Xe

Trong sao ngoài vậy

20/06/2018 15:00 GMT+7

Thủ tướng Đức Angela Merkel mới chỉ thoát hiểm chứ chưa qua được họa sau khi đảng Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) trong chính phủ liên hiệp cầm quyền cho thêm 2 tuần để có giải pháp mới tại EU về người tị nạn.

CSU chủ trương ngăn những người từng xin tị nạn hoặc không được chấp nhận tị nạn ở các thành viên khác của EU. Cách này trái với chính sách chung của EU và chủ ý của bà Merkel.
Vấn đề ở chỗ CSU công khai tỏ ra bất phục tùng bà Merkel, thậm chí còn thách thức quyền lực của bà bằng việc đưa ra tối hậu thư và điều kiện mà chấp nhận hay không đều tai hại đối với uy danh và thể diện của nữ thủ tướng. Trong mọi trường hợp, vị thế quyền lực của bà Merkel đều suy giảm.
Ở bên ngoài, EU cũng bị đẩy vào tình trạng tương tự. Không ít thành viên khác của EU chủ trương đi "con đường riêng" chứ không chấp nhận "cách giải quyết chung" trong vấn đề người tị nạn. Đây không chỉ là bất đồng quan điểm giữa các thành viên với EU và sự phân hóa nội bộ sâu sắc mà còn là chuyện thành viên thách thức quyền lực của khối.
Đức có vai vế và uy thế lớn trong EU, mà bà Merkel tuy chưa mất thế nhưng cũng đã thất thế đáng kể nên chẳng khác gì trao cơ hội cho những thành viên kia quyết tâm đối đầu quyền lực với EU.
Vấn đề người tị nạn giờ đây trở nên vừa thời sự với EU, lại vừa có thể tác động mang tính quyết định đối với tương lai khối này và số phận chính trị của bà Merkel ở Đức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.