Trồng dâu theo công nghệ châu Âu

05/04/2013 09:50 GMT+7

Một lần lên TP.Đà Lạt nghỉ dưỡng, vô tình bị “mê hoặc” bởi trái dâu tây, vợ chồng anh Nghiêm Văn Minh - Nguyễn Thị Bích Thủy (TP.HCM) bỏ mọi dự tính khác rồi quyết định ở lại vùng đất này trồng dâu…

Trồng dâu theo công nghệ châu u
Vườn dâu thủy canh của gia đình anh Minh, chị Thủy đang cho thu hoạch 20 - 50 kg/ngày

Bất ngờ… thành nông dân

Nói như chị Thủy, trước khi quyết định ở lại Đà Lạt thuê đất để làm nông dân, cả 2 vợ chồng đều không biết chút gì về loài cây này cả, bởi chị làm du lịch còn chồng thì làm trong lĩnh vực phần mềm. Anh Nghiêm Văn Minh kể lại: “Năm 2010, tình cờ ở chợ Đà Lạt, mình thấy người ta bày bán trái dâu tây, nên mua ăn thử nhưng lại không thấy có mùi vị thơm ngon như được ăn ở bên Pháp (anh Minh từng sống và làm việc nhiều năm ở Pháp). Lấy làm lạ vì nghe nói dâu tây là trái cây đặc sản ở Đà Lạt nhưng sao lại không ngon, mình đi tìm hiểu rồi “dính” vào loại cây này với mong muốn tìm ra một giống dâu tây sạch cho Đà Lạt”.  

Nhớ lại có nhiều bạn bè là những chuyên gia nông nghiệp giỏi trong lĩnh vực trồng dâu ở bên Pháp, anh Minh liên lạc với họ và tìm hiểu về cây dâu tây. Anh cũng mất vài lần sang Pháp để trực tiếp đến các vườn dâu của họ tìm hiểu cách canh tác và xem chất lượng ra sao. Nhờ vậy, anh biết được cây dâu tây ở Đà Lạt tuổi thọ không cao, chỉ vài vườn tạm được, còn lại hầu hết nông dân trồng đều không mang lại hiệu quả. “Từ đó, mình hình thành nên ý tưởng có thể đưa giống dâu tây trực tiếp từ Pháp về trồng để khôi phục thương hiệu cho cây dâu tây sạch của Đà Lạt”, anh Minh cho biết. Thế là vợ chồng anh thuê nhà và Công ty Sinh học sạch đã ra đời để thuận tiện trong việc nhập giống, phân bón, giá thể trồng dâu.

Gần chục giống dâu tây từ bên Pháp đã được anh Minh đưa về Đà Lạt trồng thử và thời gian đầu bị thất bại liên tục. Quyết tâm làm cho bằng được, vợ chồng anh “gói” tất cả những gì mình có từ mẫu đất, cây dâu, trái dâu, đến cả giá thể trồng, phân bón và nước để gửi sang Pháp nhờ chuyên gia phân tích, tìm hiểu vì sao không thành công. Biết được kết quả, gia đình anh Minh lại nhập giống về trồng tiếp. Lúc này gia đình anh nhập phân bón từ Hà Lan và nhập giá thể từ Đức về trồng, nghiên cứu đối chứng và gần một năm sau vợ chồng “nông dân tay ngang” này đã thành công.

Dâu sạch

Nghiên cứu, chọn lọc, gia đình anh Minh – chị Thủy giữ lại 3 giống dâu Pháp phù hợp có tên Mara Des Bois, Charllot, Maika và tháng 6.2011 thuê đất ở xã Lát (huyện Lạc Dương) đầu tư 1 ha nhà kính để trồng. Ban đầu anh áp dụng công nghệ Pháp trồng dâu theo phương pháp thủy canh. Công nghệ tưới nhỏ giọt cũng được áp dụng để tưới nước, bón phân vào tận gốc và máy đo độ ẩm được gắn thường xuyên trong vườn…

Sau 2 tháng, kết quả đã đến với gia đình anh chị ngoài mong đợi khi vườn dâu cho năng suất cao, với trái dâu mềm, dẻo, mọng nước và thơm ngon. Chị Thủy cho biết: “Bình quân mỗi ngày thu hoạch từ 20 – 50 kg, thậm chí có ngày lên hơn 70 kg, và được bán với giá từ 160.000 – 200.000 đồng/kg tươi. Bên cạnh đó, chúng tôi đầu tư phòng nuôi cấy mô để nuôi cấy từ cây giống mẹ và xây dựng xưởng chế biến để sản xuất các loại si rô, mứt, rượu từ dâu tây. Tất cả sản phẩm (dâu tươi, si rô, mứt…) được thị trường chấp nhận và mang về doanh thu tiền tỉ mỗi năm”. Ngoài ra, được sự giúp đỡ của các chuyên gia Hà Lan, gia đình anh chị còn tiến hành trồng dâu tây trong chậu và kết quả cũng rất khả quan.

Tuy nhiên, theo anh Minh, vẫn còn một chút trắc trở khi trong vườn dâu có một số đang bị nhện đỏ gây hại. “Chúng tôi đang cách ly những cây dâu bị nhện đỏ gây hại để tìm cách khống chế và nghiên cứu phương pháp trị chúng. Ở Hà Lan người ta dùng thiên địch để trị nhện đỏ rất hiệu quả. Nhưng khi tôi tìm hiểu và liên lạc cơ quan chức năng để nhập những loài thiên địch của nhện đỏ về áp dụng trong vườn dâu thì “vấp” điều kiện: phải nghiên cứu 3 năm mới được nhập; như vậy thì quá khó khăn, mong sao sẽ có chính sách phù hợp hơn để giúp chúng tôi trong vấn đề này”, anh Minh tâm sự. 

 Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.