TNO

Trời mưa ăn mì lạnh

20/06/2015 09:57 GMT+7

( iHay ) Vào những ngày mưa lãng đãng đi ăn bát mì ramen lạnh kiểu Nhật đem lại xúc cảm lạ lùng

(iHay) Không quá lạnh tê người, nhưng vào những ngày mưa lãng đãng đi ăn bát mì ramen lạnh kiểu Nhật đem lại những xúc cảm vừa lạ lùng, háo hức, pha lẫn thích thú khi tự tạo cảm hứng cho bản thân.

Trời mưa ăn mì lạnh  Ảnh: Hoàng Thụy
Lần đầu tôi được ăn thử món hiyashi ramen, món mì lạnh truyền thống của Nhật Bản là do bếp trưởng một nhà hàng ở quận Phú Nhuận TP.HCM tự tay đứng bếp. Nhìn thoáng qua gợi nhớ đến món bún thang của người Hà Nội, từng sợi rau củ cắt sợi nhỏ, miếng trứng chiên thái rối, thịt dăm bông cắt xợi dài… đủ ngũ sắc vừa hấp dẫn, lại gợi thèm.
Nhìn món ăn đẹp mắt, tươi “mơn mởn” ai cũng nghĩ là khó có thể tự nấu ở nhà, nhưng sau khoảng 10 phút được bếp trưởng hướng dẫn, ai cũng có thể trở thành “bếp trưởng” tại gia nấu món ăn kiểu năm sao.
Khó nhất là tìm đủ nguyên liệu làm nước xốt. Đi chợ chọn đủ thành phần làm xốt đủ thách thức rồi, một chút dấm ngọt của Nhật Bản, một chút nước tương Nhật, tương miri, tí rượu sake để dậy mùi, thêm một tí dầu mè. Xốt trộn mì được nấu cô đặc từ tương, giấm và rượu, thêm tí đường cho dịu. Cũng dễ lắm, chỉ cần đầu bếp tỉ mỉ một chút. Phải đợi xốt cô đặc, bếp đã tắt mới trộn dầu mè vào để không làm mùi dầu mè bị bốc hơi khi nấu ở nhiệt độ cao. Xốt làm xong, cho vào cái hộp nhỏ, làm lạnh trong thùng đá, đây cũng là nguyên nhân làm cho tô mì lạnh từ sợi mì đến nước xốt.
Mì thì chọn loại mì ramen bán sẵn trong các siêu thị Nhật ở đường Lê Thánh Tôn (quận 1, TP.HCM). Luộc mì trong nước sôi khoảng 3 phút, rồi vớt ra để ráo nước. Muốn mì lạnh hơn có thể ướp mì trong thau nước đá khoảng 20-30 phút.
Tiêu chuẩn để làm món hiyasi ramen phải đầy đủ 3 cái ngon, mùi thơm hấp dẫn, vị đậm đà gợi thèm và đặc biệt yếu tố thu hút đầu tiên là hình thức đẹp. Lúc này, tùy thuộc vào trình độ sử dụng “đao pháp” của đầu bếp, khi đưa dao phải vừa dứt khoát để từng sợi rau, rong biển đứt gãy gọn, sợi mảnh. Dùng con dao bén cắt từng miếng dăm bông bỏng tang, dưa leo bỏ ruột thái từng miếng mỏng, rong biển cắt sợi bằng nhau.
Cũng giống như món bún thang tại Hà Nội, các cửa hàng cạnh tranh nhau bằng mức độ mỏng của sợi trứng, sợi thịt mỏng tang. Món mì ramen dù không yêu cầu quá cao, nhưng nếu gắp một gắp có đầy đủ cả đạm của thịt, cả chất xơ của những sợi rau đủ màu, nhai có cảm giác các nguyên liệu bằng nhau, hòa quyện vào nhau sẽ ngon hơn rất nhiều.
Món ăn có nhiều màu nóng, đỏ của tôm, của thanh cua, vàng của trứng, xanh của dưa leo, màu hồng của gừng chua… nhưng khi ăn thì lạnh tê khiến người thưởng thức đầy hứng khởi, phấn khích. Lâu lâu đổi món, làm món ăn để “ngược” khẩu vị, nghịch mùa cũng vui.

Nguyên Trang

>> Mì Quảng gà đi xa là nhớ
>> Cách làm mì xá xíu tại nhà
>> Làm mì ramen kèm bánh xếp Nhật
>> Báo Anh gợi ý 10 món ngon nên thử khi tới Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.