Trượt băng đang là môn thể thao thu hút giới trẻ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM...
Giới trẻ VN bắt đầu làm quen với môn trượt băng nghệ thuật - Ảnh: Khả Hòa
|
Thận trọng bước từng bước xuống sân băng ở Trung tâm thương mại Royal City (Hà Nội) với gương mặt có phần căng thẳng pha lẫn thích thú, Trần Thị Quỳnh Anh (19 tuổi, Giảng Võ) lần đầu tiên mang đôi giày trượt băng để thử “cảm giác mạnh”. Cũng như nhiều bạn trẻ mới tập trượt băng khác, Quỳnh Anh gặp rất nhiều khó khăn trong việc giữ thăng bằng. Cô chia sẻ: “Từ bé đến giờ em rất sợ đau nên dù có đồ bảo hộ đầy đủ rồi em vẫn không tự tin tập, nhỡ mà ngã thì… dập mông mất”. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 20 phút, có thể thấy Quỳnh Anh đã dần quen và lướt đi khá nhanh trên mặt băng.
Cũng loạng choạng như Quỳnh Anh, cậu bé tới từ Úc Justin (15 tuổi) cho hay cậu cùng ông nội cảm thấy “rất rất thú vị” khi trượt băng ở một nước nhiệt đới như VN. “Em cảm thấy rất bất ngờ khi sang VN du lịch lại có dịp được trượt băng, em sống ở vùng không có tuyết rơi nên không mấy khi được trượt băng, cảm giác vừa mệt lại vừa vui”, cậu bé hào hứng chia sẻ. Ông Hamilton, ông nội cậu bé, cho hay hai ông cháu đã đi từ Thái Lan qua Myanmar rồi đến Hà Nội, nhưng chưa ở đâu ông thấy Justin vui như thế này.
Tại TP.HCM, trượt băng cũng rất hút giới trẻ. Ở sân băng của Nhà văn hóa Thanh niên, mỗi ngày có hàng trăm lượt bạn trẻ vui chơi trên sân băng được đầu tư rất tốt tại đây. Bạn Nguyễn Văn, sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, hồ hởi: “Trước đây em chỉ chơi patin, nhưng khi lao vào trượt băng rồi thì mê mệt với môn thể thao này, cảm giác thật đã khi lướt băng băng, ăn đứt patin”. Tại Nhà văn hóa Thanh niên có hướng dẫn chơi khúc côn cầu miễn phí nên rất nhiều bạn trẻ đăng ký tập luyện môn thể thao này. Còn riêng về huấn luyện trượt băng, tại đây thu phí với giá 700.000 đồng cho khóa học 9 buổi, nên rất nhiều phụ huynh cho con em mình đến đây tập luyện.
Ước mơ trở thành VĐV chuyên nghiệp
Gương mặt rạng ngời sau khi thực hiện các động tác khó, nhiều bạn trẻ đã mơ ước mình sẽ trở thành VĐV trượt băng chuyên nghiệp trong tương lai. Bé Hạnh Nhân, 10 tuổi, đang đứng nghỉ sau hơn 30 phút thực hiện những động tác khó, bày tỏ: “Em muốn sau này mình sẽ trở thành VĐV được thi đấu những giải đấu quốc tế chuyên nghiệp như em vẫn thường xem qua truyền hình”. Còn bé Helena (8 tuổi) ở Hà Nội thì có giấc mơ lớn hơn: “Em ước mình sẽ là VĐV trượt băng vô địch thế giới”, nói xong cô bé cười híp mắt.
Helena thường đến sân băng với chị Phương Uyên (10 tuổi). Cả hai nói rằng trượt băng không hề khó như nhiều người nghĩ, chỉ cần tự tin, không sợ ngã thì sẽ học rất nhanh. Phương Uyên cho biết hai chị em chỉ mất ba buổi tập là đủ tự tin trượt không còn ngã nữa. Mắt Helena sáng lên khi cô bé khoe về thành tích tự hào nhất của mình: “Hôm trước em còn xoay được năm vòng trên một chân, chị Uyên còn chưa làm được”.
Anh Võ Quang Đạo, HLV trượt băng tại sân băng Royal City, cho hay học viên tới học đa phần có độ tuổi từ 12 - 20. Các bạn còn trẻ nên học rất nhanh, chỉ cần khoảng 10 buổi học là đã tự tin làm chủ sân băng rồi. Khi bước vào sân băng, các học viên hay người chơi đều được trang bị các đồ bảo hộ tận răng, nên lỡ có té ngã thì cũng không lo ngại.
Hiện nay tại VN có hai loại sân trượt băng là sân băng nhân tạo làm bằng chất liệu nhựa tổng hợp nhập khẩu và sân băng đông đá 100%.
Với các sân băng nhựa tổng hợp (sân băng của Nhà văn hóa Thanh niên dùng loại sân này), chi phí đầu tư không quá cao mà mặt sân lại dễ dàng lắp ráp, bảo trì và nhanh thu hồi vốn nên được đầu tư khá nhiều. Tuy nhiên, cảm giác trượt ở sân băng này không sướng vì không như thật và không có cảm giác lạnh như mùa băng tuyết ở châu Âu.
Loại sân băng có mặt sân làm hoàn toàn bằng băng đá, được giữ lạnh liên tục ở nhiệt độ khoảng âm 5 độ C nên cảm giác trượt thật hơn rất nhiều (Royal City, Hà Nội sử dụng loại sân này). Các sân băng đông đá có độ dày 100 mm và được đông đá từ nước tự nhiên 100%.
|
Bình luận (0)