Trồng mắc ca tập trung thành vùng lớn, doanh nghiệp dễ thu mua, chế biến sâu

24/07/2022 13:43 GMT+7

Cây mắc ca phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở Việt Nam, giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để hiệu quả cần phát triển thành vùng tập trung để doanh nghiệp dễ thu mua nguyên liệu, chế biến sâu các sản phẩm từ mắc ca.

Trồng mắc ca cho thu nhập cao hơn cà phê, hạt tiêu, hạt điều

Ngày 22.7, tại Lâm Đồng, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 20330, theo quyết định Thủ tướng Chính phủ ở khu vực miền Trung, Tây nguyên.

Ông Trần Ngọc Bảo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phan Hậu

Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, năm 2005 - 2006, tỉnh này trồng thử nghiệm mắc ca trong thời gian ngắn, diện tích phát triển nhanh.

Năm 2016, Lâm Đồng có 980 ha và đến năm 2021 tăng lên 7.384 ha (gấp 7,5 lần so với năm 2016, chiếm gần 40% tổng diện tích cả nước), trong đó 1.696 ha đang cho thu hoạch, sản lượng quả khô trên 3.084 tấn. Khởi đầu từ con số “0” năm 2016, đến nay Lâm Đồng có 36 doanh nghiệp, hợp tác xã và 5 chuỗi liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ mắc ca.

“Chúng tôi có kế hoạch mở rộng trồng xen canh trên 175.000 ha cà phê. Diện tích cà phê không hiệu quả sẽ chuyển sang trồng mắc ca. Mục tiêu năm 2030, Lâm Đồng có 20.000 ha, sản lượng trên 30.000 tấn và thu hút doanh nghiệp đầu tư một nhà máy chế biến công nghiệp quy mô lớn”, ông Châu nói.

Phó chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam Nguyễn Lân Hùng và các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm chế biến từ mắc ca bên lề hội nghị

Phan Hậu

Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho hay, trong số 2.147 ha mắc ca hiện nay, 75% diện tích trồng xen với cây trồng khác. Qua đánh giá, mắc ca trồng xen cà phê, hồ tiêu, điều mật độ 100 - 150 cây/ha cho thu hoạch khoảng 1,2 - 2,5 tấn/ha/năm. Giá thu mua 70.000 - 120.000 đồng/kg hạt chưa qua chế biến, nông dân thu nhập thêm từ 84 - 300 triệu đồng/năm.

Nếu trồng xen cây công nghiệp ngắn ngày, mật độ như trồng thuần từ 180 - 250 cây/ha thì năng suất đạt 1,5 - 3,7 tấn/ha, doanh thu 100 - 440 triệu/ha/năm. Cây mắc ca trồng thuần cho thu nhập cao hơn nhiều so với cây cà phê, tiêu, điều nên tỉnh Gia Lai khuyến khích trồng xen vào công nghiệp lâu năm vừa tăng thêm thu nhập, vừa giảm bớt rủi ro biến động giá cả, thị trường của cây độc canh.

Kiểm soát chặt chẽ, chế tài mạnh cơ sở bán giống rởm

Cũng tại hội nghị, nhiều nông dân, nhà vườn bày tỏ lo ngại thị trường vẫn còn nhiều giống “rởm” và đầu ra của mắc ca.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, địa phương này chưa có vườn cây giống đầu dòng, chỉ có 2 cơ sở cung cấp giống tại các huyện Kbang và Ia Grai. Nhiều nông dân vẫn mua phải giống “rởm” ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

Mô hình trồng xen nghệ xen khi chờ mắc ca ra quả của ông Nguyễn Lên (H.Sơn Tây, Quảng Ngãi) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Phan Hậu

Ông Lê Thanh Sơn, đại diện tổ hợp tác Liliang (xã Gung Ré, H.Di Linh, Lâm Đồng) phản ánh, mua phải cây giống thực sinh trồng 8 - 10 năm mới ra quả nhưng không chất lượng, còn giống chuẩn trồng 2 - 3 năm là có quả bói. Đáng lo ngại, một số dự án hỗ trợ cho dân cũng có cây giống “rởm”. “Năm 2020, người dân phát hiện dự án hỗ trợ giống nhưng giống không nguồn gốc rõ ràng nên nhất quyết không nhận”, ông Sơn nói.

Phó chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam Nguyễn Lân Hùng nhấn mạnh, triển khai đề án của Chính phủ, nhu cầu cây giống tăng mạnh, nếu nông dân mua phải giống “rởm” thiệt hại sẽ rất lớn. Các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ khâu sản xuất và phân phối giống, có chế tài mạnh, xử lý nghiêm hành vi bán giống “rởm” ngăn ngừa rủi ro cho nông dân.

Qua kinh nghiệm phát triển cây mắc những năm qua, ông Hùng nhấn mạnh, phải chú trọng liên kết “4 nhà”: Nhà nước - Nhà nước - Nhà đầu tư (doanh nghiệp) - Nhà khoa học. “Nhà nước tạo cơ chế thúc đẩy phát triển. Nhà nông sử dụng đất đai, lao động để sản xuất. Doanh nghiệp đầu tư vốn, thu mua, công nghệ chế biến và kết nối thị trường, nhà khoa học nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật cho nhà nông, doanh nghiệp. Hiệp hội Mắc ca Việt Nam là cầu nối liên kết các nhà”, ông Hùng nói.

Tổng thư ký Hiệp hội mắc ca Việt Nam Huỳnh Ngọc Huy khẳng định trước các đại biểu hội nghị, không cần lo lắng đầu ra cho mắc ca

P.Hậu

Ông Trần Quang Bảo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho rằng kết quả khảo nghiệm khẳng định mắc ca phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam và thành công bước đầu về diện tích, quy mô trồng, thu hút doanh nghiệp đầu tư. Để phát triển mắc ca thành ngành hàng theo chuỗi, chế biến sâu, giá trị lớn, ổn định và bền vững như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì còn nhiều vấn đề. Đặc biệt, ở khâu tổ chức sản xuất có vai trò rất lớn của địa phương, làm sao để trồng mắc ca tập trung, thành vùng nguyên liệu lớn, không nhỏ lẻ manh mún như nhiều cây trồng khác sẽ khó kiểm soát chất lượng.

“Các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai đề án của Thủ tướng Chính phủ thì yếu tố quan trọng nhất là rà soát quỹ đất thích hợp để trồng mắc ca. Từ thành công của Lâm Đồng, địa phương nào làm kỹ, tính toán vùng nào trồng được, hiệu quả đến đâu, có đánh giá chi tiết giống như một bản thiết kế kỹ thuật, đặt mục tiêu cho từng giai đoạn, chế biến ra sao, nguồn vốn huy động ở đâu, phải cụ thể như thế thì khi triển khai sẽ sát thực, khả thi”, ông Bảo gợi ý.

Trong nước chưa có đủ ăn thì không lo lắng đầu ra

Chia sẻ tại hội nghị, ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, khẳng định đầu ra của mắc rất tốt, nhu cầu rất lớn khi cung không đủ cầu. Người tiêu dùng thế giới đi theo hướng ăn hạt nhiều hơn, dải sản phẩm chế biến rất lớn như làm thực phẩm, chiết xuất tinh dầu, dầu ăn, mỹ phẩm…

Hiệp hội Hạt quả khô thế giới dự báo, đến năm 2030, sản lượng mắc ca toàn thế giới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu. Ngay ở Việt Nam, sản lượng cũng chưa đủ nhu cầu tiêu thụ, vào dịp Tết nguyên đán muốn mua mắc ca cũng khó. Các cơ sở chế biến nhỏ lẻ thôi cũng chỉ hoạt động 3 tháng là hết nguyên liệu.

“Doanh nghiệp nước ngoài đặt vấn đề, sẵn sàng bao tiêu toàn bộ mắc ca Việt Nam nhưng sau 2025 mới có hàng xuất khẩu. Trong nước bây giờ vẫn chưa đủ ăn thì bà con trồng mắc ca cứ yên tâm, không lo lắng về đầu ra”, ông Huy nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.