Theo nhật báo Kompas (Indonesia), khó có thể tưởng tượng khu đồi xanh mướt những hàng keo và tràm ở phía nam đảo Sumatra trước đây là một mỏ than khổng lồ, cằn cỗi, với những hố sâu hun hút. Nhưng sau khi ngưng khai thác vào đầu thập niên 1990, Công ty mỏ PT Bukit Asam đã có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ cho việc cải tạo khu vực này.
Cách đó không xa là mỏ Air Laya, quang cảnh hoàn toàn trái ngược với một hố lõm rộng 3.350 ha và sâu 110 mét. Tuy nhiên, xung quanh đó có sự sắp xếp rất đáng chú ý: từng lớp than được xếp xen kẽ với lớp đất màu nâu đỏ, mỗi lớp dày đến 8 mét. Đây chính là “chiến lược” mà hãng PT Bukit Asam đã áp dụng hàng chục năm trước đây tại khu mỏ cũ, giờ là vùng rừng nhân tạo xanh tốt. Báo Kompas dẫn lời ông Achmad Sudarto - một lãnh đạo của công ty, cho biết: “Ngay từ khi bắt đầu việc khai thác, chúng tôi đã “để dành” ở bên cạnh những lớp đất phía trên của mỏ than để sau này có thể dùng lại”. Sau khi dùng chính phần đất “cất sang một bên” này để lấp mỏ than, PT Bukit Asam đã cho bón các loại phân sinh học nhằm “kích hoạt” lại sự màu mỡ của khu vực. Nếu không có kế hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng, ngay cả một cọng cỏ cũng không thể mọc ở các hố sâu rất nghèo dinh dưỡng của khu mỏ “hết hạn sử dụng”.
|
Việc khai thác khoáng sản thường ảnh hưởng xấu đến môi trường, nhưng nếu mọi công ty đều có kế hoạch cải tạo đất thì ít nhất cũng sẽ giúp “băng bó” vết thương cho thiên nhiên. Thậm chí, trong trường hợp khu đồi keo-tràm nhân tạo của PT Bukit Asam, tình trạng còn trở nên tốt hơn so với trước khi khai thác. Ông Sudarto khẳng định: “Lúc công ty chúng tôi chưa hoạt động, vùng này rất cằn cỗi, hầu như chỉ có cỏ dại mọc bừa nhưng nay đã trở thành một khu đồi cây cối tốt tươi”.
Nhiều khu mỏ cũ của PT Bukit Asam cũng đang trong quá trình cải tạo đất để trồng rừng. Vẫn là tên tuổi lớn trong ngành khai khoáng với sản lượng 12,9 triệu tấn than trong năm 2010 nhưng công ty này đã chứng tỏ được chiến lược kinh doanh “xanh” và được Bộ Môi trường Indonesia khen thưởng. Từ nhiều năm qua, PT Bukit Asam đã trích 4.200 rupiah (gần 10.000 đồng) ở mỗi tấn than thành phẩm để tạo kinh phí cho các kế hoạch cải tạo đất khá đắt đỏ của mình. Nhờ vậy, đến nay, quỹ “xanh” của hãng đã tích lũy được khoảng 200 tỉ rupiah (469 tỉ đồng). PT Bukit Asam bắt đầu tính đến việc cải tạo những khu mỏ đã hết sử dụng ở gần nhau thành một khu rừng nhân tạo rộng 5.394 ha để dân chúng trong vùng có thể cắm trại, du khảo vào năm 2043.
Riêng mỏ Air Laya trữ lượng than còn đến hàng tỉ tấn và việc khai thác vẫn tiếp tục trong hơn 10 năm nữa. Nhưng hãng PT Bukit Asam đã có kế hoạch biến hố sâu hàng trăm mét tại đây thành hồ nhân tạo với lời cam kết “sẽ không để lại những vùng đất chết”.
Những dự án môi trường của PT Bukit Asam thật sự là điểm sáng trong bối cảnh còn khá “đen tối” của ngành khai thác than Indonesia. Theo Kompas, vẫn còn rất nhiều công ty của nước này làm ngơ các vấn đề môi trường, để lại hàng loạt “vết thương hở miệng” trên những vùng mỏ cũ. Mọi việc còn trở nên khó kiểm soát hơn khi chính quyền các tỉnh địa phương hiện đã được quyền cấp phép khai khoáng cho các công ty tư nhân.
Lan Chi
Bình luận (0)