Trồng bù rừng 'nhỏ giọt'

21/12/2013 21:13 GMT+7

Hàng ngàn hécta rừng ở Đắk Lắk phải “hy sinh” cho các dự án thủy điện, nhưng diện tích trồng bù rừng theo quy định còn hết sức nhỏ bé.

Trồng bù rừng “nhỏ giọt”

Thủy điện Krông Kmar ở Đắk Lắk, công trình làm mất 109 ha rừng nhưng mới trồng lại được 16 ha rừng

 Trồng bù rừng “nhỏ giọt”1

Hồ thủy điện Sêrêpốk 3 đã làm ngập nhiều diện tích rừng - Ảnh: Trung Chuyên

Mất gần 2.100 ha, trồng 70 ha

 

Cả nước đều chậm

Theo báo cáo số 4148/BC-BNN-TCLN của Bộ NN-PTNT gửi Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2006 đến tháng 10.2013, cả nước có 205 dự án thuộc 27 tỉnh, thành phố thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang làm thủy điện với tổng diện tích 19.805 ha, nhưng trồng bù rừng chỉ được 971,7ha, chiếm tỷ lệ 4,9%. Nguyên nhân đạt thấp do các chủ đầu tư dự án chưa quan tâm thực hiện quy định hiện hành, trong khi các cơ quan liên quan chưa tích cực kiểm tra, đôn đốc.

Theo thống kê của Chi cục Phát triển Lâm nghiệp Đắk Lắk, từ năm 2006 đến nay, tỉnh này có 9 dự án thủy điện được xây dựng phải chuyển mục đích sử dụng rừng với tổng diện tích 2.097 ha. Trong đó, có những dự án thủy điện phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng khá lớn như Buôn Tua Srah (998 ha), Krông Hnăng (536 ha), hai thủy điện Sêrêpốk 3 và Sêrêpốk 4 (315 ha)…

Nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2006 về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng đã quy định các dự án khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải đảm bảo đầu tư trồng mới thay thế. Thế nhưng trong 7 năm qua, diện tích rừng thay thế của các dự án thủy điện trên địa bàn Đắk Lắk không được trồng đủ theo quy định của nghị định này; thậm chí có dự án thủy điện làm mất nhiều rừng nhất như Buôn Tua Srah chưa trồng lại được khoảnh rừng nào. Cũng chưa có chủ dự án thủy điện nào nộp tiền cho Nhà nước để trồng rừng thay thế. Trong 9 dự án thủy điện nói trên, mới có 4 dự án tham gia trồng lại rừng với tổng diện tích 70 ha (chiếm 3,3% rừng đã chuyển đổi); gồm: hai thủy điện Sêrêpốk 3 và 4 trồng 44 ha, thủy điện Krông Kma: 16 ha, Krông Hnăng: 5 ha và Ea Mđoan 2: 5 ha. Theo Chi cục Lâm nghiệp Đắk Lắk, hầu hết các dự án thủy điện không thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế hoặc trồng được ít đều lấy lý do không có quỹ đất hoặc không có trình độ kỹ thuật trồng rừng…

Chậm ban hành hướng dẫn

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Đắk Lắk, lý giải: “Thực ra, các doanh nghiệp thủy điện chậm triển khai trồng lại rừng thay thế rừng bị chuyển đổi còn do các chính sách, quy định liên quan ban hành quá chậm. Nghị định 23 ban hành từ năm 2006, nhưng mãi đến ngày 6.5.2013 mới có Thông tư 24/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác”. Theo ông Hưng, chính vì chậm có chính sách, hướng dẫn, quy định chế tài cụ thể nên thời gian qua địa phương không thể xử lý đối với những chủ dự án thủy điện không trồng rừng thay thế.

Ông Hưng cho rằng mặc dù có Thông tư 24 trên nhưng cũng khó có thể buộc các chủ dự án thủy điện triển khai trồng lại rừng trong một sớm một chiều. Lý do là các dự án thủy điện có nhiều diện tích rừng chuyển đổi phải chi trả khoản đầu tư khá lớn cho trồng rừng thay thế. “Có thể phải tính toán lộ trình cho các chủ dự án thủy điện bố trí kinh phí trồng rừng từng năm và ấn định trong khoảng mấy năm thì trồng đủ diện tích thay thế. Hiện Chi cục Lâm nghiệp đang cùng Sở Công thương Đắk Lắk khảo sát, đánh giá lại khả năng trồng bù rừng của các thủy điện để có phương án trình UBND tỉnh phê duyệt”, ông Hưng chia sẻ.

Được biết, sau khi có Thông tư 24 trên, ở Đắk Lắk mới chỉ có Công ty CP thủy điện Trung Nam Krông Nô có phương án nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng để bố trí trồng rừng nơi khác thay thế 44 ha rừng chuyển mục đích sử dụng của dự án thủy điện Krông Nô. Số tiền này sẽ được chuyển cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk triển khai trồng rừng.

Trung Chuyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.