Học để làm quan, để đổi đời nên ông thầy xưa được trọng vọng. Nhưng nó cũng khiến ông ít có khả năng đối thoại với học trò.
Thầy đồ dạy chữ nho - Ảnh: Bộ sưu tập ảnh của KTS Đoàn Bắc |
Khi cậu bé Nguyễn Sinh Cung (sau là Hồ Chí Minh) tới tuổi đi học, cậu đã được học chính cha mình và bạn bè của ông. Lớp học được tổ chức ở làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) trong những năm 1896 - 1901. Những lớp học ngay tại cộng đồng, ngay trong lòng cộng đồng như thế không quá khó tìm dưới thời phong kiến.
Tỉnh xây văn miếu, huyện xây văn chỉ
Truyền thống hiếu học được nuôi dưỡng như vậy khi “trường đại học” Quốc Tử Giám chỉ dành cho con em của triều đình, còn trường công lập ở địa phương lại ít được lựa chọn. Thông thường, một nhóm gia đình, một thôn, một xã sẽ mời/nuôi thầy đồ về để dạy học cho con cháu trong nhà.
Với tinh thần ấy, nhiều làng còn lập “học điền” để lấy hoa lợi làm quỹ khuyến học. PGS-TS Nguyễn Thị Phương Chi cho biết làng dành hẳn một miếng đất để cày cấy, hoa lợi thu được chi cho việc học trong làng. Ai là người cày cấy ở đó cũng sẽ do làng phân công, chẳng hạn năm nay họ này làm, năm sau họ khác làm. Những quy định như thế cũng được ghi trong hương ước của làng. Dòng chảy hiếu học còn thể hiện ở hệ thống tôn vinh người đỗ đạt. Trường ở tỉnh xây văn miếu, cấp huyện có văn chỉ, làng xã có văn từ để thờ đạo học.
Được như thế là bởi dưới chế độ thi cử và bổ nhiệm của mô hình quản lý xã hội kiểu Nho giáo, học có thể là một phương cách “đổi đời” hiệu quả. Anh học trò “dài lưng tốn vải” sau khi đỗ đạt thì vận mệnh thay đổi rất nhiều. Vinh danh, ban tước, “võng anh đi trước võng nàng theo sau”. Họ sau đó được trọng dụng, bổ nhiệm làm quan khiến “cả họ được nhờ”. Gia đình, làng xóm trao truyền niềm tự hào đó đến cả những đời sau. Với người bình dân, đó cũng là một cách “giải trừ” định kiến thế tập nặng nề “con vua thì lại làm vua”.
Trực tiếp nhưng thụ động...
Việc học xưa nặng về ông thầy thuyết giảng. Ông dạy độc thoại, với mục đích rõ ràng, cố chứng minh những gì mình nói là quan trọng, cần thiết và đáng ghi nhớ. Người học cố gắng nghe và chép bài để ghi nhận càng nhiều càng tốt lời thầy và kinh sách.
Bên cạnh đó, thi cử cũng đánh giá năng lực qua khả năng học thuộc các chữ và các nghĩa của thí sinh. Thi cử cũng đề cao năng lực nhớ và viết lại cách giải thích, bình luận theo những “khuôn vàng thước ngọc” đã có sẵn. Thậm chí, chỉ việc tránh không phạm trường quy cũng đã đủ khiến thí sinh “tránh” chữ húy mệt mỏi. Sách Đại Nam thực lục chép chuyện Cao Bá Quát và Phan Nhạ năm 1811, do tiếc bài thi tốt mà viết phạm húy nên đã sửa cho thí sinh. Bộ Lễ và Viện Đô sát tra xét nghị tội phải xử tử. Sau vua xét lại, tha cho, nhưng vẫn bị cách chức.
Do đó, đối thoại thầy - trò tuy có nhưng nhìn chung là rất ít và chưa được coi trọng. Cách giáo dục này không khuyến khích các quan điểm, các tư tưởng mới, không dành chỗ cho tự do sáng tạo. Sản phẩm của nó là (số đông) những môn sinh coi đích cuối cùng của việc học là để đỗ đạt rồi làm quan. Họ khó có thể trở thành trí thức độc lập.
Trường tư thục
Hệ thống trường tư là cơ sở giáo dục đào tạo chủ yếu thời phong kiến. Nó giúp con em nhà nghèo hiếu học, không đủ điều kiện học trường công ở phủ huyện được học. Lớp học có thể ở nhà thầy, hoặc gia chủ khá giả đón thầy về dạy con. Lớp tư gia có thể thành lớp học của xóm làng. Làng khá giả, dân có thể góp tiền xây lớp học chung. Có thể xem đây là trường tư của làng, do làng tự lo liệu vì nhà nước không cấp kinh phí. Thầy đồ được tôn là bậc trí thức trong làng. Đây có thể là người có học nhưng không có điều kiện học cao hơn. Thầy cũng có thể là những người đã đỗ đạt, có thể đã làm quan nhưng từ chối mà chọn thú vui an bần lạc đạo, dạy chữ thánh hiền ở chốn thôn quê.
Cha mẹ chọn ngày tốt mang lễ, đưa con chừng 6 - 7 tuổi đến xin nhập học. Buổi đầu khai tâm thầy dạy thói quen tốt như thưa gửi lễ phép, cách trả lời người lớn. Mỗi ngày thầy cho trò luyện viết vài chữ từ sách Tam tự kinh, Nhất thiên tự, Tam thiên tự... Học trò lớn giúp thầy trông coi việc học của lớp.
Học phí tùy tâm và điều kiện. Việc ăn ở của thầy gia chủ và phụ huynh lo. Học sinh góp tiền đồng môn khi nhà thầy có tang lễ trọng. Khi thầy qua đời, học trò để tang hai năm ba tháng như đối với cha mẹ đẻ. Đó là đạo của học trò.
|
Bình luận (0)