Trong thế giới nhạc "chế"...

08/09/2005 21:48 GMT+7

Có thể nói, ngay từ khi người Việt tiếp cận với những ca khúc Tây phương (lúc đó chưa có bài hát Việt sáng tác theo phương pháp ký âm phương Tây) thì người ta liền đặt lời Việt cho bản nhạc đó để hát, rồi khi ca khúc ấy đã trở nên quen thuộc với công chúng thì một tác giả có máu hài hước nào đó lại đặt thêm cho bài hát đó những lời rất buồn cười - chẳng hạn như nhạc sĩ Từ Vũ đặt lời Việt bài Cánh bướm vườn xuân và cũng ngay lập tức có người nhái lời "Mùa xuân năm đó… ngắc ngư ngắc ngư gần chết…" - nhạc "chế" đấy!

Cách đây khoảng 45 năm, mỗi khi chào cờ, người dân miền Nam còn phải đứng nghiêm trước tấm ảnh Ngô Đình Diệm để hát bài Suy tôn Ngô tổng thống, thế là người ta "chế" lời: "Toàn dân Việt Nam nhớ ơn tô hủ tiếu, tô hủ tiếu, tô hủ tiếu muôn năm…" chứng tỏ thái độ phản kháng, bất phục của người dân. Quân đội VNCH thì bị châm biếm "...Sá gì cắc ké leo cây… muôn đời xà bông Việt Nam" (Lục quân Việt Nam), chưa ra chiến trường thì đã trối trăn: "Ngày nào anh chết đi, em nhớ mua cho anh cái hòm, nghe dặn lời: Thầy có cúng thì đừng ngồi gần. Thầy có liếc thì đừng cười tình. Đừng làm chi cả nghe em. Khăn còn đây, áo còn đây, hai chiếc giày còn ở trong rương đem ra chợ mà bán nuôi con…" (nhái bài Lời người ra đi của Trần Hoàn - bài hát này cũng được lưu hành ở miền Nam vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát trước giải phóng). Nhà tôi ở gần Lăng Ông-Bà Chiểu, mỗi ngày đều phải đi qua Cầu Bông, và lúc nào cũng chạnh nhớ câu hát (chế) của những năm 1960 "Ai đang đi trên Cầu Bông, rớt xuống sông ướt cái quần nilon. Vô đây em, đợi quần khô anh sẽ đưa em về…" (Gạo trắng trăng thanh - Hoàng Thi Thơ), cái sự "đợi quần khô" ấy ngẫm ra thấy thú vị vô cùng. Hồi ấy, nhạc chế không chỉ "lưu hành" truyền khẩu trong dân gian mà còn được chính thức ghi đĩa, đó là những đĩa nhạc hài hước của Xuân Phát, Văn Hường... chẳng hạn: "Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm nhỏm dậy đi tìm nàng, tìm khắp xóm nhưng không gặp nàng nào. Đi tìm một nàng Mary, tôi nhớ cái đêm nàng đi, dưới ánh đèn đờn nhị tỳ, mình bước tới trao cô khúc bánh mì, nàng không ưng, mà đòi con gà rô ti…" (Nửa đêm ngoài phố - Trúc Phương) hoặc: "Kawasaki chiếc xe sì-po. Yamaha, Suzuki ta cùng đua. Cùng dzượt đường xa ta cùng rú ga bay dzù dzù. Kìa đẹp sao: Ét ! Mấy cô trông mình mà cười (Love Number Nine).

Sau giải phóng, những bản nhạc bị "chế" lời nhiều nhất là Tiếng chày trên sóc Bom Bo (Xuân Hồng), Tình đất đỏ miền Đông (Trần Long Ẩn) với những lời hát thật hóm hỉnh: "Đi đá banh mặc quần xanh áo đỏ, đi đánh võ mặc quần đỏ áo vàng, còn đi đám ma hoặc là đi đám cưới thì… mặc líp-ba-ga ! Xong, lo chạy về nhà, vội vàng cởi ngay ra, đem… đi trả cho người ta !". Ca khúc của Trần Long Ẩn bị người ta chế lời nhưng người viết cũng đã từng được nghe nhạc sĩ này hát lời mới của bài Lời người ra đi (Trần Hoàn) nghe rất "đã" ! Ở TP.HCM, có lẽ người thuộc nhiều bài nhạc chế nhất là đạo diễn Trần Ngọc Phong, anh hát bài nào ra bài nấy mà bài được "yêu cầu" nhiều nhất là Tình khúc Kachiutsa (dân ca Nga): "…Gà mà còn lông người ta mới kêu là con gà. Gà vặt trụi lông người ta vẫn kêu con gà. Gà giết đi nấu với xôi mới kêu là xôi gà. Mấy cô làm đêm người ta cũng kêu là… gà !". Có một kiểu chế khác rất "độc chiêu" của cặp bài trùng Trần Ngọc Phong-Mai Trần là đem bài Còn thương rau đắng mọc sau hè của nhạc sĩ Bắc Sơn ra phối lại theo âm hưởng Tây nguyên, lời cũng sửa cho nó có vẻ nguyên sơ, chất phác của đồng bào dân tộc: "...Hai chị em bứt tóc, bứt tóc, bứt tóc… Hai chị em trọc lóc, trọc lóc, trọc lóc... như nhau! Hé! He!"á - hát bè đàng hoàng, nhuần nhuyễn. Sinh thời, nhạc sĩ Bắc Sơn đã từng được nghe Trần Ngọc Phong và Mai Trần "chơi" bài này, ông cười ngất, lắc đầu... chấp nhận !

"Nhạc chế" là một đứa em song sinh nhưng rất ư... "dị dạng" so với nguyên bản và  chỉ đơn thuần mang tính giải trí. Thông thường thì "thằng anh"(nguyên bản) phải là ca khúc hay, được phổ biến rộng rãi trong quần chúng mới có thêm "thằng em song sinh" nhưng các tác giả (thiệt) rất ít khi chấp nhận "thằng con" không... đẻ mà có này - bởi nó có vẻ "bát nháo" quá! "Nhạc chế" thường được hát trong các bàn nhậu ồn ào đũa khua, muỗng gõ. Ca từ vì cần chất hài nên cũng không cần phải trau chuốt - đôi khi vô lý, như: "Tôi có người yêu chết trận Pleime. Tôi có người yêu nằm chết trên xe. Chết thật lè phè. Chết thật lè nhè. Chết còn cầm… hai chai la de… (Tình ca của người mất trí - Trịnh Công Sơn) nhưng cần thiết để tạo được sự bất ngờ (khiến người ta phải bật cười) ở câu kết thúc. Tóm lại, "nhạc chế" chỉ để hát cho vui, thư giãn một cách "vô thưởng vô phạt". Tuy nhiên, không ai chấp nhận việc đặt những lời ca tục tĩu, hạ cấp...

Lướt web nghe nhạc “chế”

Bạn muốn nghe nhạc chế? Chỉ cần lên mạng, vào google gõ "nhạc chế" thì vô số những trang web có hẳn một chuyên mục nhạc chế sẽ hiện lên...

Từ những lời lẽ dung tục, rác rưởi, từ nội dung rẻ tiền, nhảm nhí đến cả những vấn đề chính trị -xuyên tạc, nói xấu chế độ... đều được các "chế nhạc sĩ" vận dụng, tung hoành trên những dòng nhạc có sẵn, hoặc sáng tác luôn cả nhạc và lời. Không chỉ nghiễm nhiên chễm chệ trên các web site, chúng còn được cung cấp miễn phí cho những ai có nhu cầu gửi tặng bạn bè. Nhiều người cho rằng nghe loại nhạc này cũng thú vị, gây cười và chỉ để giải trí cho vui. Nhưng, với những CD, VCD, DVD (thậm chí có cả hãng sản xuất), rồi những chuyên mục, phân theo sở thích thưởng thức..., liệu ảnh hưởng của nó có đơn giản chỉ thoáng qua theo kiểu nghe rồi thôi?

Thử vào những trang web nhạc chế sẽ thấy có đủ những "bản ruột" của mọi lứa tuổi, mọi đối tượng. Dân ghiền nhậu thì có: "Anh em quê tôi thì sức thật dẻo dai, khi uống rượu thì mỗi người một chai, dù cho thanh niên râu tơ chưa mọc, dù cho ông già đầu trắng như vôi, rượu trong tay thì ta cứ uống… sếp đã bảo mỗi khi vô bàn thì ta cứ trăm phần trăm" (chế bài Chiếc gậy Trường Sơn), "Một buổi chiều tối như nêm, tui bước vào một quán thịt cầy, vừa bước vào chủ nhân đã hỏi, cậu dùng chi-tôi nói dùng cầy, chủ quán bưng ra một tô thịt cầy, đĩa lá mơ đầy, vài cọng rau thơm, vô 3 xị, tới cơn ghiền, tui đớp thiệt thanh" (Thành phố buồn). Người thích chọc ghẹo, pha trò thì có "Trường Sơn Tây anh đi, thương em bên ấy chưa chồng, đêm nằm khó ngủ, thúc em hoài mà cứ đòi mai mốt, chết hết trai rồi em có lấy anh không" hoặc "Trời đêm dần tàn, tôi lấy Honda đưa nàng đi ăn nhà hàng, cầm xấp năm trăm tôi hỏi nàng 3 đêm được không" (Tàu đêm năm cũ). Học sinh cũng có: "Tôi kể người nghe, chuyện anh học trò mà đòi yêu cô giáo, mới tuổi 15 anh đã đầy mộng mơ… vào lớp mà tay anh nắn nót hai chữ yêu cô" (Chuyện tình Lan và Điệp). Thậm chí, những đứa trẻ mới học mẫu giáo cũng biết nghêu ngao: "Mẹ đi vắng, ba sang chơi nhà dì, í a, con rình con rình con thấy, con rình con rình con thấy, thấy ba và dì ứ ư (Mẹ đi vắng), hay: "Cháu lên ba, cháu vô mẫu giáo, cô thương cháu vì có ba đón về, ba đón về mà không về nhà má, về nhà cô giáo te tò te tí tè, là lá la la". Đúng là... "potay.com"! Thế nhưng, người lớn không tuyên truyền thì lấy đâu bọn trẻ thuộc?

Khi Internet đã trở thành người bạn thân thiết của mọi người thì chuyện "search" nhạc chế để nghe và hát cho vui không còn khó khăn. Thêm nữa, tình trạng thiếu chặt chẽ trong kiểm soát mạng đã góp phần cho nhạc chế có điều kiện "bành trướng" đất sống, ai muốn upload bao nhiêu, download thế nào cũng được. Đọc những lời phân tích, bình luận nhạc chế trên các diễn đàn này, có vẻ như không ít người thích thú và hâm mộ loại nhạc ấy lắm. Nếu trước đây người ta thường chế từ những ca khúc truyền thống cách mạng, hay nhạc bị gọi là "sến"; thì bây giờ có đủ nhạc chế - pop, rock, hip hop, cả đọc rap chế! Cứ thế, cơ hội bị đầu độc nhạc chế đối với bọn trẻ ngày càng nhiều, mức độ "nhiễm" nhạc chế của các thành phần ngày càng tăng!

Báo chí từng lên tiếng về hiện tượng này, nhưng xem ra... chẳng ăn thua gì! Đĩa nhạc chế vẫn được lưu hành... từ công khai (lòng lề đường) cho đến bí mật (quen mặt mới bán), còn mục nhạc chế trên các trang web vẫn vô tư hoạt động, cập nhật liên tục và tất nhiên nhiều người (chủ yếu là giới trẻ) vẫn nghe - học thuộc - hát nhạc chế say mê với Thím hai nào muốn sửa sắc đẹp vô đây, Một đời băng đảng, Huyền thoại rượu, Khoai, mì vạn tuế... Với những nội dung bệnh hoạn, lệnh lạc, ca từ thô bỉ như thế thì đúng là nhạc chế không còn dừng lại ở chỗ nghe cho vui nữa.

Nguyên Vân

Tại sao là nhạc “chế” mà không là dân ca?

Trong sân chơi âm nhạc, bên cạnh giới chuyên nghiệp, phong trào, từ lâu hình thành một lực lượng "sáng tác" không cần học nhạc. Bước tiếp cận nhanh nhất của các "nhạc sĩ" này là việc đặt lời mới cho một giai điệu đã có sẵn, nhất là những bài được đông đảo công chúng ưa thích, truyền miệng. Một bài càng nổi tiếng càng có nhiều người tham gia đặt lời mới cho nó, như ca khúc Tiếng chày trên sóc Bom Bo của nhạc sĩ Xuân Hồng có đến 4 phiên khúc lời mới khác nhau (cũng giống như sự phát triển của các bài dân ca, đến từng địa phương, khu vực khác nhau đều có dị bản).

Một sân chơi tự phát sẽ phát sinh nhiều chuyện không lường trước được, còn nếu như có tổ chức sẽ mang tính giáo dục cao, khơi gợi, gieo mầm cho những ai tập tễnh nghiệp sáng tác. Anh Lê Chí Thành (Phó chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM) cho biết: "Thời kỳ tôi làm Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM, năm 1992 chúng tôi có tổ chức một cuộc thi đặt lời mới cho một số ca khúc dân ca. Mục đích của hoạt động này là làm sao cho giới trẻ tiếp cận dân ca Việt Nam. Vì nếu bất cứ ai muốn đặt lời mới cho một khúc dân ca phải hiểu và nắm bắt được giai điệu đó, phải hát thật nhiều lần để thấm sâu, ca khúc nào thuộc dạng tỏ tình, dạng phê phán dí dỏm, dạng ca ngợi quê hương... từ đó mới có thể đặt lời phù hợp. Cuộc thi rất thành công, BTC đã nhận được gần cả ngàn bài gửi về. Sau đó chúng tôi biên tập in ra một quyển dân ca Việt Nam với 40 bài lời mới, bao gồm các khúc dân ca nổi tiếng của cả ba miền và khu vực Tây Nguyên. Rất tiếc phong trào chưa được tiếp tục duy trì".

Sự phát triển cái gọi là nhạc chế gần đây cho thấy các "cây viết" (đa phần là lực lượng trẻ, am tường kỹ thuật vi tính) rất "sạch nước cản" về phần đặt lời, nhưng ca từ đôi khi rất bậy bạ, chưa kể phần đông các ca khúc bị khai thác đều vi phạm pháp luật vì đã có chủ quyền. Nếu như các bạn trẻ này, thay vì "phát tiết" những nội dung xấu và phạm pháp (về tác quyền lẫn nội dung), được tổ chức sân chơi để chuyển hướng về những nội dung có ích, như ca từ mang tính châm biếm, hài hước các thói hư tật xấu mang tính thời sự (trên cơ sở nhiều khúc dân ca phù hợp), một thể loại đang thiếu và yếu trên thị trường ca nhạc hiện nay, cuộc chơi trên mạng sẽ bổ ích hơn. Biết đâu sẽ xuất hiện nhiều cây viết trẻ có thế mạnh về việc đặt lời ở dòng nhạc này. Các bạn, tại sao không?

Tuấn Anh

Ý Kiến

- Ca sĩ Lâm Vũ: "Mượn nhạc để viết lời bình thường thì không ai nói gì, nhưng lấy đó để chế lời bậy bạ, độc hại thì đúng là xúc phạm đến nhạc sĩ. Bởi, không ai muốn đứa con tinh thần của mình bị kẻ khác mặc vào chiếc áo rách nát, dơ bẩn".

- Nguyễn Thị Huỳnh Nhiên (khu Mả Lạng, đường Nguyễn Trãi, Q.1, TP.HCM): "Với tôi, nhạc chế là loại nhạc rác rưởi. Đành rằng ai đó bảo "nghe cho vui" nhưng vui cũng phải có ý nghĩa chứ, đằng này nghe nhạc chế chẳng bổ ích gì. Nhạc chế bây giờ tràn lan, nghe hay không do ý thức của mỗi người; nhưng tốt hơn hết là không nên mất thời gian vô ích, nghe chỉ thêm... hư tai".

- Trần Hoài Phương Đông (49 khu phố 1, phường Trường Thọ, Q.Thủ Đức -TP.HCM): "Nhạc chế thường rơi vào những bài hát phổ biến và thịnh hành bây giờ. Có bài nghe cũng vui vui, nhưng đa số là tào lao, bậy bạ. Thậm chí có những đoạn rap chế toàn tiếng chửi thề. Cũng khó cho cơ quan quản lý, bởi băng đĩa lậu ngăn chặn vậy mà vẫn còn "đường" lưu hành, huống chi mạng - ai muốn "quăng" cái gì lên lúc nào cũng được".

- Nhà thơ Bùi Chí Vinh: "Thú thật tôi không có thiện cảm khi người ta chế lời khác với nguyên bản. Làm như thế là xúc phạm đến tác giả vắng mặt, nếu tác giả có mặt ở đó cũng sẽ không bao giờ chấp nhận (còn giá như có tác giả nào đó chấp nhận thì đó là một tác giả tồi). Nếu nói công chúng thì cũng chỉ là cái thú chơi của giới ăn nhậu bình dân nhưng cũng không nên vượt quá giới hạn về tính đạo đức trong ca từ. Nghe qua một lần thì có thể vỗ tay cười nhưng nghe nhiều lần rồi tán thưởng thì sẽ trở nên lố bịch.

- Nghệ sĩ hài Tiết Cương: "Thỉnh thoảng đi ngang mấy quán cà phê cóc, hay mấy xe kẹo kéo, tôi cũng có nghe loại nhạc này. Không hiểu sao mọi người thích chứ tôi thì hoàn toàn phản đối. Nhạc chế không phải là một hình thức nghệ thuật đích thực, đàng hoàng nên chắc chắn tự nó sẽ bị đào thải. Bọn trẻ bây giờ cũng hát theo dữ lắm, nên quý vị phụ huynh cần quan tâm hơn đối với nhu cầu giải trí của con em mình".

 

N.Vân
(ghi)

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.