Ngày 12.8, BBC dẫn thông báo từ Tập đoàn ô tô Volkswagen cho biết sẽ triệu hồi khoảng 100 triệu xe mang các thương hiệu Audi, Seat và Skoda từ đời 1995 - 2016 để giải quyết lỗi bảo mật mà giới trộm xe có thể khai thác để mở khóa xe. Theo đó, chỉ bằng một thiết bị có giá khoảng 40 USD (chưa đến 1 triệu đồng), các tin tặc có thể kiểm soát tần số sóng dùng để điều khiển mở khóa những chiếc xe thuộc diện triệu hồi. Như thế, chiếc xe có thể bị trộm một cách dễ dàng.
Hack trộm hơn 100 xe
Thực tế, việc “hack” xe hơi để chiếm quyền kiểm soát không còn mới. Mới đây, báo Houston Chronicle đưa tin cảnh sát Houston (bang Texas, Mỹ) vừa bắt giữ 2 nghi phạm Michael Arce (24 tuổi) và Jesse Zelaya (22 tuổi) vì đã trộm một chiếc Jeep Grand Cherokee vào ngày 30.7. Không chỉ vậy, nhà chức trách khẳng định có bằng chứng cho thấy 2 nghi phạm trên trước đó đã trộm cắp hơn 100 xe bán tải và xe SUV, trong đó khoảng
30 chiếc mang thương hiệu Jeep, bằng cách dùng laptop để hack chiếc xe nhằm chiếm quyền kiểm soát. Một đoạn clip camera an ninh ghi lại một vụ trộm xe đã cho thấy điều đó.
Kênh ABC dẫn lời một phát ngôn viên của Tập đoàn Fiat Chrysler, công ty mẹ của Hãng Jeep, thừa nhận các tên tội phạm có thể thu thập dữ liệu từ một số tay trong ở các đại lý xe hơi rồi “hack” để trộm xe. Năm ngoái, Fiat Chrysler cũng từng phải triệu hồi hơn 1 triệu xe để vá lỗ hổng bảo mật. Dòng xe Jeep Grand Cherokee của tập đoàn này đang bị đánh giá là ẩn chứa nhiều nguy cơ.
|
Mối nguy hiểm mới
Theo tạp chí Wired, tại một hội thảo về an ninh mạng hồi cuối tháng 7, hai chuyên gia Charlie Miller và Chris Valasek đã chứng minh thực tế cho thấy họ có thể dễ dàng xâm nhập, chiếm quyền điều khiển chiếc Jeep Grand Cherokee đời 2014 để kiểm soát hệ thống thắng xe và cả tốc độ xe. Cuộc thử nghiệm vốn được thực hiện từ năm ngoái trên một cao tốc. Khi đó, người lái đã không còn có thể điều khiển hệ thống thắng xe, dẫn đến xe có thể bị người ngoài bất ngờ can thiệp để thắng gấp. Không riêng dòng xe trên, nhiều mẫu xe khác cũng đang “dính án” có thể bị xâm nhập.
Bởi xe hơi đang ngày càng tích hợp nhiều công nghệ tối tân, các kết nối cũng dần chuyển đổi sang giao thức không dây, ví dụ thông qua điện thoại di động thông minh, chủ nhân có thể khởi động xe, đóng mở cửa, sử dụng một số tiện ích... Những công nghệ này cũng ẩn chứa lỗ hổng để tin tặc tấn công từ xa. Cuối năm ngoái, một nhóm nghiên cứu thuộc Trường đại học California ở San Diego (Mỹ) đã chứng minh có thể thông qua kết nối không dây để xâm nhập hàng ngàn chiếc xe hơi hiện đại. Việc tấn công có thể được thực hiện bằng cách khai thác nhiều lỗ hổng khác nhau. Với các dòng xe được gắn thiết bị theo dõi hành trình để gửi dữ liệu về cơ quan quản lý, thì tin tặc có thể tiếp cận để thao túng chiếc xe.
Tương tự, nhiều chiếc xe được cài đặt thiết bị theo dõi để đáp ứng yêu cầu từ các công ty bảo hiểm cũng ẩn chứa nguy cơ bị xâm nhập. Thủ thuật tấn công đôi khi chỉ đơn giản gửi một tin nhắn ngắn có mã độc. Cũng vào năm ngoái, giới nghiên cứu chứng minh dòng Chevrolet Corvette đời 2013 có thể bị hack thông qua các tiện ích kết nối không dây để kiểm soát nhiều tính năng như kính chắn gió, nhấn phanh bất ngờ và thậm chí vô hiệu hóa hệ thống phanh.
Mới đây nhất, ngày 4.8, tạp chí Forbes dẫn kết quả nghiên cứu của một nhóm chuyên gia đến từ các trường đại học Mỹ và Trung Quốc chứng minh có thể dễ dàng xâm nhập hệ thống Autopilot vốn là bộ não để thực hiện tính năng tự hành trên xe điện Tesla đang gây sốt tại Mỹ. Theo đó, chiếc xe có thể bị can thiệp, làm nhiễu để nhận diện sai đường và vật cản dẫn đến bị tai nạn.
Giữa lúc thế giới đang đối mặt nguy cơ khủng bố, thực tế trên đang tạo ra hiểm họa khủng khiếp, bởi nếu trên cao tốc với hàng trăm xe đang chạy cực nhanh thì chỉ cần một chiếc bị hack cũng có thể tạo hậu quả khôn lường. Chính vì thế, hồi tháng 3, Cục Điều tra liên bang (FBI) và Cơ quan An toàn giao thông nước này (NHTSA) cảnh báo về nguy cơ xe hơi bị tin tặc tấn công.
Cách thức phòng ngừa
Tờ The Washington Post dẫn cảnh báo từ FBI và NHTSA đưa ra 4 lời khuyên quan trọng để phòng ngừa xe bị hack:
Liên tục cập nhật phần mềm: Chủ xe nên thường xuyên kiểm tra cập nhật các phiên bản mới nhất của phần mềm sử dụng trên xe để vá lỗ hổng bảo mật.
Đừng tự hack xe mình: Nhiều chủ xe đã tự hack xe mình để qua mặt nhà sản xuất nhằm gắn thêm một số tiện ích theo ý muốn, mà không biết có thể đã tạo ra lỗ hổng về bảo mật.
Cân nhắc khi gắn thêm thiết bị: Dù chỉ là một USB dùng để chứa dữ liệu giải trí cũng cần cẩn trọng khi gắn vào xe, bởi có thể tạo ra “cửa” để tin tặc tiếp cận.
Hạn chế để người khác dùng xe: Không nên để người khác tiếp cận vào xe mình, cần khóa cửa xe và tìm hiểu kỹ các ứng dụng trên thiết bị di động có kết nối với xe hơi.
|
Bình luận (0)