Cha mất, học hành dang dở, học nghề gần xong thì công ty giải thể... Nếu như không có loạt biến cố này hẳn Trọng Nghĩa đã không trở thành 'chàng trai bán kẹo kéo', đi hát rong ngoài đường phố và gây ra scandal 'giành gà' ồn ào gần đây.
Kỳ 1: Những tháng ngày hát rong
Cho đến thời điểm hiện tại, khán giả chưa biết nhiều về Trọng Nghĩa ngoài những thông tin ít ỏi như: 22 tuổi, quê ở Đồng Nai, hoàn cảnh gia đình khó khăn, đi hát dạo kiếm sống qua ngày rồi bất ngờ gây chú ý nhờ có giọng hát giống một ca sĩ hải ngoại. Và gần đây là loạt hình ảnh "chàng trai bán kẹo kéo" lột xác sau khi "đại tu nhan sắc".
iHay.vn đã hẹn gặp Trọng Nghĩa sau khi anh phẫu thuật khoảng 2 tuần tại Bệnh viện thẩm mỹ Hiệp Lợi (Q.8 TP.HCM). Không chỉ vui vẻ nhận lời hẹn phỏng vấn, Trọng Nghĩa còn đưa phóng viên iHay.vn "về nhà chơi cho biết" vì "vườn nhà trái cây đang nhiều lắm".
Trong khoảng hai tiếng đồng hồ di chuyển từ TP.HCM về Đồng Nai, "chàng trai bán kẹo kéo" tíu tít khoe vườn nhà ngoại mùa này đang sai trái, chôm chôm, sầu riêng nhiều đến mức bán và ăn không xuể. Thế nhưng, khi phóng viên đặt câu hỏi về đến nhà việc đầu tiên anh sẽ làm là gì thì giọng của Trong Nghĩa bỗng chùng xuống.
Anh nói: "Tôi sẽ thắp cho ba nén nhang. Nếu chị có chụp ảnh thì chụp cho tôi đẹp nhé. Tôi muốn được chụp tấm ảnh kỷ niệm như vậy".
Ba là người gieo niềm đam mê ca hát
Trọng Nghĩa kể ba anh có giọng ca "nghe cũng hay", mỗi lần hàng xóm có đám tiệc hoặc hát karaoke, mọi người thường rủ ông đi cùng để khuấy động không khí. Dù được nhiều người yêu thích và nhận xét có chất giọng giống ca sĩ Mạnh Quỳnh, ba Trọng Nghĩa chỉ say sưa hát hò trong những buổi tiệc của hàng xóm láng giềng và trên những chuyến đường chở hàng cùng cậu con trai Trọng Nghĩa.
"Tôi nhớ những ngày cùng ba trên xe tải. Ông ngồi lái xe, nghe nhạc sến rồi ngân nga hát theo. Khi đó, tôi còn là một cậu nhóc chưa biết gì, còn cầm đồ chơi lóc chóc ngồi kế bên. Cũng có khi tôi hát cùng ông. Có lẽ, do nghe ông hát và nghe nhiều nhạc sến nên những bản nhạc trữ tình tự động thấm vào người, rồi tôi biết hát từ lúc nào cũng không hay", Trọng Nghĩa trải lòng.
Ông ngoại Trọng Nghĩa cũng từng theo nghề hát cải lương, một thời đi biểu diễn khắp các tỉnh thành miền Trung và miền Tây với nghệ danh là Minh Thành. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, gánh hát tan rã nên ông ngoại của Trọng Nghĩa đã về huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai làm vườn, lập nghiệp. Mẹ của "giọng ca Đan Nguyên đường phố" - bà Phương Mai cũng được con trai khen hát hay.
"Tôi nghe người lớn nói lại, ba không có ngoại hình đẹp nhưng vẫn cua được mẹ vì được cái biết đờn và hát nhạc sến nghe rất mùi. Mẹ cũng biết nhạc nên cả hai thường song ca cùng nhau, cũng có khi ba chỉ đờn thôi để mẹ hát. Từ đó mà hai người nảy sinh tình cảm rồi tiến đến hôn nhân. Nói chung, trong nhà ai cũng biết hát, chỉ có em gái tôi là không có năng khiếu này thôi", Trọng Nghĩa cười nói.
Nhắc về ba, Trọng Nghĩa nhớ nhất là những trận đòn "bầm da" vì tội trốn học đi chơi game: "Ba thương tôi nhưng cũng khó tính lắm. Vì cuộc đời ông khổ nên ông sợ tôi và em gái cũng khổ như ông. Đi làm có bao nhiêu tiền ông cũng để dành cho chúng tôi đi học. Nhưng hồi đó tôi còn nhỏ, đâu có nghĩ nhiều, hiểu nhiều được tâm sự của ba. Tôi mê chơi dữ lắm, thường hay cúp học, cùng bạn bè đi chơi game. Mỗi lần bắt được, ông đều đánh tôi rất đau...", Trọng Nghĩa bỏ lửng câu nói vì xúc động.
Về đến nhà, đôi mắt anh đỏ hoe khi nhìn lên bàn thờ ba. Trọng Nghĩa nói cái khoảnh khắc anh cầm số tiền 20 triệu đồng được Quang Lê cho về đưa cho mẹ khiến anh xúc động đến mức tay chân run rẩy, nói chẳng nên lời.
"Bên ngoài người ta nói về tôi đủ thứ hết. Tôi cũng không dám biện hộ cho mình điều gì. Nhưng tôi muốn mọi người biết khi tôi còn là một đứa đi hát dạo đường phố, động lực cho tôi là gia đình, là mẹ và em gái. Khi tôi có cơ hội gặp các đàn anh nổi tiếng và những chuyện xảy ra sau đó, động lực để tôi vượt qua cũng là gia đình. Còn bây giờ, tôi nghĩ đến ba nhiều nhất. Khi tôi sắp có được những thứ sáng sủa hơn cuộc sống hiện tại thì ông đã không còn...", Trọng Nghĩa trải lòng sau khi thắp nén nhang trên bàn thờ ba.
Trọng Nghĩa và ông ngoại
|
Trọng Nghĩa trên đường mưu sinh
|
Suýt trở thành thợ sửa ô tô
Mẹ Trọng Nghĩa cho biết con trai bà có năng khiếu từ nhỏ nhưng gia đình chưa bao giờ nghĩ đến chuyện cho đi thi hát vì nghĩ cái nghề đó cũng cực khổ và họa hoằn lắm mới có thể nổi tiếng. Ngay cả Trọng Nghĩa cũng chưa bao giờ nghĩ anh sẽ trở thành ca sĩ.
"Giờ ngồi nghĩ lại, nếu như tôi không có những biến cố trong cuộc sống. Chắc có lẽ, tôi cũng không có cơ duyên gặp các đàn anh nổi tiếng trong làng nhạc Việt. Tất cả những điều đã qua thì cũng đã qua rồi, mình có muốn thế nào cũng không có cách gì thay đổi được. Nhưng nếu có thể, tôi sẵn sàng đánh đổi những thứ mà người ta cho là tốt đẹp ở hiện tại để có được một gia đình trọn vẹn, đầy đủ như xưa", "chàng trai kẹo kéo" chia sẻ.
Trọng Nghĩa kể khi anh học lớp 12, ba bất ngờ nhập viện, được bác sĩ chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày. Cầm cự một thời gian, cuối cùng ông không qua khỏi. Ba mất, việc học hành của hai anh em Trọng Nghĩa cũng bị gián đoạn. Khi đó, Trọng Nghĩa mới 18 tuổi, còn chưa kịp hiểu hết những bất trắc vừa xảy ra đã phải bước vội vào con đường mưu sinh, kiếm sống.
Sau khi nghỉ học, "Đan Nguyên đường phố" học nghề sửa chữa ô tô ở một công ty gần nhà. Thế nhưng, khi anh học nghề gần xong, công ty giải thể. Trở về nhà với hai bàn tay trắng, Trọng Nghĩa không đành lòng để cả nhà phải tiếp tục sống cảnh "thiếu trước, hụt sau" nên anh đã xin phép mẹ được đi theo một người hàng xóm hát dạo và bán kẹo kéo. Sau một thời gian dành dụm, anh gom tiền mua thùng nhạc và tự đi bán riêng cùng với người anh họ Minh Khánh.
Hơn 3 năm trời, Trọng Nghĩa rong ruổi với nghề đi hát dạo kiếm sống. Anh đi khắp các hàng quán của thị xã Long Khánh (Đồng Nai). Có những đêm mưa gió, người ướt sũng, lạnh tê da tím thịt nhưng "Đan Nguyên đường phố" vẫn chỉ lo cho cái thùng nhạc vì lỡ bị hư thì ngày mai biết sống làm sao. Đó là những ngày tháng mà nhắc lại, Trọng Nghĩa chỉ thấy nghẹn lòng và rưng rưng khó tả.
Trọng Nghĩa trong những ngày lang thang đây đó hát dạo bán kẹo kéo mưu sinh - Ảnh: Nhân vật cung cấp
"Hồi đầu, tôi còn tự chở thùng nhạc đi hát dạo nhưng sau này chỉ toàn đi thuê ngoài thị xã để hát xong mình trả cho người ta luôn, khỏi phải lo giữ gìn, bảo quản. Thùng nhạc rất dễ bị hư, dính nước một chút là coi như xong 4 triệu. Chưa kể, những lần đi hát về khuya, chở nó mà mình cứ phập phồng, lo sợ bị cướp", Trọng Nghĩa nói.
Tuy chưa xui rủi gặp cướp lần nào nhưng Trọng Nghĩa đã nhiều lần đi hát và trở về trắng tay. Anh kể, đó là những ngày mưa tầm tã, người co ro ướt sũng, bụng đói cồn cào nhưng chỉ biết phóng xe cho nhanh về đến nhà, chứ chẳng dám ghé vào hàng quán ăn gì bởi "túi không còn một xu".
"Cuộc sống đi hát rong, có những lúc được trời thương, mình gặp nhiều người khách hào phóng cho nhiều lắm. Nhưng cũng có lúc, đi hát suốt cả tối cũng không ai cho tiền, mua kẹo. Hát ế vậy đó mà về phải trả tiền thuê thùng nhạc (khoảng 200 ngàn đồng). Những lúc như vậy mà còn gặp hôm trái gió, trở trời là buồn thúi ruột luôn", Trọng Nghĩa trải lòng.
(còn tiếp)
Bình luận (0)