Trôi dạt trên biển nhiều tháng liền tại sao vẫn sống sót?

05/04/2015 16:58 GMT+7

(TNO) Việc thủy thủ Louis Jordan vẫn khỏe mạnh sau 66 ngày trôi dạt ngoài khơi hay chuyện ngư dân Jose Salvador Alvarenga sống sót kỳ diệu sau 13 tháng trên biển gây kinh ngạc và đặt ra câu hỏi về khả năng sinh tồn của con người.

(TNO) Việc thủy thủ Louis Jordan vẫn khỏe mạnh sau 66 ngày trôi dạt ngoài khơi hay chuyện ngư dân Jose Salvador Alvarenga sống sót kỳ diệu sau 13 tháng trên biển gây kinh ngạc và đặt ra câu hỏi về khả năng sinh tồn của con người.

Louis Jordan trông vẫn khỏe mạnh khi được tìm thấy và đưa đến bệnh viện hôm 2.4 - Ảnh chụp màn hình trang Mirror
Sống sót kỳ diệu
Hôm 23.1, Louis Jordan, 37 tuổi, nói với gia đình rằng ông đi đánh “vài con cá lớn nhất” khi ra khơi từ bến cảng ở Conway, Nam Carolina (Mỹ). Không may, ông mất tích kể từ đó và gia đình đã thông báo về trường hợp của Louis Jordan từ cuối tháng 1.
Lực lượng tuần duyên Mỹ không tìm thấy ông suốt 2 tháng. Frank Jordan, cha của Louis Jordan thậm chí gần như mất hẳn hi vọng tìm thấy con trai mình.
Nhưng điều kỳ diệu đến sau 66 ngày Jordan mất tích. Một tàu chở dầu Đức tìm thấy ông đang bám vào con thuyền lật úp của mình ở vùng biển cách bờ Bắc Carolina 320 km hôm 2.4.
Sau khi được tìm thấy, Jordan kể với truyền thông rằng thuyền của ông bị lật úp trong đêm, giữa thời tiết xấu. Cột buồm gãy làm đôi và nước biển tràn vào con thuyền ngay sau đó.
Jordan cho hay ông tưởng chừng như mình đã lênh đênh trên biển trong 100 ngày. Song ông có rất ít dấu hiệu của tình trạng bị mất nước, cháy nắng hoặc suy dinh dưỡng. Nhiều tờ báo cho biết thể trạng của Jordan vẫn rất tốt so với một người chỉ sinh tồn nhờ ăn cá sống và uống nước mưa.
BBC cho biết lực lượng tuần duyên Mỹ không trực tiếp phủ nhận câu chuyện của Jordan, nhưng cho hay chi tiết về trường hợp của ông vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Jose Salvador Alvarenga được tìm thấy vào năm 2014, sau 13 tháng trôi dạt ngoài khơi - Ảnh: Reuters
Song hai tháng lênh đênh của Jordan chỉ là một phần rất nhỏ so với việc trôi dạt trên Thái Bình Dương của ngư dân người Mexico tên Jose Salvador Alvarenga.
Alvarenga mất tích từ ngày 17.11.2012. Ông được hai người địa phương tìm thấy trong tình trạng kiệt sức sau khi bơi vào bờ biển Ebon Atoll thuộc quần đảo Marshall ngày 30.1.2014. Như thế, ông đã có 13 tháng trôi dạt qua 8.000 km, sống nhờ việc uống nước mưa, ăn cá, rùa và chim sống.
Alvarenga khi ấy chịu nhiều áp lực vì có các nghi ngờ xung quanh câu chuyện của ông. Một số còn cho rằng ông sinh tồn bằng cách ăn thịt người bạn cùng đi với mình là ngư dân Ezequiel Cordova, khi ấy 21 tuổi.
Alvarenga phủ nhận điều này khi cho hay bạn ông đã có 4 tháng chống chọi với tử thần ngoài khơi trước khi hoàn toàn kiệt sức. Các bác sĩ cũng khẳng định tình trạng thể chất và tinh thần của Alarenga hoàn toàn giống với thể trạng của một người đàn ông bị trôi dạt nhiều ngày trên biển.
Làm thế nào để tồn tại trên biển?
Câu chuyện của Jordan và Alvarenga giống nhau khi cùng dấy lên tranh cãi với câu hỏi: “Liệu con người có khả năng sống sót kỳ diệu như thế hay là không?”.
Giáo sư sinh lý học Mike Tipton tại Đại học Portsmouth (Anh), đồng tác giả quyển sách Những điều tối quan trọng để sống sót trên biển cả cho rằng: “Alvarenga trôi dạt trên vùng biển Thái Bình Dương, nơi có đủ mưa và nhiệt độ không quá lạnh, với kỹ năng bắt cá giỏi, ông ấy là người hội tụ đủ khả năng và sự may mắn”.
Giáo sư Tipton nói thêm thứ tự cần thiết cho sự sinh tồn là khí oxy, tuần hoàn máu, nhiệt cơ thể, nước uống và cuối cùng là thức ăn.
Jose Salvador Alvarenga trong vòng vây của truyền thông - Ảnh: Reuters
Trong trường hợp của Jordan, ông cho hay đã lấy nước mưa và uống khoảng hơn 550 ml/ngày. Liều lượng này theo giáo sư Tipton là vừa đủ mức tối thiểu mà một người cần mỗi ngày để duy trì sự sống.
“Bạn cần duy trì chức năng của thận và các cơ quan quan trọng khác. Nếu không có nước, chắc chắn bạn không thể sống qua nổi vài ngày”, ông Tipton nói.
Máu của các loài rùa và chim biển cũng là một nguồn cung cấp hydrat tốt. Một con rùa nặng 20 kg có thể cho khoảng 1 lít máu.
"Về phần thức ăn, nếu bạn có một cơ thể với nhiều mỡ, chất béo sẽ giúp bạn sinh tồn trong một thời gian dài", ông Tipton nói thêm.
Jordan nói với báo chí rằng ông đã ăn bánh và cá sống bắt bằng cách thả áo mình xuống nước. Song chế độ ăn toàn chất đạm gây trở ngại cho sự sinh tồn: “Cá toàn là protein. Và protein thì lại cần nhiều nước để lọc rửa các sản phẩm phụ sinh ra từ quá trình tiêu hóa chúng”, giáo sư Tipton giải thích.
Lời khuyên của giáo sư Tipton đối với các thủy thủ và ngư dân không may rơi vào cảnh trôi dạt: “Bạn nên ăn chất béo và đường, đó chính xác là khẩu phần giúp bạn sống sót”. Ngoài cá, thủy thủ trôi dạt cũng nên ăn rùa vì chúng có nhiều chất béo dưới lớp vỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.