Trồng dưa lưới dưới chân núi Bà Đen

21/02/2017 16:25 GMT+7

Sau khi trừ hết chi phí, cứ 1.000 m 2 dưa lưới nhà màng được trồng theo công nghệ mới cho thu nhập 30-40 triệu đồng/vụ (mỗi năm 3 vụ) ở khu vực núi Bà Đen, Tây Ninh.

Những ngày đầu năm mới 2017, chúng tôi tìm đến nông trại dưa lưới dưới chân núi Bà Đen của ông Đoàn Việt Cường (ngụ khu phố Ninh Bình, P.Ninh Sơn, TP.Tây Ninh). Nông trại này được ông Cường đầu tư thử nghiệm 2 nhà màng (1.000 m2/nhà màng) để trồng dưa lưới theo mô hình công nghệ cao. Dẫn chúng tôi tham quan một vòng nông trại, anh Nguyễn Di Linh, cán bộ kỹ thuật nông trại, cho biết nông trại đang trồng 5 loại dưa lưới gồm: taki, sakura, kim long, hà lan và AB. “Mỗi loại có những đặc tính thơm, ngọt, giòn, năng suất khác nhau”, anh Linh chia sẻ.
Cũng theo anh Linh, mỗi nhà kính được chủ nông trại đầu tư khoảng 400 triệu đồng gồm khung nhà sắt và màng kính cách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Với cách trồng này, người trồng có thể chủ động điều chỉnh được thời tiết, độ ẩm, ngăn các loại sâu bệnh, côn trùng xâm nhập phá hoại và đặc biệt kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này giúp người trồng hạn chế được thấp nhất rủi ro cho mùa vụ.
“Thông thường người nông dân trồng dưa lưới ngoài ruộng trên các luống. Trồng cách truyền thống này dưa thường bị nám một bên do nằm dưới đất. Mặt khác năng suất không cao bởi cây dễ bị sâu bệnh, côn trùng tấn công, thậm chí là rụng trái vì sương muối”, anh Linh nói.
Song song đó, dưa lưới trồng trong nhà màng được tưới nước và bón phân (pha thành dạng lỏng) bằng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Cách này giúp tiết kiệm nước, phân bón vì cung cấp chất dinh dưỡng và lượng nước đến tận gốc, đúng nhu cầu trong từng giai đoạn sinh trưởng của cây.

tin liên quan

Thu tiền tỉ từ bưởi da xanh
Từ khi chuyển sang trồng bưởi da xanh, gia đình ông Đặng Văn Nám (ngụ xã Kế Thành, H.Kế Sách, Sóc Trăng) đã phất lên một cách nhanh chóng và trở thành tỉ phú ở địa phương với tổng thu nhập từ 3 - 4 tỉ đồng/năm.
Cây dưa lưới được trồng trên các bầu giá thể (trộn từ phân bò, tro, xơ dừa...), bên dưới là nền xi măng cách ly khỏi mặt đất. Mỗi cây được đặt cách nhau khoảng 20 cm. Sau khoảng 65 ngày thì dưa lưới được thu hoạch. Mỗi cây được cán bộ kỹ thuật để lại 1 trái, đạt từ 1,2 - 1,6 kg/trái. Anh Linh lý giải: “Khi loại bỏ được những trái nhỏ thì trái còn lại sẽ được cây tập trung chất dinh dưỡng tạo ra trái đều, đẹp, ngọt và thơm”.
Cũng theo anh Linh, do chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nên nhiều nông dân chưa có cơ hội áp dụng đại trà. “Nếu tính kỹ, nhà màng cùng hệ thống tưới hiện đại có thể sử dụng lâu (khoảng 10 năm) thì chỉ cần 2-3 năm đầu, người trồng có thể thu hồi vốn. Mặt khác, hệ thống điều khiển tự động giúp giảm bớt chi phí thuê nhân công chăm sóc”, anh Linh phân tích.
Hiện nay dưa lưới trên thị trường có giá bán từ 30.000 - 35.000 đồng/kg tùy thời điểm. Tất cả sản phẩm hầu hết được tiêu thụ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Mỗi vụ (65 ngày), với 2 nhà màng cho thu hoạch trung bình 6 tấn/vụ. Sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 80-100 triệu đồng.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó chủ tịch Hội Nông dân P.Ninh Sơn (TP.Tây Ninh), cho biết bước đầu mô hình trồng dưa lưới nhà màng theo công nghệ hiện đại mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm đạt chất lượng lại hạn chế được rủi ro cho người trồng. “Nếu mô hình này có điều kiện để áp dụng đại trà, chắc chắn rất nhiều nông dân sẽ có cơ hội làm giàu”, ông Phong khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.