Nhà báo Tim Culpan, cây bút mảng công nghệ của chuyên mục Bloomberg Gadfly mới đây có góc nhìn thú vị về ngành công nghệ ở hai cường quốc kinh tế châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ.
Hơn 15 năm, Trung Quốc chưa thành công trong việc ra mắt hệ điều hành “cây nhà lá vườn”, vốn có thể được nhiều người dân yêu thích và giúp đất nước thoát khỏi nút thắt phụ thuộc vào công nghệ phương Tây. Vậy mà ở Ấn Độ, họ đạt được kỳ tích này trong chưa đầy 2 năm.
Indus hiện là nền tảng điện thoại thông minh phổ biến thứ nhì tại Ấn Độ, với 6,3% thị phần, xếp sau hệ điều hành Android của hãng Alphabet. Hệ thống đa ngôn ngữ trên là một trong nhiều hệ điều hành dựa vào chính Android, và vừa vươn lên vị trí thứ nhì cuối năm 2015. Hệ điều hành Indus (Indus OS) vẫn tiếp tục giữ vị trí này trong hai quý đầu năm nay, theo số liệu được Counterpoint Research công bố hồi tuần trước.
Điều này đồng nghĩa với việc Indus OS dẫn trước iOS và các biến thể khác của Android, trong đó có Cyanogen và MIUI của Xiaomi.
Con đường tìm kiếm hệ điều hành riêng của Trung Quốc rải rác thất bại, bao gồm China OS (COS), Kylin, Red Flag và YunOS. Tất cả những cái tên trên đều chưa thành công trong việc lôi kéo sự chú ý vì nhiều lý do. Dù là hệ điều hành cho máy tính để bàn hay thiết bị di động, Đại lục vẫn chưa ghi được điểm.
|
Với cái tên ban đầu là Firstouch, Indus OS có bước đi dài vào giữa năm 2015 khi hãng smartphone lớn địa phương là Micromax quyết định bắt đầu sử dụng nó thay vì Android của công ty mẹ hãng Google.
Indus OS hỗ trợ ít nhất 12 phương ngữ chính của Ấn Độ, khai thác những thứ thị trường cần chứ không phải điều gì chính phủ muốn. Đây là yếu tố mạnh vì sản phẩm sẽ được phát triển và xoay vòng theo nhu cầu. Đơn cử, Indus OS cung cấp khả năng biên dịch giữa các phương ngữ và đoán từ đơn giản được viết.
Indus OS cũng cung cấp khả năng thanh toán qua ứng dụng App Bazaar. Người dùng có thể trả tiền cho các ứng dụng được tải về thông qua hóa đơn điện thoại. Đây là động lực lớn, không chỉ cho người tiêu dùng mà còn cho bản thân nhà phát triển ứng dụng, những người chẳng mấy vui khi bị gạt ra khỏi “bữa tiệc” nơi mà Android và iOS hưởng lợi nhiều hơn. Việc này còn giúp các nhà phát triển có động lực thúc đẩy sản phẩm chạy trên thiết bị dùng Indus OS, còn các nhà sản xuất smartphone thì ưu ái xây dựng mẫu điện thoại chạy bằng Indus OS thay vì Android.
Giữa lúc Bắc Kinh cho thấy họ làm rất nhiều trong nỗ lực tách khỏi sự thống trị của giới sản xuất phần mềm Mỹ, New Delhi vừa thể hiện rằng mong mỏi này chỉ cần hai yếu tố: sản phẩm tốt và lực lượng thị trường.
tin liên quan
Kinh tế Ấn Độ có gì hơn Trung Quốc?Câu trả lời là rất nhiều. Khi Trung Quốc, Nga và Brazil đều đi chậm lại, kinh tế Ấn Độ vẫn tiến về phía trước. Ấn Độ là điểm sáng trong các thị trường mới nổi.
Bình luận (0)