Ông Dương Quốc Giang, Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Tân, H.Tân Phước (Tiền Giang) cho biết năm 2012, lần đầu tiên một doanh nghiệp tư nhân tới địa phương mua 6 ha đất rồi đưa giống thanh long ruột đỏ về trồng thử nghiệm. Thấy có hiệu quả, người dân “bắt chước” làm theo, nhờ vậy mà trên địa bàn xã hiện có 68 ha thanh long. Trong đó có 5 hộ nông dân trồng được 9 ha, tất cả đều thành công và có người đã làm giàu, thu nhập tiền tỉ mỗi năm.
Thạnh Tân là xã vùng sâu thuộc khu vực Đồng Tháp Mười của Tiền Giang. Người dân chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp nhưng đất ở đây bị nhiễm phèn nặng, xưa nay chỉ trồng được cây khóm và khoai mỡ. Nếu so với khóm thì thanh long cho hiệu quả rất cao.
Hiệu quả gấp 3 lần cây khóm
Anh Huỳnh Thanh Trà (39 tuổi, quê ở xã Bình Khánh, H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre) tới ấp 1, xã Thạnh Tân, lập nghiệp cách đây khoảng 16 năm. Anh cho biết hồi đó sau khi cưới vợ, gia đình bán 4 công đất trồng dừa ở Bến Tre để cho tiền anh mua 1,5 ha đất ở Đồng Tháp Mười. “Thời gian đầu tôi trồng khóm nhưng cứ “bình bình” hoài không giàu được. Cách đây 3 năm, thấy thanh long hiệu quả cao hơn nên tôi bỏ khóm, trồng thanh long. Nhờ quen biết với một số nông dân trồng thanh long ở Chợ Gạo nên tôi tới đó học cách trồng rồi về chuyển hết diện tích từ khóm sang thanh long”, anh Trà nói.
|
|
Theo anh Trà, nếu so sánh hiệu quả thì giá trị của thanh long cao gấp 3 - 4 lần cây khóm. “Ví dụ với 1,5 ha thanh long, nếu trúng giá mỗi năm tôi có thể lãi được từ 300 - 400 triệu đồng trở lên, còn khóm thì một năm không chắc lãi được 100 triệu đồng. Trồng khóm mức đầu tư thấp nhưng tính ra thì không thấp vì sau 3 năm phải phá bỏ, cải tạo đất, mua giống khác trồng lại. Trong khi thanh long đầu tư một lần nhưng thu hoạch được khoảng 10 năm”, anh Trà chia sẻ.
Cần hỗ trợ vốn, kỹ thuật
Ông Dương Quốc Giang nhìn nhận, thanh long dù cho hiệu quả cao nhưng còn là loại cây quá mới, đòi hỏi vốn đầu tư lớn nên nông dân vẫn e ngại, chưa dám mở rộng. “Cụ thể là từ khi lên liếp, xuống giống đến lúc thu hoạch, mỗi héc ta thanh long cần số vốn khoảng 400 triệu đồng. Điều quan trọng hơn là thị trường tiêu thụ thanh long còn chưa ổn định, có lúc thanh long đổ ra đường bán với giá chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg...”, ông Giang nói.
Dù vậy, theo nhận định của ông Giang, dần dần nông dân sẽ tự chuyển từ cây khóm sang cây thanh long, vì đặc điểm của khóm là thích hợp với đất phèn nhưng nước ngọt đang ngày càng lấn sâu vào vùng Đồng Tháp Mười. “Do vậy, theo tôi thì trong tương lai 10 - 15 năm tới hiệu quả kinh tế từ cây khóm sẽ giảm. Nếu muốn chuyển đổi, mở rộng diện tích thanh long thì nhà nước phải có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nông dân, mà trước hết là giúp vay vốn, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ. Còn hiện nay chủ yếu là nông dân tự học hỏi kinh nghiệm. Có trường hợp nông dân tự thuê kỹ sư từ Chợ Gạo về đây để hướng dẫn kỹ thuật trồng thanh long”, ông Giang nói và cho biết thêm, từ khi cây khóm, cây thanh long lên ngôi, giá đất ở Đồng Tháp Mười cũng tăng lên vùn vụt. Theo UBND xã Thạnh Tân, hiện giá đất trồng khóm cặp theo đường Tràm Mù, gần Thiền viện Trúc Lâm, đã tăng lên gấp đôi, có nơi tăng gấp 3, từ 400 - 500 triệu đồng lên hơn 1 tỉ đồng một ha. Đất nằm ở trong sâu cũng 500 triệu đồng một ha.
Theo anh Huỳnh Thanh Trà, kỹ thuật trồng thanh long không khó. Bí quyết thành công của anh chỉ là sự cần cù, chịu khó, vì trồng thanh long khó nhất là canh thời tiết: mưa dầm dễ sinh mầm bệnh, mùa nắng thì theo dõi sương mù, gió bấc... và bệnh đặc trưng của thanh long là đốm trắng. Anh Trà cho biết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng thanh long trên đất phèn. Bà con nông dân có thể liên hệ với anh qua số điện thoại: 0948291673.
|
Bình luận (0)