Trong 'ma trận' tìm việc làm tết - Kỳ 2: 'Mua, bán' lao động

14/02/2015 05:40 GMT+7

(TNO) Cứ tết đến, cảm giác thèm được đón cái tết ở quê nhà cùng người thân, gia đình của những thanh niên xa quê vẫn luôn cháy bỏng nhưng, họ vẫn phải làm việc cật lực.

(TNO) Cứ tết đến, cảm giác thèm được đón cái tết ở quê nhà cùng người thân, gia đình của những thanh niên xa quê vẫn luôn cháy bỏng nhưng, họ vẫn phải làm việc cật lực.

Trong “ma trận” tìm việc làm Tết – Kỳ 2: Khát khao về quê ăn Tết 1Nhiều lao động làm việc không có đồ bảo hộ. Chuyện bỏng tay, bỏng chân là chuyện thường ngày
Vào “trung tâm giới thiệu việc làm miễn phí”, chúng tôi được bà H. giới thiệu rất nhiều công việc. Quan sát tờ giấy có ghi danh sách nơi cần tuyển, chúng tôi thấy đã cũ rích và dường như đã viết từ rất lâu.
Sau khi đọc qua, chúng tôi quyết định chọn việc làm bánh mì kèm theo lời hứa “ngày 29 tết sẽ được chủ cho về quê”.
Làm việc không ngừng nghỉ
Sau khi đồng ý với công việc mà “trung tâm giới thiệu việc làm miễn phí” giới thiệu, bà Huế bảo đưa chứng minh nhân dân và kêu con trai của mình chở đi giao cho bên “mua” lao động trên đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình với giá 500.000 đồng + 70.000 đồng tiền xăng).
Theo con trai bà H. những ngày cuối năm, cận tết lượng người vào trung tâm đông nhưng không bằng những ngày đầu năm, khi nhiều người từ các tỉnh lẻ đổ về tìm việc.
Đến nơi, nhận “lính” mới, người phụ nữ tên Ánh (khoảng hơn 40 tuổi) liền ngoắc tay ra hiệu: “Vào luôn, dẫn nó lên cất đồ, thay quần áo rồi xuống làm luôn đi!”. Con trai bà H nhanh chóng ký nhận với bà Ánh để nhận tiền “bán” lao động.
Trong quá trình làm việc, chúng tôi nhận thấy nơi làm việc nóng bức, phòng ngủ của lao động thì ẩm ướt với nhiều vật dụng vứt bừa bãi. Những lao động ở đây đều có độ tuổi từ 18 đến 25. Thời gian làm việc tính theo ca, mỗi ca 12 giờ đồng hồ (ca sáng: từ 8 - 20 giờ, ca tối từ 20 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau) với mức lương từ 2,7 đến 3 triệu đồng.
Tần suất lao động khá lớn nên nhìn những lao động ở đây đều hốc hác, nhiều vết trầy xước trên cơ thể vẫn còn nguyên vì trong quá trình làm việc không có đồ bảo hộ.
Đang mắt nhắm, mắt mở vì ca trực suốt đêm qua nhưng một lao động làm bánh bông lan phải cố thức giấc để tăng ca cho kịp hàng giao tết. Bà chủ phải liên tục thúc giục vì nhiều lao động dường như vẫn còn “thèm ngủ” và chưa thức dậy nổi để làm.
Sau khi có mặt vào lúc 11 giờ ngày 1.2, chúng tôi liền bắt tay vào các công việc làm bánh mì như: nhồi bột, bỏ bánh vào khuôn ép, tưới nước cho bánh... và làm việc liên tục, không ngừng nghỉ. Hơn 13 giờ cùng ngày, nhiều lao động đói cồn cào, trông ngóng đến giờ ăn vì đã làm việc suốt nhiều giờ liền. Đến 13 giờ 30, mới có cơm ăn. Người thì ngồi góc bàn nơi ép bánh, kẻ thì đứng, lủi thủi ăn vội phần cơm vì ai cũng mệt lả vì đói.
Sau bữa cơm trưa, nghỉ ngơi chỉ chừng 10 phút, tất cả lại quay vào với công việc đến tận hết ca.
Khát khao tết quê

Cháu điện thoại cho bà H. (chủ môi giới) đổi lao động khác chứ cô không biết, còn không thì đưa 570.000 đồng là tiền cô “mua” từ bà H rồi muốn đi đâu thì đi

Ánh, chủ tiệm bánh mì

 

Theo khảo sát của chúng tôi, những “trung tâm môi giới việc làm” xuất hiện với số lượng đông đảo trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt đa số tập trung ngay các cửa ngõ của thành phố như: bến xe An Sương (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) và bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh).
Những trung tâm này thường móc nối với các chủ nhà xưởng, cửa hàng trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận để “bán”, “mua” lao động, mà chủ yếu là người trẻ từ quê lên phố tìm việc. Tính số giờ lao động và tính chất công việc, các lao động này thường bị trả công rất rẻ, có khi lại bị “dính” mãi với việc nặng nhọc, không thể dứt được.
Tại lò bánh mì chúng tôi làm việc, tết gần đến, niềm khát khao được về quê, ăn cái tết với gia đình, người thân lại mãnh liệt với nhiều thanh niên. Trong “vòng xoáy của việc làm ngày tết, về quê dường như chỉ còn là giấc mơ mà họ chỉ biết ấp ủ…
Sơn (21 tuổi, quê ở Nghệ An) thổ lộ: “Tôi cũng mới làm được 20 ngày công, chắc tết năm nay không về quê được. Chủ họ bảo làm 3 tháng mới khấu trừ hết số tiền xã hội (ý nói tiền người chủ “mua” lao động từ môi giới), mà tới lúc đó cũng qua tết rồi, cũng buồn lắm nhưng đành chịu chứ biết sao”.
Làm việc từ 11 giờ trưa đến 16 giờ cùng ngày, chúng tôi dường như không thể cầm cự nổi nên đành xin bà Ánh cho nghỉ việc.
Với vẻ dè bỉu, bà chủ nói: “Cháu điện thoại cho bà H. (chủ môi giới) đổi lao động khác chứ cô không biết, còn không thì đưa 570.000 đồng là tiền cô “mua” từ bà H. rồi muốn đi đâu thì đi”.
Sau khi đưa khoản tiền cho bà Ánh, mang ba lô ra về, chúng tôi nhận được ánh mắt “thèm muốn” của một lao động tên Nguyện (25 tuổi, quê Trà Vinh). Nguyện nói: “Tui cũng đang rất muốn về quê đây nhưng mà… chưa có tiền, ông sướng thật!”.
Hỏi ra thì được Nguyện cho biết chỉ mới làm việc ở đây mấy ngày, Nguyện cũng xin việc thông qua môi giới tại một “trung tâm giới thiệu việc làm” ở bến xe Miền Tây.
“Nhớ nhà lắm nhưng không về quê ăn tết được rồi, cũng không dám… hy vọng gì nữa! Thôi thì ráng làm ít tháng nữa rồi được tự do, chắc về quê kiếm gì làm chứ làm trên thành phố kiểu này thì không ngóc đầu lên nổi…”, Nguyện chia sẻ.
Với Nguyện, hay những người thanh niên niên khác trong lò bánh mì của bà Ánh, Tết dường như ở rất xa đối với họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.