Mới đây, Công an tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện 3 vụ trồng cây cần sa trong vườn tạp ở huyện Tam Bình, với tổng số lượng gần 200 cây. Tương tự, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cũng đã phát hiện 3 hộ dân trên địa bàn trồng hàng trăm cây cần sa. Còn ở Hậu Giang, có 5 hộ trồng cây cần sa bị phát hiện, với gần 15 kg cần sa tươi. Hồi cuối năm ngoái, Công an H.U Minh Thượng (Kiên Giang) cũng đã phát hiện 2 hộ trồng 555 cây cây cần sa, trên diện tích khoảng 900m2…
Theo thống kê của Công an tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2009, cơ quan này phát hiện 19 vụ, thu giữ 1.549 cây cần sa tươi; 2 kg cần sa khô; 0,5 kg hột cần sa và hơn 500 cây cần sa con đang ươm. Đến năm 2010, phát hiện tới 40 vụ với gần 4 ngàn cây, hơn 3kg cần sa khô, 160kg cần sa tươi.
Điều đáng nói là sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện, hầu hết những người vi phạm đều nói không biết đó là cây cần sa. Họ chỉ trồng vì theo mách bảo của người khác rằng đó là cây thuốc, trồng cho gia súc, gia cầm ăn mau lớn, ít bị dịch bệnh… Nói là nói thế, nhưng có hộ trồng đến cả trăm cây trên diện tích hàng trăm mét vuông, trồng trong thùng xốp để dễ di chuyển nhằm đối phó với cơ quan chức năng; trồng xong biết mang phơi khô, ươm giống bán cho người khác, thì cách lý giải trên xem ra rất khó thuyết phục. Công an tỉnh Vĩnh Long đã chứng minh được nhiều hộ trồng cây cần sa bán cho các đối tượng nghiện ma túy nhiều lần. Như vậy, rõ ràng là bên cạnh một số ít người vì thiếu hiểu biết nên bị kẻ xấu lợi dụng thì cũng có nhiều người vì hám lợi mà bất chấp luật pháp. Chính vì vậy, cũng đã có trường hợp người trồng cần sa rồi đem bán đã phải đi tù. Đó cũng là bài học đích đáng cho những kẻ hám lợi.
Ở một góc độ khác, các cơ quan chức năng cũng nên tuyên truyền rộng rãi đến người dân tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Đầu tiên là giúp người dân nhận biết được hình dạng cây cần sa và tác hại của nó đối với sức khỏe con người. Kế đến là các quy định pháp luật đối với hành vi trồng và buôn bán cây cần sa.
Chí Nhân
Bình luận (0)