Trở thành nhà tiên tri

26/06/2014 03:00 GMT+7

Một nhóm người trên thế giới có thể đoán được những diễn biến sự kiện trên toàn cầu, và khả năng này có thể được rèn luyện theo thời gian.

 
Có thể luyện được khả năng phán đoán thông qua nhiều phương pháp - Ảnh: AFP

Thử ngẫm lại những sự kiện hỗn loạn trong lịch sử gần đây của thế giới. Liệu bạn có đoán được chiếc ghế tổng thống Mỹ sẽ lọt vào tay của ông Barack Obama trước khi ông này được bầu làm ứng viên đại diện đảng Dân chủ? Còn về "Mùa xuân Ả Rập", liệu bạn có lường trước được hướng đi của cuộc cách mạng ngay khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên? Và phải chăng bạn tiên đoán chính xác diễn biến của cuộc khủng hoảng gần đây tại Ukraine? Người trả lời “có” cho toàn bộ câu hỏi có thể được gọi là nhà tiên tri, đủ sức tiên đoán kết quả của những sự kiện trên thế giới với độ chính xác ấn tượng. Điều này không liên quan gì đến chuyện đọc bã trà, nhìn vào quả cầu thủy tinh hay bói thiên tượng. Một số "nhà tiên tri" chỉ là những người bình thường, xuất thân từ mọi tầng lớp của xã hội nhưng lại có khả năng phán đoán chính xác.

Trong vài năm trở lại đây, các nhà tâm lý học tìm được một loạt các tài năng ẩn mặt. Ví dụ, một nhóm người không hề quên bất kỳ khuôn mặt nào dù chỉ gặp một lần cách đây vài năm trước. Những người khác lại có đầu lưỡi thiên tài, phân biệt những mùi vị khác nhau, nhóm khác sở hữu khả năng lưu giữ ký ức siêu đẳng, có thể dễ dàng nhớ từng sự kiện trong cuộc sống vụn vặt đời thường sau nhiều năm. Những tài năng này phần lớn là do gien di truyền, trong khi về mặt lý thuyết khả năng tiên đoán được cho là do kinh nghiệm và những kỹ năng đã học. Tuy vậy, những chuyên gia chính trị hàng đầu lại có khuynh hướng dự đoán tệ hại, mà theo nhà khoa học Philip Tetlock của Đại học Pennsylvania viết trên tờ The New York Times: “Xác suất con tinh tinh phóng phi tiêu trúng đích cũng gần bằng xác suất các chuyên gia dự đoán trúng tình hình chính trị”.

Lấy cảm hứng từ một trong những báo cáo của nhà khoa học chính trị Tetlock, tổ chức "Các dự án tích cực nghiên cứu tình báo hiện đại" của Mỹ (IARPA) đã tài trợ “Dự án phán đoán hiệu quả” tập trung vào việc tìm ra các hướng tiếp cận mới để đưa ra các tiên đoán về chính trị. Diễn ra dưới dạng cuộc thi, dự án này tuyển mộ hàng ngàn người tham gia không kể xuất thân xã hội để kiểm tra những kỹ năng phán đoán thông qua một loạt các câu hỏi dưới dạng như “Liệu ông Robert Mugabe sẽ rời ghế tổng thống Zimbabwe vào ngày 30.9.2011”, hoặc “Hy Lạp vẫn còn là thành viên EU đến ngày 1.6.2012?”. Thay vì chỉ trả lời đơn giản là có hay không, họ được yêu cầu dự kiến từng sự kiện bằng cách đưa ra các ước tính dưới dạng xác suất.

Sau 3 năm diễn ra cuộc thi, nhóm của chuyên gia Tetlock giờ đây đã công bố một vài kết quả đầu tiên trên chuyên san Psychological Science. Một trong những mục đích của IARPA là xác định liệu các thí sinh có luôn giữ vững phong độ tiên đoán hay không. Do vậy, trong năm đầu tiên, ông Tetlock kiểm tra kết quả của hơn 2.000 người tham gia và lọc ra 2% dẫn đầu, sau đó những người này tiếp tục lập nhóm cho đến hết cuộc thi. Đến cuối năm thứ hai, thành tích của họ chính xác gấp 4 lần những người còn lại, và một trong những "nhà tiên tri" giỏi nhất của cuộc thi hành nghề nha sĩ. Bên cạnh chuyện ghi điểm tốt về mặt trí thông minh, nhóm những người đoán giỏi nhất đều có chung một đặc điểm: tầm nhìn phóng khoáng. Điều này như chuyên gia Tetlock nhấn mạnh, muốn đoán giỏi thì cần đầu óc phải luôn thay đổi một cách thường xuyên, giúp xử lý tốt tình trạng bất ổn. Ngoài ra, họ cần hiểu được chính mình, tức biết được nhược điểm của bản thân, cũng như cân nhắc những dữ liệu lịch sử trong quá khứ trước khi đưa ra phán đoán. Những chiến lược khác được rèn luyện theo hướng giảm thiểu các nhận thức thành kiến lâu nay khi nhìn nhận sự việc, nhằm loại bỏ khuynh hướng khuếch đại hóa nguy cơ của một sự kiện (chẳng hạn trong trường hợp tấn công khủng bố). Ngoài ra, các “nhà tiên tri” khi hoạt động riêng lẻ dường như đoán tốt hơn khi lập nhóm, để tránh tình trạng hùa theo ý kiến của một bên. Nếu luyện được cách chỉ trích quan điểm của người khác, những người tham gia đạt được kết quả tốt nhất khi họ được phép hợp tác với nhau.

Cuộc thi vẫn tiếp tục được diễn ra trong nỗ lực tìm kiếm cách thức cho phép chúng ta tăng cường kỹ năng tiên đoán những sự kiện trong đời sống.

Hạo Nhiên

>> Nhà tiên tri Ai Cập: Nước Mỹ sẽ sụp đổ vào năm ‘may mắn’ 2014
>> Tạp chí Pháp "cười cợt" nhà tiên tri Muhammad
>> Nhà tiên tri máy tính
>> Năm 2010 dưới con mắt các nhà tiên tri

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.