Trữ lượng đất hiếm của Việt Nam có lớn?

Lê Quân
Lê Quân
12/10/2023 20:24 GMT+7

Sau thông tin C03 (Bộ Công an) phong tỏa mỏ đất hiếm của Công ty CP tập đoàn Thái Dương tại H.Văn Yên (Yên Bái), thông tin về loại tài nguyên này ở nước ta được nhiều người quan tâm.

Trữ lượng đất hiếm của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới

Liên quan đến tài nguyên đất hiếm đang gây xôn xao dư luận khi mới đây đoàn công tác Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) đã phong tỏa, làm việc tại mỏ đất hiếm của Công ty CP tập đoàn Thái Dương tại xã Yên Phú (H.Văn Yên, Yên Bái).

Trữ lượng đất hiếm của Việt Nam có lớn? - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng kiểm tra tại mỏ đất hiếm Đông Pao

CỔNG THÔNG TIN H.TAM ĐƯỜNG, LAI CHÂU

Công ty CP tập đoàn Thái Dương có trụ sở tại P.Kim Mã, Q.Ba Đình, Hà Nội. Công ty này được Bộ TN-MT cấp giấy phép thăm dò đất hiếm tại mỏ Yên Phú từ tháng 6.2013 với diện tích 6,24 ha; độ sâu khai thác đến mức + 35 m; thời gian khai thác là 8 năm 1 tháng kể từ ngày ký giấy phép; trữ lượng khai thác là gần 1,9 triệu tấn quặng.

Theo Bộ TN-MT, đất hiếm là tên gọi chung của một nhóm 17 nguyên tố hóa học thuộc bảng tuần hoàn: Scandi (Sc), Ytri (Y) và 15 nguyên tố của nhóm Lanthan (La, Ce, Pr, Nd, Pm, Sm, Eu, Gd, Tb, Dy, Ho, Er, Tm, Yb, Lu).

Đất hiếm là tài nguyên quý làm nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao: điện tử, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang, xúc tác, nam châm, quang điện, chế tạo vũ khí, thiết bị y tế, công nghệ bán dẫn… Do đất hiếm nằm rải rác với số lượng ít tại nhiều nơi dẫn đến việc khai thác, tinh chế khó khăn, tốn kém nên đây là nguồn tài nguyên quý, có giá trị cao.

Bộ TN-MT cho biết, ước tính trữ lượng đất hiếm ở nước ta có khoảng 22 triệu tấn, chỉ đứng sau Trung Quốc, với khoảng 44 triệu tấn. Một số quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn khác: Brazil có khoảng hơn 21 triệu tấn, Nga có khoảng 21 triệu tấn, Ấn Độ có khoảng gần 7 triệu tấn…

Bộ TN-MT thống kê, ở nước ta, trữ lượng đất hiếm phân bổ chủ yếu ở vùng Tây Bắc với nhiều mỏ được thăm dò, xác định giá trị kinh tế. Cụ thể là trữ lượng đất hiếm tập trung nhiều các mỏ thuộc địa bàn tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Đáng chú ý, là các mỏ đất hiếm có trữ lượng cao: mỏ đất hiếm Nậm Xê (xã Nậm Xê, H.Phong Thổ, Lai Châu) diện tích 125,98 km2, trữ lượng ước tính khoảng 10 triệu tấn. Mỏ đất hiếm Đông Pao (xã Bản Hon, H.Tam Đường, Lai Châu) diện tích 53,99 km2, trữ lượng ước tính từ 8 đến 10 triệu tấn. Mỏ đất hiếm Mường Hum (xã Mường Hum, H.Bát Xát, Lào Cai) diện tích 26,84 km2 (chưa rõ trữ lượng chính xác, nhưng vẫn được đánh giá có trữ lượng lớn). Mỏ đất hiếm Yên Phú (xã Yên Phú, H.Văn Yên, Yên Bái) có trữ lượng ước tính khoảng 20.000 tấn.

Xuất khẩu đất hiếm dưới dạng quặng thô

Bộ TN-MT cho biết, Việt Nam đã bắt đầu khai thác đất hiếm từ khoảng năm 2014. Tuy nhiên, việc khai thác, xuất khẩu đất hiếm của nước ta chưa tương xứng tiềm năng, hình thức khai thác vẫn nhỏ lẻ. Đồng thời, Việt Nam vẫn chưa có khả năng chế biến sâu đất hiếm để phân tách các nguyên tố đất hiếm riêng lẻ, mà chủ yếu xuất khẩu tài nguyên này dưới dạng quặng thô, giá thành không cao.

Trữ lượng đất hiếm của Việt Nam có lớn? - Ảnh 2.

Một mỏ đất hiếm ở Nội Mông (Trung Quốc)

REUTERS

Cuối năm 2022, Việt Nam đạt được thỏa thuận xuất khẩu đất hiếm sang Hàn Quốc với sản lượng 1.000 tấn/năm, có thể tăng lên mức 2.000 tấn/năm.

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Chính phủ phê duyệt vào tháng 7 vừa qua: từ năm 2021 đến 2030, Việt Nam sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm. 2 mỏ được tập trung đầu tư khai thác là mỏ Yên Phú (H.Văn Yên, Yên Bái) và mỏ Đông Pao (H.Tam Đường, Lai Châu).

Tiếp đó, mục tiêu đến 2030 sẽ hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại một số mỏ đất hiếm ở Lai Châu. Thăm dò, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Dự kiến, năm 2030 sẽ hoàn thành đầu tư nhà máy chế biến đất hiếm tại Yên Bái.

Giai đoạn từ 2031 - 2050, thăm dò bổ sung các mỏ đất hiếm đã cấp phép khai thác và thăm dò mới 1 - 2 điểm mỏ tại Lai Châu và Lào Cai. Trong thời gian này, sẽ duy trì hoạt động của các dự án đã đi vào khai thác; đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao; đầu tư mới 3 - 4 dự án khác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Cuối tháng 6 vừa qua, để tăng cường quản lý việc thăm dò, khai thác, sử dụng, xuất khẩu đất hiếm, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Quý Kiên đã có văn bản gửi đến một số tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ… đề nghị chủ động rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác, tuyển, tiêu thụ quặng đất hiếm. Đồng thời, cần tăng cường công tác giám sát, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.