Báo cáo trên mang tên “Trung Quốc hiện đại hóa hải quân: Gợi ý cho khả năng của hải quân Mỹ”. Theo đó, Lầu Năm Góc nhận định Bắc Kinh đang hiện đại hóa dựa trên chiến lược chống tiếp cận nhằm đẩy lùi sự hiện diện của hải quân Mỹ ở tây Thái Bình Dương. Chiến lược này nhằm đảm bảo khả năng thắng lợi cho Trung Quốc đại lục trong trường hợp xảy ra xung đột với Đài Loan. Đồng thời, chương trình hiện đại hóa của hải quân Trung Quốc còn hướng đến các mục tiêu sau: tăng cường tuyên bố chủ quyền trên biển Đông và biển Hoa Đông, thay thế ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh vai trò cường quốc…
|
Theo Lầu Năm Góc, kế hoạch hiện đại hóa hải quân của Bắc Kinh đang dần đặt trọng tâm vào các lớp tàu mới để thay thế những thế hệ cũ. Vì thế, số lượng của từng loại chiến hạm có thể không tăng thêm trong tương lai nhưng chúng được thay thế bằng các lớp tối tân hơn. Ví dụ số lượng tàu khu trục của Trung Quốc từ nay đến năm 2020 được dự báo sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ dần thay thế lớp 051 bằng các lớp mới hơn, đặc biệt là 052C và 052D. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đặc biệt chú trọng tăng cường cả số lượng lẫn phát triển tàu ngầm thế hệ mới. Bên cạnh đó, sở hữu tàu sân bay được đóng mới hoàn toàn cũng là mục tiêu đến năm 2020 của Trung Quốc.
Tàu ngầm
Sau khi mua 12 tàu ngầm lớp Kilo từ Nga hồi thập niên 1990, Trung Quốc nhanh chóng giới thiệu lớp tàu ngầm nội địa mới mang tên Nguyên, còn gọi là lớp 041. Theo Lầu Năm Góc, tàu lớp Nguyên sẽ giữ vai trò nòng cốt trong kế hoạch phát triển tàu ngầm phi hạt nhân mà Bắc Kinh đang theo đuổi. Bị xem là sản phẩm sao chép từ lớp Kilo và Lada đều của Nga, tàu ngầm lớp Nguyên có độ choán nước khoảng 4.000 tấn, được trang bị 6 ống phóng ngư lôi và có thể phóng một số loại tên lửa.
|
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đang tập trung phát triển tàu ngầm lớp Tấn, sử dụng năng lượng hạt nhân. Được xem là khí tài tấn công chiến lược của Trung Quốc, tàu ngầm lớp Tấn (còn gọi là lớp 094) có độ choán nước 8.000 tấn, tầm hoạt động không giới hạn nhờ sử dụng động cơ năng lượng nguyên tử. Ngoài ra, loại tàu này được trang bị ống phóng ngư lôi và có thể mang theo tên lửa đạn đạo tầm xa và liên lục địa. Gần đây, chuyên gia Tetsuo Kotani, thuộc Học viện Các vấn đề quốc tế Nhật Bản, nhận định rằng Bắc Kinh muốn độc chiếm biển Đông nhằm đưa các tàu ngầm lớn ra Ấn Độ Dương. Xa hơn, Bắc Kinh đang phát triển tàu ngầm lớp Đường (096) là thế hệ kế tiếp của lớp Tấn.
Ngoài ra, Trung Quốc còn đang xúc tiến kế hoạch đóng tàu ngầm loại 095 sử dụng năng lượng hạt nhân thay thế cho loại 093 (còn gọi là lớp Thương), vốn có độ choán nước khoảng 6.000 - 7.000 tấn.
Các loại tàu nổi khác
Giống như tàu ngầm, theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc cũng tăng cường phát triển thêm nhiều thế hệ tàu khu trục khác sau khi mua 2 chiếc khu trục hạm lớp Sovremenny của Nga vào năm 1996. Từ đó đến nay, Bắc Kinh tung ra đến 5 lớp tàu khu trục tối tân là 052, 051B (Lư Dương 1), 052C (Lư Dương 2), 051C (Lư Châu). Trong số này, lớp 052C được xem là loại khu trục hạm chủ lực của Trung Quốc vào những năm tới. Loại tàu này có độ choán nước khoảng 7.000 tấn, tốc độ tối đa đạt 30 hải lý/giờ (50 km/giờ) và sở hữu nhiều loại khí tài như: tên lửa đối không HQ-9, tên lửa chống tàu chiến C-805 và C-602, tên lửa tấn công mặt đất… Tuy nhiên, Bắc Kinh không chỉ dừng lại với 052C mà còn đang phát triển tàu khu trục tàng hình lớp 052D có độ choán nước gần 7.000 tấn. Lớp tàu này sở hữu 64 hộp phóng thẳng đứng bắn được nhiều loại tên lửa, 1 pháo 130 mm, 1 pháo 30 mm và 6 ống phóng ngư lôi, trực thăng chiến đấu đa nhiệm. Vì thế, Bắc Kinh tự tin khu trục hạm lớp 052D không hề thua kém các tàu chiến trang bị hệ thống Aegis của Mỹ và Nhật Bản.
Về tàu khu trục, Trung Quốc tung ra đến 5 mẫu mới tính từ thập niên 1990 là: Giang Vệ 1 (053 H2G), Giang Vệ 2 (053H3), Giang Khải 1 (054), Giang Khải 2 (054A). Thuộc số này, hộ tống hạm Giang Khải 2 được xem là hiện đại và tối tân nhất, giữ vai trò chủ lực trong đội tàu hộ tống của Trung Quốc trong những năm tới. Hộ tống hạm lớp Giang Khải 2 có độ choán nước khoảng 4.000 tấn, sở hữu các loại thiết bị tác chiến điện tử hiện đại cùng nhiều khí tài như: hệ thống phóng rốc két chống tàu ngầm, pháo cận chiến, tên lửa chống tàu chiến và chở theo trực thăng chiến đấu đa nhiệm. Bắc Kinh đang tiếp tục đóng thêm 3 tàu Giang Khải 2.
Đồng thời, Trung Quốc còn đang ra sức phát triển khinh hạm lớp 056 có độ choán nước 1.300 tấn, mang tên lửa chống tàu chiến, pháo điều khiển tự động và súng máy. Lớp tàu tấn công nhanh Hồng Bại (022) có khả năng tàng hình mang tên lửa cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch hiện đại hóa của hải quân Trung Quốc. Đến nay, nhiều nguồn tin cho rằng Bắc Kinh hiện sở hữu khoảng 80 chiếc Hồng Bại và sẽ còn đóng thêm trong thời gian tới. Tàu tấn công nhanh Hồng Bại có độ choán nước 220 tấn, được trang bị tên lửa chống tàu chiến, đối hải và cả tấn công mặt đất, pháo 30mm.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng dẫn một số nguồn tin cho rằng Trung Quốc đang chế tạo 2 tàu sân bay nội địa, điều mà Bắc Kinh đã chính thức lên tiếng bác bỏ hồi cuối tháng trước. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh bác bỏ khó dập tắt hoài nghi của các bên khi nước này từng tuyên bố mua tàu sân bay Varyag của Ukraine để “phát triển sòng bài” nhưng nay lại trở thành hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Đây chính là một trong những dẫn chứng mà giới chuyên gia cũng như một số nước dùng để cáo buộc rằng Trung Quốc thiếu minh bạch trong chính sách quốc phòng.
Hoàng Đình
>> Tàu hải quân Trung Quốc tuần tra gần Senkaku/Điếu Ngư
>> Hải quân Trung Quốc nhận tàu sân bay
>> Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm căn cứ hải quân Trung Quốc
>> Tàu huấn luyện hải quân Trung Quốc thăm Brunei
>> Nhật cảnh báo về hải quân Trung Quốc
>> Nhật cảnh báo về hoạt động của Hải quân Trung Quốc
>> Hải quân Trung Quốc và Thái Lan tập trận chung
>> Báo cáo về hải quân Trung Quốc của Mỹ
>> Mỹ cảnh báo về hải quân Trung Quốc
Bình luận (0)