hứa hẹn trong tương lai của Việt Nam”, ông Talwar nói.

Năm 2015, hai nước Việt Nam - Mỹ có thể hoàn tất Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), sẽ cung cấp cho Việt Nam, Mỹ và 10 thành viên khác một thị trường tự do cạnh tranh chiếm 40% GDP toàn cầu. Thị trường này sẽ đặt ra tiêu chuẩn cao cho lao động và môi trường, mở ra thị trường mới cho hàng hoá Việt Nam và Mỹ.


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và ông Puneet Talwar (giữa) khi còn là Giám đốc Hội đồng an ninh quốc gia phụ trách vấn đề Iran, Iraq và vùng Vịnh, trên máy bay C-17 từ Baghdad đến Amman, Jordan ngày 24.3.2013 - Ảnh: AFP

Về Hợp tác an ninh - quốc phòng, ông Talwar nói rằng thịnh vượng và an ninh là không thể tách rời.

Với hơn một nửa lượng hàng hóa thương mại thế giới đi qua Biển Đông; với hơn 15 triệu thùng dầu mỗi ngày và hơn 100.000 tàu thuyền mỗi năm đi qua eo biển Malacca; an ninh là điều cần thiết cho lưu thông tự do thương mại trong khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Talwar, năm 2011, Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam - Mỹ đã thiết lập một nền tảng tuyệt vời. Tất cả các hợp tác an ninh của hai nước, từ giúp đỡ để phát triển năng lực bảo vệ bờ biển của Việt Nam, thúc đẩy tiếp cận với các tuyến đường biển, chống cướp biển, ứng phó thiên tai, nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải trong khu vực, phát huy an ninh hàng hải, được thiết kế để làm cơ sở cho mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Năm 2014, Ngoại trưởng Kerry đã công bố một sự xem xét quan trọng trong chính sách buôn bán vũ khí song phương. Trong số 32,5 triệu USD Mỹ hỗ trợ an ninh hàng hải cho khu vực, 18 triệu USD đã được chuyển cho Việt Nam. Và trong cuộc Đối thoại Việt Nam - Mỹ trong hai ngày qua, hai bên đã thảo luận nhiều phương cách để giúp Việt Nam bảo vệ biên giới và các tuyến đường thủy, và để làm sâu sắc thêm an ninh trong khu vực.

Một lĩnh vực mà hai nước đang thấy căng thẳng trong khu vực là tình hình Biển Đông. Mỹ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao của ASEAN để giải quyết những căng thẳng này, bao gồm việc thành lập một Bộ Quy tắc ứng xử trên biển (CoC). Và Mỹ không ngần ngại nâng cao mối quan tâm về những căng thẳng này ở các cấp cao nhất, kể cả với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Ông Talwar nhấn mạnh chính sách của Mỹ là nên có một tập hợp các quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Mỹ tin tưởng vào tự do hàng hải và hàng không khắp khu vực, là điều rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Mỹ chia sẻ tầm nhìn mà các bên theo đuổi giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và biển thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Trong lĩnh vực hợp tác an ninh, hai bên cũng có thể cùng hợp tác nhiều hơn để chống sự phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.


Đại tướng, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey thăm Vùng 3 Hải quân ở Đà Nẵng ngày 15.8.2014. Ông ủng hộ việc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực hải quân một khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Theo ông Talwar, ba lĩnh vực rộng lớn của sự hợp tác Việt Nam - Mỹ: nhân đạo, kinh tế và an ninh - quốc phòng không chỉ là xây dựng mối quan hệ song phương mà còn củng cố cho chính sách tái bố trí (xoay trục) của Mỹ ở châu Á.

"Tôi biết rằng với nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên toàn thế giới, ở Trung Đông, Ukraine và các nơi khác, một số người tự hỏi liệu Mỹ vẫn cam kết với chính sách tái cân bằng, tôi xin trả lời rằng chúng tôi đang làm. Tổng thống Obama cam kết, Ngoại trưởng Kerry cam kết, và tôi cam kết", ông Talwar nói.

"Vì vậy, chúng ta hãy tiếp tục làm việc với nhau trên những vấn đề này - về gìn giữ hòa bình, vật liệu chưa nổ, và các quyền con người; về phát triển thương mại và đầu tư của chúng tôi; và xây dựng một ổn định và an toàn hơn khu vực Đông Nam Á. Trong 5 hay 10 hay 20 năm nữa, khi các nhà lãnh đạo trẻ ở đây hôm nay được thụ hưởng quả ngọt của họ, họ có thể nghĩ về công việc chúng ta đã làm trong năm nay để trồng những hạt giống của sự hợp tác... để xây dựng một tương lai thịnh vượng hơn và yên bình hơn.

Thay mặt nhân dân Mỹ, chúng tôi nồng nhiệt chúc cái Tết đang đến, chúc tương lai của quan hệ Mỹ - Việt Nam được "hưng thịnh và bền vững" (bằng tiếng Việt)", ông Talwar kết thúc bài diễn văn.

Anh Sơn
(lược dịch)

>> Đối thoại chính trị, an ninh, quốc phòng Việt Nam - Mỹ lần 7
>> Báo Đài Loan: Việt Nam cử sĩ quan học lái máy bay P-3 ở Mỹ
>> Tân đại sứ Mỹ: ‘Hạnh phúc là trung thực với bản thân’
>> Tân đại sứ Ted Osius: Việt Nam là người bạn không thể thiếu của Mỹ
>> Tân đại sứ Mỹ Ted Osius: Ngoại trưởng Mỹ rất yêu Việt Nam !
>> Việt Nam xếp thứ 8 trong 900.000 du học sinh tại Mỹ
>> Quốc hội mới của Mỹ hỗ trợ châu Á và Việt Nam tốt hơn
>> Tổng thống Mỹ tìm cơ hội hợp tác sâu rộng với Việt Nam
>> Mỹ ban hành văn bản chính thức bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.