Trọng tài chờ... tiền

04/01/2012 14:29 GMT+7

(TNO) Sau 3 vòng đấu thuộc hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, các trọng tài vẫn phải dùng tiền riêng để làm việc chung.

(TNO) Sau 3 vòng đấu thuộc hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, các trọng tài vẫn phải dùng tiền riêng để làm việc chung.  

Theo thông tin từ giới trọng tài, bắt đầu từ mùa giải 2012, đại diện Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) đã thông báo, trong tài khoản thẻ visa debit (thẻ ghi nợ quốc tế kết nối với tài khoản tiền gửi thanh toán) của mỗi trọng tài tham gia nhiệm vụ ở giải Ngoại hạng VN (Super League) sẽ có khoảng 40 triệu đồng (giải hạng Nhất là 26 triệu đồng).

>> Hài lòng với màn ra mắt của Super League 2012
>> Cuộc chiến bản quyền truyền hình: Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch vào cuộc

Đây được coi là tiền VPF tạm ứng trước cho trọng tài trong quá trình di chuyển làm nhiệm vụ, nhưng để lấy được tiền, các trọng tài phải viết giấy đề nghị thanh toán chuyển cho giám sát trọng tài và giám sát sẽ lưu lại toàn bộ số liệu và gửi về cho Ban tổ chức (BTC) giải. Sau đó, các trọng tài sẽ ra máy ATM rút theo số tiền đề nghị và cứ như thế BTC giải sẽ chuyển tiền vào tài khoản cho các trọng tài ở tháng tiếp theo (nếu các trọng tài rút quá số tiền được chi trả sẽ bị tính lãi).

“Tuy nhiên, hiện trong tài khoản của chúng tôi vẫn chưa có một đồng nào, như vậy toàn bộ các trọng tài và trợ lý trọng tài làm nhiệm vụ ở hai vòng đấu Cúp Quốc gia và vòng một Super League cũng như giải hạng Nhất 2012 vẫn chưa nhận được tiền công làm nhiệm vụ và tiền đi lại”, một trọng tài (xin giấu tên) tiết lộ.

Theo thông báo của VPF trước đó, lương các trọng tài cũng tăng gấp 3-5 lần so với các mùa giải trước. Cụ thể, trọng tài chính bắt 1 trận Super League sẽ được trả 8 triệu đồng, 2 trợ lý và trọng tài bàn nhận 5 triệu đồng/người; ở cúp Quốc gia và giải hạng Nhất, thu nhập tương ứng là 5 triệu và 3 triệu đồng/người, tùy vào vị trí đảm đương.

Riêng tiền ăn uống đi lại trong 4 ngày cầm còi được nâng lên mức phí 500.000 đồng mỗi ngày, riêng 3 ngày không cầm còi sẽ được chi tầm 100.000 đồng tiền ăn. Với các khoản này, một trọng tài được xem là “sống được” với nghề của mình.

Trao đổi với Phó ban trọng tài VPF Đoàn Phú Tấn, ông cho biết: “Đúng là tiền làm nhiệm vụ, di chuyển đi lại, ăn ở của các trọng tài làm nhiệm vụ trong hai trận cúp Quốc gia, Super League và hạng Nhất 2012 vẫn chưa được chi trả. Hiện tại các trọng tài đều phải ứng tiền nhà đi làm, sự chậm trễ này là do bên VPF, còn lý do như thế nào thì tôi không được biết...”.

Bảo Nghi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.