Giảm 36% đầu mối quản lý bên trong ĐH Quốc gia TP.HCM
ĐH Quốc gia TP.HCM vừa hoàn thành "Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong ĐH Quốc gia TP.HCM" theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong giai đoạn 2025-2030, ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đáp ứng 3 yêu cầu: Giảm đầu mối quản lý để đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Tăng số đơn vị tự chủ tài chính để đảm bảo giảm phụ thuộc ngân sách nhà nước, giảm số người nhận lương từ ngân sách; Đảm bảo các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng của ĐH Quốc gia TP.HCM được ổn định, liên tục, đạt hiệu quả cao nhất.
Trong 5 năm tới, một số kết quả chủ yếu đề án thực hiện bao gồm: Giảm 36% đầu mối quản lý bên trong ĐH Quốc gia TP.HCM; Tăng số đơn vị tự chủ tài chính từ 66% lên 92%; Giảm số nhân sự hưởng lương ngân sách nhà nước xuống còn 8%.
Đề án cũng giao cho thủ trưởng các đơn vị đã tự chủ tài chính chủ trì xây dựng phương án tinh giản đầu mối quản lý. Cụ thể, đối với các trường ĐH thành viên đã tự chủ tài chính, giảm từ 15-35%; đối với các đơn vị trực thuộc đã tự chủ tài chính, giảm từ 10-20%.
Sáp nhập, hợp nhất nhiều đơn vị bên trong
Trước đó, trong giai đoạn 2018-2024, ĐH Quốc gia TP.HCM đã chủ động sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tăng số đơn vị tự chủ tài chính.
Đối với các đơn vị trực thuộc, sáp nhập Trung tâm ĐH Pháp vào Viện Đào tạo quốc tế; Sáp nhập Trung tâm Khảo thí tiếng Anh vào Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo; Sáp nhập Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu vào Viện Môi trường và Tài nguyên.
ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã hợp nhất 3 đơn vị gồm: Viện Đào tạo quốc tế, Trung tâm Đào tạo tiền tiến sĩ và Viện Quản trị ĐH thành Viện Đào tạo - Nghiên cứu quản trị (sau đó đổi tên thành Viện Phát triển năng lực lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM). Ngoài ra, chuyển Viện John von Neumann về Trường ĐH Khoa học tự nhiên quản lý.
Đối với các ban chức năng, hợp nhất Ban Đào tạo ĐH và Ban Sau ĐH thành Ban Đào tạo; sáp nhập Ban thi đua-khen thưởng vào Ban Tổ chức cán bộ.
Tính đến tháng 12.2024, ĐH Quốc gia TP.HCM có 66% đơn vị tự chủ tài chính bao gồm 7 trường ĐH thành viên và 17 đơn vị trực thuộc. Cùng thời điểm này, toàn ĐH Quốc gia TP.HCM có 1.154 người nhận lương từ ngân sách nhà nước trong số 6.400 viên chức, người lao động đang làm việc, chiếm tỷ trọng 18%.
Với quy mô xấp xỉ 100.000 sinh viên, hơn 6.400 giảng viên, việc thực hiện tinh giản đầu mối, tăng số đơn vị tự chủ tài chính và giảm người nhận lương từ ngân sách mà ĐH Quốc gia TP.HCM đã thực hiện trong thời gian vừa qua là vượt chỉ tiêu so với yêu cầu của Nghị quyết số 18.
Trước đó, trong kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, 2 ĐH quốc gia (ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM), được đề xuất chuyển về Bộ GD-ĐT để quản lý. Hai ĐH quốc gia đang chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn lại các đơn vị trực thuộc, nhằm giải quyết những tồn tại, bất cập, hạn chế, tập trung vào mục tiêu phát triển và sứ mệnh đặt ra. Trong đó, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết ĐH sẽ kết thúc hoạt động những đơn vị, đầu mối không hiệu quả; Sáp nhập, bổ sung chức năng, nhiệm vụ những ban, đơn vị có chức năng trùng lặp, giao thoa.
Bình luận (0)