Trời quá nóng, cảnh báo hóa đơn tiền điện tăng vọt

Nguyên Nga
Nguyên Nga
29/04/2023 06:01 GMT+7

Tháng 4 nắng nóng kỷ lục kéo dài khiến nhiều người lo lắng hóa đơn tiền điện sẽ tăng vọt. Đặc biệt, tháng 5 cũng là tháng giá điện có thể sẽ được điều chỉnh tăng theo kế hoạch trước đó.

TP.HCM liên tục lập kỷ lục mới về tiêu thụ điện

Ngày 25.4 vừa qua, TP.HCM tiếp tục phá vỡ kỷ lục về tiêu thụ điện với 93,566 triệu kWh - mức cao nhất từ trước đến nay - và vượt kỷ lục mới lập cách đây vài ngày. Trước đó, ngày 21.4, TP.HCM lập kỷ lục về tiêu thụ điện với 93,53 triệu kWh, cao hơn kỷ lục cũ là 90,69 triệu kWh vào ngày 14.5.2021.

Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), từ đầu tháng 4 đến nay, thời tiết nắng nóng, oi bức, nhiệt độ ngoài trời nhiều ngày đạt đến trên 45 độ C, chiều tối cũng không còn mát mẻ như tháng trước. Thế nên, lượng điện năng tiêu thụ của thành phố tăng từng ngày. Cụ thể, tính đến ngày 22.4, lượng điện tiêu thụ trung bình trong tháng 4 đạt 85,91 triệu kWh/ngày. Cùng kỳ các năm trước đều dưới mốc 80 triệu kWh/ngày.

Đại diện EVNHCMC cho rằng nguyên nhân chính là do thời tiết nắng nóng và không khí oi bức nên nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát tăng cao. Đặc biệt, nắng nóng vào cuối tuần nên mặc dù khối sản xuất và các cơ quan, cao ốc văn phòng nghỉ nhưng lượng điện tiêu thụ vẫn đạt trên 92,34 triệu kWh, chỉ thấp hơn 1,27% so với ngày thứ sáu trước đó và cao hơn kỷ lục của những năm trước. 

"Sản lượng điện tiêu thụ tăng cao từng ngày cho thấy tiêu thụ điện ở các hộ gia đình đang tăng rất mạnh, chủ yếu do nhu cầu làm mát tăng cao. Theo số liệu trên cho thấy bình quân một hộ gia đình trong ngày thứ bảy đã sử dụng trên 30 kWh điện. Dự báo trong mấy ngày tới, thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng lên đến 37 độ và buổi tối thấp nhất 29 độ, nền nhiệt cao và không khí oi bức nên nhu cầu sử dụng điện, nhất là điện cho các thiết bị làm mát tiếp tục tăng cao", đại diện EVNHCMC cho hay.

Trời quá nóng, cảnh báo hóa đơn tiền điện tăng vọt - Ảnh 1.

Thi công lắp đặt điện năng lượng mặt trời ở Bình Định

ĐỘC LẬP

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2023, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, dự báo từ tháng 4 - 6 năm nay, nhiệt độ cả nước xấp xỉ cho tới nóng hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 độ C. Mỗi đợt nắng nóng kéo dài từ 3 - 5 ngày. Năm nay, chuỗi ngày nắng nóng mỗi đợt có thể kéo dài hơn, khoảng 5 - 7 ngày, riêng Trung bộ hơn 7 ngày. Cao điểm vào mùa hè trong hai tháng 6 và 7, ở miền Bắc; cuối tháng 6 đến tháng 8 ở miền Trung có khả năng xuất hiện nắng nóng gay gắt, từ 37 - 39 độ C, đặc biệt gay gắt từ 39 độ C trở lên. Riêng vùng Nam bộ sẽ nắng nóng từ nay đến hết tháng 5, tháng 6 dứt nắng nóng…

Như vậy, nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị làm mát tại các hộ gia đình, văn phòng sẽ tăng cao trong 1 - 2 tháng tới, tùy vùng. Cộng thêm thời gian tới cũng rơi vào thời điểm nghỉ hè của học sinh, hóa đơn tiền điện có thể tăng mạnh, thậm chí đạt kỷ lục.

Hóa đơn tiền điện sẽ tăng "đúp" ?

Tiêu thụ điện nhiều trong giai đoạn nắng nóng, chắc chắn sẽ dẫn đến tiền điện tháng 4 này tăng cao. EVNHCMC cảnh báo việc tăng lượng điện sử dụng khiến hóa đơn tiền điện trong vài tháng tới tại một số hộ gia đình có thể nhảy bậc, cao hơn những tháng bình thường. Chẳng hạn, hộ gia đình tháng trước sử dụng điện ở bậc 3, bậc 4 thì nay nhảy lên bậc 5, bậc 6, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng mạnh hơn. Vì vậy, tổng công ty kêu gọi khách hàng tăng cường tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả.

Trời quá nóng, cảnh báo hóa đơn tiền điện tăng vọt - Ảnh 2.

Bảng sản lượng tiêu thụ điện kỷ lục tại TP.HCM ngày 25.4

EVNHCMC

Trong khi đó, thông tin ngành điện tăng giá điện sớm và tăng bao nhiêu, đến nay, Bộ Công thương và EVN vẫn còn "kín như bưng". Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo ngành công thương cho hay áp lực tăng giá điện sớm là rất lớn. Hiện tại, Bộ cũng đang trình phương án tăng. Mức tăng cụ thể chưa được tiết lộ do các bên phải "tính toán kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tổng hòa lợi ích và bài toán tài chính cho cả EVN và lợi ích người dân". Về thông tin giá điện có thể tăng 3% hay 5%, vị này từ chối trả lời và cho hay mọi dữ liệu đang trao đổi và trình cấp trên xem xét.

Trước đó, cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Công thương công bố giá thành sản xuất điện của EVN, sau khi lập đoàn kiểm tra thực tế chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2022 của tập đoàn này. Đây cũng là cơ sở để Bộ và EVN tính toán, đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện. Theo đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm ngoái của EVN đạt gần 493.300 tỉ đồng, tương đương giá sản xuất 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Hiện mức giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.864,44 đồng/kWh (tính từ tháng 3.2019 đến nay). Bộ Công thương cũng ghi nhận EVN lỗ gần 168 đồng cho mỗi kWh điện bán ra. Năm 2022, EVN lỗ hơn 36.294 tỉ đồng từ sản xuất kinh doanh điện. Nhưng do trừ đi các khoản thu nhập tài chính khác, cắt giảm đầu tư, tiết kiệm… số lỗ của doanh nghiệp giảm còn 26.236 tỉ đồng.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng việc tăng giá điện đã được đề cập nhiều lần và một số yếu tố cho thấy việc này hoàn toàn hợp lý do giá than tăng, giá vật liệu xây dựng, đầu vào sản xuất điện tăng… "Tăng điện thì đúng rồi, mức tăng bao nhiêu còn tính toán. Tuy nhiên, song song việc tăng giá điện, thay đổi cơ chế quản lý giảm thiểu chi phí cho ngành điện là điều cần thiết nhất. Chẳng hạn, điện tái tạo đang bị lãng phí, đã có nhà đầu tư đề nghị bán cho EVN bằng 90% giá điện nhập khẩu, tại sao đề xuất đó đến nay chưa được xem xét? Rồi chủ đầu tư điện gió trên bờ kiến nghị tạm phát điện lên lưới bằng 50% giá mua điện cũ trong khi chờ đàm phán, tại sao cơ quan quản lý không "bật đèn xanh" cho ngành điện tiến hành sớm để tiết giảm chi phí tạm thời? Qua đó, giảm áp lực cho ngành điện và giảm việc trả tiền điện cao cho người dân trong lúc này", ông Thịnh nói.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng cảnh báo: "Mấy tháng tới nắng nóng kéo dài, cộng thêm dự tính giá điện sinh hoạt sẽ tăng, hóa đơn tiền điện sẽ nhận cú "đúp" tăng. Chi phí của doanh nghiệp đang cao, nhiều tiếng kêu than giảm lãi suất cho vay bằng mọi giá để cứu doanh nghiệp. Nay giá điện tăng, chắc chắn chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng. Về lâu dài, nhiều chi phí sẽ tăng theo sau đó, rồi đến tháng 7, lương cơ sở tăng… Theo đó, mức độ phục hồi của doanh nghiệp, nói đúng hơn là của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng". 

Sửa quy định giá bán lẻ điện với sinh viên, người lao động

Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư 09/2023, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014 quy định về thực hiện giá bán điện và Thông tư 25/2018 sửa đổi Thông tư 16/2014. Trong đó, sửa đổi điểm c khoản 4 điều 10 quy định giá bán lẻ điện sinh hoạt trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình). 

Đối với trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú, thường trú (xác định theo thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện) thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà). 

Trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: Từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ. Trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào Thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện; cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Cụ thể, 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người là 1/2 định mức, 3 người tính 3/4 định mức và 4 người được tính là 1 định mức. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15.6.2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.