|
Những ngày đầu ở Việt Bắc
Đầu năm 1950, Nguyễn Chí Thanh được điều ra Việt Bắc phụ trách Ban Tuyên huấn trung ương. Nhận nhiệm vụ, trên đường từ Liên khu 4 ra Việt Bắc, Nguyễn Chí Thanh đã viết thư về cho vợ. Bức thư ghi:
“Giữa đường Việt Bắc ngày 2.4.1950.
Em Cúc!
Từ bữa đi anh phải ra Thanh Hóa họp gần 1 tuần, xong lại phải ra Khu 3 họp chi bộ hội nghị gần1/2 tháng. Đi đường khỏe lắm, chỉ nhọc lúc ở hội nghị 3. Hôm nay, anh và anh em đã qua đường số 6, gặp Húng nên gửi thơ về cho Cúc kẻo mong tin tức. À, một điều bất ngờ là đi giữa đường, nghe Đài tiếng nói VN bảo Đại hội TNVN cử anh làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên VN. Thế là Cúc cũng phải thanh niên đi nhé!”.
Sau khi nhận được thư vợ, ngày 28.4.1950, ông lại viết thư hồi âm, bằng tình cảm yêu thương dạt dào: “Ngày 26.4.50, mới nhận được thơ Cúc, thấy Cúc lo lắng không biết anh đã đến chưa… Cúc bị sốt? Sao lại cứ sốt hoài, anh lo lắm Cúc ạ. Làm sao Cúc phải giữ gìn, vào Đức Thọ chắc nước non hiền lành hơn, Cúc gắng ăn uống thêm và làm việc chút ít. Mạ và mấy em bây giờ ra thế nào, đã làm ăn được chút chi chưa? Hai em đã đi học chưa? Nhớ Cúc lắm và mong sao Cúc khỏi đau ốm và gửi thư hoài cho anh, nếu có ảnh thì tốt lắm và ảnh mới thì sẽ biết Cúc bây giờ thế nào và có thai đã như thế nào rồi...”.
Ngày 5.7.1950, Nguyễn Chí Thanh lại viết thư về, trong thư ông tâm sự với vợ về tình hình công việc: “Cúc ơi ra đây anh được Tr.ư (Trung ương - NV) giao cho làm chủ nhiệm vụ tuyên huấn, vừa hơn 1 tháng nay thay đổi công tác vì cần thiết nên Tr.ư lại ủy sang làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phụ trách công tác Đảng và chính trị cùng bộ đội. Ngày mai anh sẽ đi chỗ khác làm việc với anh Võ Nguyên Giáp, tuy nhiên việc thanh niên phải lo 1 phần và tạm thời 1 tháng nay phụ trách phụ vận cho anh Việt..., nay (công việc đó - NV) đã giao trả lại cho anh Việt. Ra đây, gần Tr.ư và Cụ (tức Bác Hồ - NV) được học hỏi nhiều hơn, có “nộp thuế sốt” mấy lần nay đã gần 1 tháng không sốt nữa và cảm thấy trong người đã quen dần khí hậu Việt Bắc”.
Ngày 11.7.1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh (số 122/SL Chủ tịch Phủ) bổ nhiệm ông Nguyễn Chí Thanh giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân VN.
Hợp lực cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Sau khi được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ông lại sát cánh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuẩn bị, tổ chức những chiến dịch lớn, trong đó đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Trong bài viết in trong cuốn Vị tướng khởi nguồn gió Đại Phong (NXB Thời Đại, năm 2012), Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Đến năm 1950, sau khi cục diện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã có chuyển biến lớn, bắt đầu quốc tế hóa, ta vừa thoát khỏi vòng vây, đang chuẩn bị những chiến dịch lớn, Bác và Trung ương chủ trương củng cố các cơ quan lãnh đạo quân sự, nên đã điều động anh Thanh và anh Ninh (tức Trần Đăng Ninh) vào quân đội và cùng tôi tổ chức ra Tổng quân ủy, hai anh làm Phó bí thư còn tôi làm Bí thư… Tổng quân ủy gồm 3 đồng chí lúc bấy giờ là một mẫu mực về tổ chức cơ quan lãnh đạo cấp cao, vừa gọn nhẹ vừa có sức mạnh, đoàn kết nhất trí cao, tôn trọng yêu thương lẫn nhau, sâu sát tình hình thực tiễn, kịp thời thực hiện đường lối của Đảng bằng những chủ trương, kế hoạch cụ thể và sáng tạo… Chúng tôi thường nói với nhau: Làm việc như thế này thích thật, các cuộc họp ít kéo dài, chỉ cần nói nửa câu là đã hiểu ý nhau và đi ngay đến quyết định”.
Theo thiếu tướng Đặng Văn Duy, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người sắc sảo, nhạy bén và sâu sắc. Công tác chính trị của quân đội trước đó phần nhiều mang tính lý thuyết, ít đi vào lòng người nhưng khi Đại tướng làm thì mọi công việc đi vào cụ thể, sinh động. Với cương vị là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Nguyễn Chí Thanh bằng tấm lòng yêu nước trong sáng, bằng những việc làm cụ thể, gần gũi, đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lòng mỗi chiến sĩ, đó là sức mạnh vô song trước mọi kẻ thù.
Sau 9 năm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, sát cánh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp lãnh đạo quân đội làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và xây dựng chính trị trong quân đội, ngày 31.8.1959, Nguyễn Chí Thanh được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 036/SL Chủ tịch phủ, phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lại được bầu vào BCH Trung ương, được cử vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Ngày 25.2.1950, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Liên đoàn Thanh niên Việt Nam được tổ chức tại xã Cao Vân (H.Đại Từ, Thái Nguyên), với lực lượng của Đoàn Thanh niên cứu quốc làm nòng cốt, đã bầu ra Ban Chấp hành và bầu Nguyễn Chí Thanh làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên VN. Ông là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Thanh niên VN. |
Bùi Ngọc Long
>> Những câu chuyện chưa kể về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Những bức thư tình của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Hội thảo khoa học về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
>> Xây nhà nhân ái trên quê hương đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Bình luận (0)