Trở về cội nguồn văn chương

16/10/2016 05:44 GMT+7

Giải Nobel Văn chương năm nay đã dấy lên sự tranh luận dữ dội trong giới học thuật.

Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, khi trao giải cho ca - nhạc sĩ Bob Dylan cũng là lúc cần xác định lại nội hàm của văn chương. Liệu rằng, có phải Ủy ban Nobel đã phá vỡ truyền thống trước đây - từng định hình qua năm tháng?
Tờ The New York Times (Mỹ) đã thẳng thừng tuyên bố chính kiến: “Bob Dylan không cần một giải Nobel Văn chương, nhưng văn chương cần một giải thưởng Nobel. Và năm nay đã không có giải”.
Với văn chương, chẳng hạn tiểu thuyết, ban đầu người ta quan niệm phải có tình tiết, sự kiện nhân vật, có xung đột, giải quyết xung đột đó, và “kết thúc có hậu”. Dần dà, khi trào lưu “tiểu thuyết mới” ra đời - quan niệm đó đã thay đổi về một cấu trúc của một tác phẩm. Còn thơ thì ban đầu cần có vần, điệu, sự ràng buộc của niêm luật theo quy củ nghiêm ngặt nhất định. Về sau, quan niệm dành cho thơ cũng đã thay đổi. Có thể là sự tự do, phóng túng trong câu chữ; nếu muốn đó là “văn xuôi” - mà nếu cần thiết cũng không cần các dấu chấm, phết ngắt câu...
Mọi sự thay đổi về hình thức, nói chung cũng chẳng có gì “ghê gớm” cả. Điều cốt lõi vẫn là ý nghĩa cuối cùng, nhằm đạt đến điều gì. Tài năng của người cầm bút để lại dấu ấn nhất thời, hoặc lâu dài chính là ở đó. Với thiên tài Nguyễn Du: “Mua vui cũng được một vài trống canh” là một cách nói nhún nhường của bậc thượng thừa sau khi đã viết từng dòng châu ngọc “như máu chảy ở đầu ngòi bút”. Vậy thì sự “mua vui” nói cách khác dù gì đi nữa thì cũng phải đi vào lòng người. Người đọc có thấm thía, chia sẻ buồn vui qua từng con chữ thì mới đạt đến văn chương - bằng không cũng chẳng là gì cả.
Với Bob Dylan và nhiều tài năng khác, họ làm văn chương theo cách diễn đạt của họ. Mà cách ấy, có thể không như quan niệm truyền thống đã định hình. Tôi nghĩ rằng, đó là sự sáng tạo của nghệ sĩ. Bob Dylan của Mỹ hoặc Văn Cao, Trịnh Công Sơn... của VN chính là thi sĩ. Họ mượn giai điệu của âm nhạc để chuyển tải, phổ biến thơ ca của mình đấy thôi. Sự kết hợp ấy là “thi trung hữu nhạc” và ngược lại. Đó là văn chương đấy chứ - nếu suy nghĩ rằng ít ra tầm tư tưởng ấy cũng đạt đến sự “mua vui” cho đời sau.
Trở lại với quan niệm truyền thống về thơ - nó phải thế này, thế kia - nhưng thật ra ban đầu thi sĩ chính là người ca thơ (chantre). Họ “đọc” thơ bằng tiếng hát của giai điệu. Ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan cũng thế.
Vậy hà cớ gì đem sự quy định rạch ròi để xác định nội hàm của văn chương? Cần có một cái nhìn khác. Mà cái nhìn và quan niệm này là sự quay trở về của cội nguồn văn chương đấy thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.