Trọn đời với đầu lân

28/08/2014 09:45 GMT+7

Là một trong những gia đình đầu tiên làm đầu lân xứ Huế, ông Đoàn Văn Trai (TP.Huế) đã gắn bó với nghề này trọn cuộc đời và trở thành một người làm đầu lân hàng đầu cố đô.

Ông Đoàn Văn Trai và những chiếc đầu lân sẵn sàng cho mùa trung thu -  Ảnh: Tuyết Khoa

Mùa trung thu đang đến gần, cửa hàng Thu Đông của ông Đoàn Văn Trai (65 tuổi) chật kín đầu lân với đủ các kích cỡ khác nhau. Tất cả được treo thành từng dãy sặc sỡ sắc màu rất bắt mắt. Ông Trai vẫn đang miệt mài chỉnh sửa những chú lân thật hoàn chỉnh nhất để giao cho khách.

Với ba đời gắn bó với nghề làm đầu lân, gia đình ông Trai được xem là một trong những gia đình đầu tiên làm đầu lân xứ Huế. Và gần trọn cuộc đời ông gắn bó với nghề gia truyền này. Đầu lân của cơ sở ông không chỉ là địa chỉ uy tín của người Huế mà còn có mặt tại nhiều tỉnh thành khác như Hải Phòng, Hà Nội, Gia Lai, Kon Tum... Không ít người tìm đến học nghề.

Theo ông Trai, không như những nghề khác, nghề làm lân có mùa làm từ tháng 2 đến rằm tháng 8 âm lịch. Từ đầu tháng 8 thì thị trường bắt đầu sôi động. Cửa hàng ông mỗi mùa làm khoảng 3.000 đầu lân với nhiều kích cỡ và giá cả. Giá cả thường giao động từ 50.000 - 700.000 đồng. Căn cứ vào độ lớn và trọng lượng mà lân được chia làm 5 loại: lân đại, lân trung, lân thiếu, lân nhi và lân tiểu. “Một chiếc đầu lân đẹp thì phải toát lên vẻ dũng mạnh nhưng phải nhẹ nhàng, uyển chuyển. Màu sắc phải sống động. Lân tuy chết nhưng nhìn vào vẫn thấy sống...”, ông Trai cho biết.

Gắn bó với nghề gia truyền này từ thuở nhỏ, đôi bàn tay của người đàn ông này khéo léo trang trí từng chiếc đầu lân lớn nhỏ một cách thoăn thoắt. Theo ông Trai, để làm một chiếc đầu lân phải rất kỳ công. Vì làm hoàn toàn bằng thủ công, phải cắt dán từng miếng giấy, vẽ từng nét... Lân Huế có những điểm khác biệt so với lân nơi khác như đầu lân cao, thân thường bành ra, lông dài... thường mang vẻ hùng dũng.

Bà Nguyễn Thị Vẻ (kiệt 52 Bà Triệu, TP.Huế) cho biết: “Đến mùa trung thu, tôi lại sang cửa hàng Thu Đông mua đầu lần về cho con cháu chơi. Từ thời tôi còn nhỏ, tôi đã được ba tôi mua cho những con đầu lân ở cửa tiệm này để múa lân với lũ trẻ cùng xóm. Lân Huế vừa đẹp, vừa an toàn...”.

Có nhiều giai đoạn lân Huế đã có khi không trụ vững trên thị trường bởi sự cạnh tranh của lân nhiều nơi về mẫu mã và giá cả. Để bắt kịp thị trường ông đã không ngừng mày mò cải tiến. Từ chất liệu giấy bình thường, ông chuyển sang giấy dạ quang để khi ánh đèn chiếu vào sẽ lung linh màu sắc như cầu vòng. Thay bột màu bình thường bằng bột màu luminơ chất lượng... Năm nào ông cũng bổ sung từ 2 - 3 mẫu mới để khách hàng thêm sự lựa chọn. Điều quan trọng là lân Huế vẫn đảm bảo là một sản phẩm an toàn cho người sử dụng. Nhất là khi đa số đối tượng của mặt hàng này là trẻ em.

Hiện nay, đầu lân của cơ sở ông vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều đoàn lân sư của Huế và nhiều tỉnh thành bởi chất lượng và mẫu mã không thua kém các nơi khác. Đầu lân có thể sử dụng được 4 - 5 mùa nếu được bảo quản tốt không để ẩm và mối mọt. Nhưng theo ông Trai, hiện nay thị trường lân sư rất sôi động, đặc biệt là các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, giá cả rất cạnh tranh vì được sản xuất đại trà, chất lượng không đảm bảo. Trong khi, nghề làm lân thủ công xứ Huế lại sản xuất thủ công, công cán thợ khá cao vì thợ này phải khéo tay và vật liệu thì phải an toàn. Một số cơ sở không trụ với nghề nên cũng ngưng sản xuất.

Ông Trai cho biết: “Biển hiệu Thu Đông đã gắn bó cả cuộc đời tôi, đó là tâm huyết của cha và ông nội tôi. Hai đứa con trai của tôi ngoài công việc chính của mình thì đến mùa vẫn tham gia làm nghề gia truyền, giữ ngọn lửa với nghề cha ông không thể để mai một được, vì đó không chỉ là nghề mà còn là một nghệ thuật…”

Tuyết Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.