Trong thông báo kết luận thanh tra vừa được ban hành, Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra hàng loạt vi phạm tại Bộ GD-ĐT, liên quan đến công tác quản lý nhà nước về sách giáo khoa (SGK) giai đoạn từ 1.1.2014 đến 31.12.2018.
Chỉ trong 6 năm, giá trị lãng phí tạm tính từ sách giáo khoa lên tới gần 2.400 tỉ đồng (ảnh minh họa) |
nhật thịnh |
Lãng phí do SGK không thể dùng lại
Với SGK biên soạn theo Nghị quyết 40/2000 của Quốc hội, Bộ GD-ĐT không cung cấp được bản thảo mẫu SGK được bộ trưởng phê duyệt để làm cơ sở đối chiếu với SGK hiện hành. Việc này vi phạm luật Thanh tra và Pháp lệnh về lưu trữ quốc gia, thể hiện sự buông lỏng trong công tác lưu trữ.
Khi biên soạn SGK, Bộ GD-ĐT thiết kế một số bảng số liệu để trống nên học sinh có thể viết vào SGK. Bộ mới ban hành 3 văn bản có nội dung hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng SGK, nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách; nhưng chưa ban hành quy định về sử dụng lại SGK, dẫn tới việc sử dụng lại SGK chỉ đạt khoảng 35%.
TTCP xác định, từ năm 2014 đến hết tháng 8.2019, 73/193 cuốn SGK học sinh có thể viết vào SGK đã được in, phát hành và bán, với tổng số hơn 303 triệu bản. Nếu tính 65% SGK có các trang sách học sinh có thể viết vào không dùng lại được, giá trị lãng phí tạm tính cho gia đình học sinh và xã hội lên tới gần 2.400 tỉ đồng.
Năm 2013, Bộ GD-ĐT ban hành văn bản số 2372 có nội dung hướng dẫn: sách bài tập do Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB) tổ chức biên soạn dựa theo SGK, được Bộ GD-ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành.
Việc này không đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT; gây nhầm lẫn cho học sinh, phụ huynh và xã hội hiểu rằng sách bài tập được NXB xuất bản là tài liệu bắt buộc phải mua kèm theo SGK; khiến hầu hết gia đình học sinh khi mua SGK đều mua sách bài tập kèm theo. TTCP nhận định có dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước với NXB trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.
Chưa hết, quá trình điều chỉnh tăng giá sách lần 3, Bộ GD-ĐT chưa có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, dẫn tới NXB điều chỉnh tăng giá bán SGK 16,9%.
Với SGK biên soạn theo Nghị quyết số 88/2014 của Quốc hội, TTCP cũng chỉ ra nhiều hạn chế. Trong đó, Bộ GD-ĐT dù thực hiện được một số công việc nhưng phần lớn đều chậm, không đảm bảo tiến độ; chậm thực hiện tổ chức biên soạn SGK theo yêu cầu của Quốc hội và Thủ tướng.
Hạn chế viết vào SGK, kiểm soát chặt tài liệu tham khảo
Từ những vi phạm đã nêu, TTCP kiến nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo, yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thực hiện nghiêm nội dung “không tạo cơ hội cho học sinh viết, vẽ vào SGK" và “SGK được sử dụng lâu dài”, hạn chế tối đa việc học sinh viết, vẽ vào SGK.
“Trước khi phê duyệt thông qua nội dung SGK, yêu cầu các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK phải thực hiện triệt để các ý kiến góp ý của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK mới đồng ý cho phát hành”, TTCP nêu, đồng thời nhấn mạnh cần ban hành ngay quy định về sử dụng lại SGK để không lãng phí cho gia đình học sinh, xã hội.
Bộ GD-ĐT cũng cần quy định cụ thể định mức đối với hoạt động xuất bản SGK (không vượt quá định mức tại Thông tư 42/2020 của Bộ TT-TT) để làm căn cứ xây dựng phương án giá SGK cho các nhà xuất bản, sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân.
Đáng chú ý, TTCP kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu, ban hành chỉ thị chấn chỉnh việc lựa chọn tài liệu tham khảo của cơ sở giáo dục phổ thông; thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT kiểm tra việc lựa chọn tài liệu tham khảo, yêu cầu cơ sở giáo dục cung cấp đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo để học sinh, phụ huynh biết và lựa chọn.
Cùng với đó là tổ chức thanh tra chuyên đề diện rộng, đồng thời thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT thanh tra, kiểm tra việc lựa chọn tài liệu tham khảo của cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi cả nước.
Một kiến nghị khác, Bộ GD-ĐT cần phối hợp với Bộ Tài chính trình các cơ quan có thẩm quyền để bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá nhằm quản lý theo quy định của pháp luật…
Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an, xử lý nghiêm bộ trưởng thời kỳ có liên quan
TTCP kiến nghị Bộ GD-ĐT kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm đối với bộ trưởng, lãnh đạo bộ, người đứng đầu và cấp phó đơn vị thuộc bộ (theo từng thời kỳ) có liên quan đến những thiếu sót, vi phạm trong kết luận thanh tra.
Đặc biệt, TTCP kiến nghị chuyển Bộ Công an xem xét, xử lý nội dung hướng dẫn sử dụng sách bài tập, sách tham khảo có dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ GD-ĐT và NXB trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu Bộ GD-ĐT tổ chức thực hiện các kiến nghị của TTCP và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại đã được nêu.
Đối với kiến nghị chuyển thông tin sang Bộ Công an, Thủ tướng đề nghị TTCP thực hiện theo thẩm quyền và quy định pháp luật.
Bình luận (0)