Vùng nước ngọt ngầm ngoài khơi (OFG) được phát hiện nhờ các kỹ thuật kết hợp trong lĩnh vực địa chấn và điện từ nhằm lập nên bản đồ 3D của tầng ngậm nước dưới đáy biển. Theo chuyên gia Joshu Mountjoy tại Viện Nghiên cứu nước và khí quyển quốc gia New Zealand, trữ lượng nước ngọt vừa được phát hiện có thể lên đến 2.000 km3, nhiều hơn cả hồ Ontario ở Bắc Mỹ. Những vùng nước ngầm tương tự nằm giữa các lớp đá và tồn tại ở một số vùng biển trên thế giới nhưng ít phổ biến.
Các nhà khoa học cho rằng phần lớn lượng nước vừa được phát hiện có thể đã tích tụ qua 3 thời kỳ băng hà. Ông Mountjoy cho biết một trong những khía cạnh thú vị của nghiên cứu là giúp đem lại những hiểu biết mới trong lĩnh vực quản lý nước. Ông cho biết nhóm nghiên cứu đang tính đến khả năng tiếp cận tầng nước ngầm đó để xác nhận thực địa về khám phá của họ. Dấu hiệu về trữ lượng nước ngọt ở ngoài khơi thành phố cảng Tiramu ở New Zealand được phát hiện vào năm 2012 trong một dự án thăm dò của giới khoa học. Tuy nhiên khi đó, họ cho rằng tầng nước ngầm này là nước lợ. Nếu là nước ngọt, trữ lượng này sẽ rất hữu ích nếu được khai thác vì vùng Canterbury gần đó đang chịu áp lực từ gia tăng dân số và hạn hán.
Bình luận (0)