Tùy bút - Hồi ký - Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa (tập II) gồm 2 phần: văn xuôi và thơ, giúp độc giả có cơ hội thưởng thức những bài viết giàu cảm xúc và tư liệu của các nhà văn, nhà báo ở miền Nam ngày xưa với tính tự sự cao, mang đến những câu chuyện độc đáo, lạ kỳ đã từng nghe thấy trên đường đời. Phần văn xuôi gồm 30 bài viết, trong đó mảng về thời chống Pháp, đời sống trong những ngày tản cư, chuyện ăn tết của những tác giả gốc Bắc mang đến nhiều tư liệu hay, lạ và xúc động; mảng bài tết trong tù trên các báo xuân xưa mang đến không khí “sinh động” lạ kỳ, đậm tình người, tình yêu nước và ý chí vượt khó; mảng bài về đời sống Sài Gòn, lục tỉnh xưa đầy lạc quan và trào lộng; mảng bài “đường rừng” đặc sắc, huyền hoặc. Phần thơ giới thiệu 27 bài thơ xuân, là phần được bổ sung so với tập I. Các bài thơ được sáng tác trong thời chiến, nhiều bài buồn man mác nhưng hào sảng, chân thật. Đó là câu chuyện về người con nhớ mẹ, nhớ quê dịp tết về mà người Sài Gòn xưa và nay đều có thể đồng cảm; là câu chuyện của người lính mắc kẹt trong chiến tranh nhưng vẫn rất thi vị để cảm thưởng cảnh sắc đất trời mùa xuân…
Với những ai được sinh ra và sống trong thời bình, ký ức về mùa xuân thời chiến dường như chỉ được gợi qua lời ông bà, cha mẹ… Vì thế, tuyển tập bài viết phong phú, hấp dẫn cùng tư liệu quý như Tùy bút - Hồi ký - Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa (tập II) có thể ví như một món quà tết đậm hương vị - nơi độc giả không chỉ được đọc hơn 40 tờ báo xuân trải dài qua gần 30 cái tết của Sài Gòn xưa, mà còn có cơ hội nhìn lại, chiêm nghiệm về con người, xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.
Bình luận (0)