Trong “thủ phủ” taxi

19/04/2012 10:21 GMT+7

Khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất là nơi tập trung taxi nhiều nhất ở TP.HCM với hàng ngàn chiếc thuộc đủ các hãng tấp nập vào ra, đậu la liệt hai bên đường, hình thành nên một “thủ phủ” của giới taxi.

Khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất là nơi tập trung taxi nhiều nhất ở TP.HCM với hàng ngàn chiếc thuộc đủ các hãng tấp nập vào ra, đậu la liệt hai bên đường, hình thành nên một “thủ phủ” của giới taxi.


 Taxi lao nhanh ra khỏi bãi khi được gọi - Ảnh: Nguyễn Loan

8g sáng, tài xế của các hãng tụ tập thành từng nhóm đang ngồi ăn sáng thì bỗng dưng không ai nói ai, các nhóm nháo nhác chạy về phía xe của mình, ngay sau đó tiếng còi huýt lên, hai cảnh sát cơ động ập đến. Các xe đua nhau chạy, một vài xe bị giữ lại lập biên bản vì đậu trên lề đường. Mỗi lần bị phạt như thế chỉ có méo mặt, một biên bản được lập ra thì tài xế vi phạm phải nộp 800.000 đồng cùng với việc sẽ “chết đói” cả tháng vì bị tịch thu bằng lái.

Một bãi đỗ, nhiều thân phận

“Không có chỗ đậu, chúng tôi phải đậu tạm ở đây để chờ tới lượt mới được vào bãi chờ xếp tài” - anh Trần Xuân Vĩnh, tài xế taxi Hãng Mai Linh, nói như phân bua. Anh nói tiếp: “Chạy ngoài đường ế khách nên phải tấp vào để đỡ tiền xăng chứ xe ở đây đông lắm, nhanh thì một giờ, chậm có khi 3-4 giờ mới tới lượt mình”. Cả khu vực ở bãi đậu của sân bay có tới chín hãng taxi đăng ký. Nhưng nhiều taxi ở khu vực lân cận do ế khách nên thường lái xe vào đây xếp tài vào giờ cao điểm (giờ máy bay đáp, thường từ 15g tới gần 1g sáng hôm sau).

Buổi trưa, trong cái nóng gay gắt, tấm bạt che tạm của cô hàng nước bị hơi nóng phừng phực bốc lên thế nhưng vẫn rất đắt khách. Mấy anh tài xế vẫn thản nhiên ngồi gặm bánh mì và bày cờ tướng ra đánh để “giết” thời gian trong lúc đợi khách. Trong tốp tài xế của Hãng Phương Trang, ông Nguyễn Hải Sơn là một trong những tài xế có tuổi nghề cao nhất ở đây với gần 15 năm. Nửa đùa nửa thật, ông Sơn nói: “Làm nghề này khổ lắm, trai có vợ thì dễ bị vợ bỏ, chưa vợ thì khó kiếm vợ, còn đàn bà con gái làm nghề này thì càng cực”. Ông Sơn chính là điển hình bị vợ bỏ mặc dù đã lấy nhau được mấy chục năm nhưng bà vẫn ôm con bỏ đi chỉ vì ông đi suốt ngày.

Chị Huỳnh Thị Mỹ, tài xế taxi Hãng Mai Linh, bốn năm gắn với nghề lái taxi, chỉ cười khi nhắc đến công việc và gia đình. Trước đây chị từng làm đủ việc nhưng khó khăn quá nên chuyển qua nghề này. Chị cũng từng có gia đình riêng nhưng có lẽ nghề lái taxi trái giờ, trái nếp sinh hoạt đã lấy của chị hạnh phúc gia đình. Vậy là 33 tuổi chị lại một mình thuê phòng trọ, ngày ôm vôlăng, tối về ôm gối ngủ.

Trong “thủ phủ” taxi này, nhiều tài xế từng sống trong giới giang hồ, cũng có người từng làm “ông nọ bà kia”. Tài xế Đoàn Quốc Việt vẫn chưa bao giờ thôi nuôi trong mình những hoài bão. Quê ở Cần Giờ, tốt nghiệp cử nhân ngành kế toán tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ra trường làm nhân viên kế toán được mấy năm, anh và người bạn thân hùn hạp chuyển qua mở xưởng gỗ làm ăn khá phát đạt. Nhưng mấy năm sau đó do làm ăn thất bát, thua lỗ nặng, anh quyết định làm tài xế cho Hãng Saigon Tourist để vừa vơi bớt nỗi buồn, vừa học nghề lái xe với hi vọng vài năm tới sẽ về lại Cần Giờ mở khu du lịch sinh thái.

 
Tài xế của Hãng Phương Trang vừa tranh thủ ăn trưa vừa đánh cờ “giết” thời gian
trong lúc đợi khách - Ảnh: Nguyễn Loan

Bươn chải với nghề

Có vào “thủ phủ” taxi cùng ăn cùng sống với họ mới hiểu hết cái khổ của đời tài xế. Từ 4g sáng họ đã phải lục tục dậy để chuẩn bị giao ca, thường tất cả các hãng taxi hoạt động 24/24 giờ nên mỗi ca làm của tài xế cũng chừng ấy thời gian. Sau mỗi ca làm mệt mỏi, điều duy nhất họ có thể làm là ngủ để lấy sức cho ca sau. “Có khi đợi từ sáng đến 11g-12g trưa mới được gọi, vào sân bay phải đóng phí 10.000 đồng/lượt vậy mà có khi khách chỉ yêu cầu chở ra khỏi sân bay, đi một đoạn bảo xuống vì có người nhà đến đón. Những lúc đó chỉ muốn điên” - anh Lê Văn Dương, tài xế Hãng Hoàng Long, kể. Mỗi ngày, công ty khoán cho mỗi người chỉ tiêu hơn 500.000 đồng nên phải ráng chạy đạt trên 1 triệu đồng, trừ chi phí mới kiếm được vài trăm ngàn đồng. Nếu gặp “cuốc” đường dài còn đỡ, chứ gặp vài ba trường hợp như trên thì đói cả ngày, thậm chí phải bù tiền cho công ty. Xăng lên giá, các hãng cũng đua nhau tăng giá cước, khách mỗi ngày ít dần mà taxi ngày càng nhiều, đời tài xế cũng vì thế mà cực hơn.

Cực thì cực nhưng từng ngày họ vẫn luôn cố gắng giữ chén cơm. Tranh thủ lúc không có khách, một số tài xế taxi Hãng Phương Trang luyện... ngoại ngữ. Ngoài tiếng Anh, các tài xế còn tranh thủ thời gian học thêm một vài thứ tiếng khác như tiếng Nhật, tiếng Trung... “Học cũng chỉ được dăm ba câu nhưng phải học để có cái mà giao tiếp với khách, chứ lớ ngớ chỉ có thiệt vì không thể mời khách” - cầm sách học tiếng Nhật cấp tốc trên tay, anh Quỳnh Vũ, một tài xế taxi ở đây, chia sẻ. Không có thời gian tham gia các lớp học nên chủ yếu tài xế phải chịu khó mua sách về tự học. Gặp khách thì học lỏm thêm vài ba câu vậy là đủ.

Trong “thủ phủ” taxi này, tài xế đến từ nhiều miền quê trên khắp cả nước, người thì lặn lội từ Lào Cai, Bắc Giang vào đây, người từ miền Trung nắng cháy, người ở miền Tây Nam bộ lên. Chẳng ai quen biết nhau nhưng cùng làm đời tài xế, cùng ghé vào uống vài ly cà phê đợi khách mà trở nên thân thiết, gắn bó và chia sẻ với nhau bao vui buồn trong cuộc sống.

Theo Tuổi Trẻ

Gần 10.000 taxi

Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất có gần 10.000 taxi của chín hãng (Sài Gòn Air, Mai Linh, Vinasun, Vinataxi, Sài Gòn Hoàng Long, Phương Trang, Savico, Saigon Tourist và Happy Taxi) được phép hoạt động. Mỗi taxi thường “cặp” theo 2-3 tài xế, tính ra có tới cả chục ngàn tài xế taxi hoạt động tại khu vực sân bay. Đó là chưa kể lượng “taxi nhập cư” của các hãng như Mai Linh, Phương Trang từ các tỉnh đổ về.

Hiện nay sân bay mới sắp xếp được khoảng 160 vị trí đậu taxi tại ga quốc tế và 200 vị trí tại ga quốc nội, chiếm một phần rất nhỏ so với nhu cầu nên taxi đậu tràn lan tại các tuyến đường gần sân bay như Trường Sơn, Hồng Hà... Xe đông, vị trí xếp tài ít nên tài xế thường phải đậu tại khu vực “chuồng cu” (từ dân dã mà giới tài xế gọi khu vực rào sắt để đậu taxi của sân bay ngay góc đường Trường Sơn và Hồng Hà) để chờ được gọi vào sân bay đón khách.

Theo quản lý các hãng taxi, nguồn gốc của tài xế taxi rất đa dạng nên việc quản lý rất phức tạp. Bên cạnh những tài xế yêu nghề, sẵn sàng trả lại tài sản của khách để quên cũng còn rất nhiều tài xế taxi lấy đồ của khách, làm giá, từ chối chở cuốc gần. Thậm chí Trung tâm an ninh sân bay phải xử lý nhiều vụ tài xế taxi trấn lột, đánh khách nước ngoài. Trong năm 2011 đã có hơn 2.000 lượt tài xế taxi vi phạm kỷ luật tại sân bay Tân Sơn Nhất. Theo lãnh đạo một hãng taxi hoạt động tại sân bay, bên cạnh việc đào tạo, siết chặt kỷ luật của cơ quan quản lý, bản thân mỗi tài xế taxi cũng cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp và lòng tự tôn dân tộc để duy trì hình ảnh đẹp đối với hành khách nói chung và du khách quốc tế khi tới VN nói riêng.

Bá Sơn

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.